Không giải quyết được tăng nguồn thu cho giáo dục sẽ xảy ra tình trạng 'thấp chỗ này, phình chỗ kia'
Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu có lộ trình phù hợp để cân đối giữa mức tăng học phí và các quy định, từ đó đảm bảo hài hòa quyền lợi cho các cơ sở giáo dục và phụ huynh.
Đảm bảo chất lượng giáo dục trong giai đoạn hiện nay
Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, thảo luận về kinh tế - xã hội tại hội trường Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 1/11/2023, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nêu rõ, những ngày qua, dư luận xôn xao về việc lạm thu trong các trường học. Là tỉnh khó khăn nhưng qua nghiên cứu, khảo sát, để chia sẻ khó khăn của người dân, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình đã thông qua Nghị quyết miễn, giảm học phí cho năm học 2023 - 2024 cho học sinh đã được dư luận đồng tình. Trước đó, năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình cũng đã ban hành danh mục các khoản thu dành cho nhà trường với mức thu rõ ràng, phù hợp nên Quảng Bình hạn chế được tình trạng lạm thu.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng rõ cơ chế này nhưng dù phù hợp, đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi lẽ không giải quyết được việc tăng nguồn thu cho giáo dục sẽ xảy ra tình trạng "thấp chỗ này, phình chỗ kia". Chính sách ưu việt của việc miễn, giảm kéo dài thời gian tăng học phí sẽ không bù đắp nổi với những khoản chi phí phát sinh mà phụ huynh phải đánh giá.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu có lộ trình phù hợp để cân đối giữa mức tăng học phí và các quy định để đảm bảo hài hòa quyền lợi cho các cơ sở giáo dục và phụ huynh. Qua đó đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục công lập trong giai đoạn hiện nay....
Ngoài ra, để đảm bảo nguồn lực giải quyết những khó khăn, đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục quan tâm đầu tư, bố trí ngân sách cho lĩnh vực giáo dục đảm bảo theo quy định tại Nghị quyết 34 của Quốc hội.
Cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho giáo dục đại học
Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết, dù năm 2023 nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, tình hình kinh tế xã hội có những thành tựu quan trọng, đáng ghi nhận. Về giáo dục đại học, đại biểu phản ánh, nhiều cử tri là giảng viên, giáo viên đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư một cách thích đáng, hiệu quả hơn cho giáo dục đại học.
Đại biểu cho biết, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, hợp tác quốc tế sâu rộng, nguồn nhân lực chất lượng cao, vai trò của trường đại học càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. So với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đầu tư công cho giáo dục đại học ở nước ta rất thấp. Kinh phí nghiên cứu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên, giảng viên ở các trường đại học còn quá ít, trong khi đó, hoạt động nghiên cứu khoa học chính là sức sống của trường đại học.
Đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá lại, hoàn thiện thêm khung khổ pháp lý, các quy định, các văn bản liên quan hỗ trợ cho các trường đại học tự chủ, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, giúp các trường đại học phát triển, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao, sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ quốc kế, dân sinh.
Phát huy tự chủ đại học
Đại biểu Vương Quốc Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nêu rõ đại học có vai trò rất lớn trong việc nghiên cứu, xây dựng thể chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ, giữ gìn và lan tỏa văn hóa, thúc đẩy quốc gia đổi mới sáng tạo. Để đại học thực hiện được sứ mệnh này cần tiếp tục dành sự quan tâm lớn hơn cho đại học. Trong đó, chính sách phát huy tự chủ đại học, phát huy vai trò của Hội đồng trường gắn với đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục cần được đặc biệt quan tâm.
Đại biểu Vương Quốc Thắng cho biết, Hội đồng trường là thiết chế giúp cơ sở giáo dục đại học thực thi quyền tự chủ, thực hiện chức năng quản trị, giám sát và trách nhiệm giải trình. Thành viên Hội đồng trường quyết định khả năng triển khai hoạt động, thực hiện quản trị chất lượng, hiệu quả của cơ sở giáo dục đại học hiện nay. Tuy nhiên hiện có một số tồn tại, hạn chế khiến cho chưa phát huy hết vai trò tự chủ thực chất và thực hiện đầy đủ chức năng của Hội đồng trường như thiếu hướng dẫn cụ thể về cơ cấu tổ chức Hội đồng trường, việc giám sát quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học, kiểm toán nội bộ…
Do đó, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 99, trong đó đưa ra tiêu chí tiêu chuẩn, điều kiện để một cơ sở giáo dục đại học được coi là tự chủ quy định cụ thể, cơ cấu thành viên của Hội đồng trường gắn với trách nhiệm quyền hạn thể chế hóa nội dung Hội đồng trường là cơ quan cao nhất của cơ sở giáo dục đại học. Quy định phương thức công khai kết quả kiểm định và giám sát khách quan, chất lượng cơ sở giáo dục đại học.
Chính phủ nên ban hành Nghị định riêng để vận hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Trong đó, nhất quán với quan điểm tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, quy định mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ cấu quản trị, điều hành, khung tổ chức và hoạt động, Bộ công cụ giám sát hoạt động bên trong cũng như thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Quy định rõ cơ chế chức năng giám sát của Hội đồng trường.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 1/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024... Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Theo đó, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: (1) Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; (2) Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; (3) Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; (4) Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. (5) Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tại phiên họp, thành viên Chính phủ sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.