Không giải ngân được, 9 bộ, ngành xin trả lại 3.700 tỷ đồng
Tại cuộc họp với đại diện các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài (ODA) của Chính phủ trong 8 tháng năm 2020, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết: Đến nay, đã có 9 bộ, ngành đề nghị trả lại vốn ODA (có 8 bộ có văn bản chính thức) với tổng vốn 3.700 tỷ đồng, chiếm 32% dự toán được giao.
Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) xin hoàn trả số vốn lớn nhất, lên đến 1.800 tỷ đồng. Hiện, Bộ Tài chính cũng đã ghi nhận một số đề xuất hủy, cắt giảm vốn của Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề nghị điều chuyển 330,5 tỷ đồng/619,8 tỷ đồng dự toán vốn nước ngoài để chuyển cho các bộ, địa phương khác; Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đề nghị hủy số tiền 300 tỷ đồng/400 tỷ đồng dự kiến bố trí cho Dự án Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội do giải ngân quá chậm; Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đề nghị giảm 50 tỷ đồng vốn nước ngoài đã giao cho Dự án Phát triển hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc để bổ sung cho các dự án khác cần vốn…
Theo ông Hoàng Hải, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động của đại dịch COVID-19 nặng nề hơn so với dự án trong nước bởi hầu hết các hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yêu cầu nước ngoài từ máy tính nhập khẩu, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giảm giá... Đây là nguyên nhân chính khiến giải ngân vốn ODA chậm.
Bên cạnh đó là nguyên nhân từ sự vướng mắc về thủ tục điều chỉnh các dự án. Do việc thực hiện dự án của các bộ, ngành, ban quản ý dự án chậm nên có dự án xin điều chỉnh thời gian giải ngân; một số dự án khác các bộ ngành muốn sử dụng vốn dư. Từ đầu năm 2020 đến nay đã có 9 hiệp định vay của các bộ phải làm thủ tục gia hạn, điều chỉnh với nhà tài trợ.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Vũ Thanh Liêm – Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) nói: “COVID-19 khiến các chuyên gia của dự án chưa sang được Việt Nam nên một số hoạt động chưa hoàn thành theo đúng kế hoạch; bố trí vốn đối ứng của các địa phương tham gia dự án chưa đủ, chưa kịp thời theo tiến độ thực hiện dự án. Do đặc thù thi công của các công trình ngành NN-PTNT cần tranh thủ thời tiết trong mùa khô (quý I và quý II), các đơn vị tập trung nguồn lực để gấp rút thi công, chưa hoàn tất thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng đã hoàn thành nên giá trị giải ngân đầu năm còn thấp”.
Tính đến nay, tiến độ giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đạt khá nhất, dự kiến đến hết tháng 8/2020 đạt khoảng 51% kế hoạch vốn giao; trong đó giải ngân vốn ODA đạt 41,7%. Bộ này có số vốn rất lớn cần giải ngân trong năm nay với số vốn lên đến hơn 21.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại diện Bộ GTVT thừa nhận, so với kế hoạch thì tỷ lệ giải ngân chưa đạt được như kỳ vọng, mục tiêu.
Theo ông Hoàng Hải, việc chậm hoàn chứng từ đối với các khoản Chính phủ Việt Nam đã nhận nợ với nhà tài trợ nước ngoài cũng là một nguyên nhân khiến giải ngân ODA chậm. “Qua đợt làm việc trực tiếp vào tháng 7- 8/2020 với các dự án sử dụng vốn ODA không giải ngân được do chậm hoàn chứng từ, Bộ Tài chính đã yêu cầu hoàn trả nhà tài trợ những tài khoản đã rút về từ tài khoản đặc biệt nhưng chưa được sử dụng và chậm hoàn chứng từ trị giá xấp xỉ 190 tỷ đồng”, ông Hoàng Hải nói.
Để tháo gỡ, đẩy mạnh tốc độ giải ngân, đại diện Bộ NN-PTNT, ông Vũ Thanh Liêm đã đưa kiến nghị: Các địa phương khẩn trương giao vốn đối ứng của địa phương đầy đủ, kịp thời theo đúng cam kết và tiến độ của dự án. Bộ NN-PTNT sẽ đôn đốc các chủ đầu tư nghiệm thu khối lượng các dự án đã thực hiện, hoàn thành hồ sơ thanh toán để giải ngân; tăng cường công tác kiểm tra tiến độ thực hiện dự án để đôn đốc và kịp thời tháo gỡ vưỡng mắc cùng chủ đầu tư trong quá trình thực hiện, đặc biệt là những dự án trọng điểm, dự án có kế hoạch vốn nhiều.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết: Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều biện pháp quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Sau 2 tháng thực hiện các chỉ đạo sát sao và quyết liệt từ các cấp, các ngành, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài của các bộ đã tiến bộ, ước thực hiện tháng 8/2020 đạt 21,64% dự toán giao. Đây là mức tăng khá so với tháng 7/2020 nhưng theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, tỷ lệ này vẫn rất thấp, thấp hơn mức bình quân chung giải ngân vốn đầu tư phát triển năm 2020 của cả nước.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng đề nghị đại diện các bộ, ngành: “Nếu không có nhu cầu giải ngân hết, phải chuyển cho các bộ, ngành hoặc dự án khác, đề nghị đăng ký chính thức tại hội nghị này”.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, các bộ, ngành vẫn đang tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn ODA theo kế hoạch 2019 với giá trị là 2.420 tỷ đồng. “Hiện, các bộ, ngành chưa chỉ ra được dự án nào có khả năng tăng, qua rà soát nếu có thể thì đề xuất trong phạm vi phân bổ của bộ, ngành. Nếu điều chỉnh cho từng dự án của bộ, ngành mình thì không cần phải báo cáo. Nếu điều chỉnh liên quan đến tổng mức đầu tư thì phải báo cáo Thủ tướng”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.