Không gian bên trong tàu lặn chở tỷ phú Anh mất tích khi thám hiểm xác tàu Titanic

Lực lượng tuần duyên Mỹ và Canada đang chạy đua với thời gian để tìm tàu ngầm du lịch mất tích vào ngày 19/6 trong quá trình tham quan xác tàu đắm Titanic.

Tàu lặn được đưa đến địa điểm ấn định để thả xuống nước.

Tờ New York Post gọi con tàu mất tích là tàu ngầm du lịch, trong khi một số phương tiện truyền thông khác gọi là tàu lặn.

Con tàu được thiết kế để chở theo 5 người, khả năng lặn sâu tối đa 4.000 mét, do công ty OceanGate Expeditions sở hữu và chịu trách nhiệm vận hành.

Con tàu tự vận hành sau khi lặn xuống nước.

"Rất đáng lo ngại. Nó có thể bị vướng vào xác tàu Titanic. Chúng ta chưa thể biết rõ. Các mảnh vỡ tàu Titanic rải rác khắp nơi dưới đó", cựu sĩ quan hải quân Anh Chris Parry nói trên Sky News.

Trong tuyên bố chính thức, công ty OceanGate Expeditions thông báo "đang tập trung cho nhiệm vụ tìm kiếm". Công ty cũng gửi lời cảm ơn vì sự hỗ trợ từ nhà chức trách Mỹ và Canada, cũng như các công ty khác hoạt động trong cùng lĩnh vực.

Không gian bên trong tàu lặn trong một chuyến thám hiểm khác.

Kể từ năm 2019, OceanGate Expeditions cung cấp dịch vụ khám phá xác tàu đắm Titanic với mức giá 250.000 USD/người. Thông thường, tàu lặn của công ty chỉ có thể chở theo tối đa 1 hành khách/lần thám hiểm, 4 người còn lại là người lái và các thành viên thủy thủ đoàn.

Vị khách chi số tiền lớn trong chuyến thám hiểm lần này là Hamish Harding, tỷ phú người Anh, CEO một công ty hàng không có trụ sở ở Dubai.

Tàu được chế tạo bằng sợi carbon nên giúp giảm đáng kể trọng lượng.

"Tôi rất vui vì cuối cùng có thể tham gia chuyến thám hiểm. Đây có thể là cơ hội duy nhất trong năm nay do yếu tố thời tiết. Chúng tôi sẽ lặn xuống vào ngày mai", ông Harding nói một ngày trước khi mất tích.

Năm 2019, tàu ngầm mang tên Titan của công ty OceanGate Expeditions lập kỷ lục là tàu dân sự đầu tiên chở người lặn xuống thành công ở độ sâu 3.760 mét dưới đáy biển.

Tàu thường mất khoảng 2 giờ để lặn xuống độ sâu 3.800 mét, nơi có xác tàu Titanic và du khách có 1 giờ khám phá trước khi tàu nổi lên.

Tàu được thiết kế để lặn xuống độ sâu tối đa 4.000 mét.

Các bức ảnh do báo Mỹ đăng tải về chuyến thám hiểm trước đây, hé lộ không gian bên trong tàu Titan. "Không gian bên trong tàu Titan không lớn, nhưng vẫn rộng rãi hơn so với các tàu lặn truyền thống", đại diện công ty cho biết. "Các thành viên thủy thủ đoàn có nhiều không gian để làm việc cùng nhau dưới đáy biển".

Các bức ảnh cho thấy tàu lặn được trang bị nhiều màn hình cung cấp hình ảnh thực tế và tình trạng lặn sâu để phục vụ người lái.

Bức ảnh chụp không gian bên trong tàu lặn trong chuyến thám hiểm năm 2021.

Những người khác có thể ngồi duỗi chân trong tàu lặn và quan sát khung cảnh bên ngoài qua lớp kính đặc biệt chịu được độ sâu đáng kể.

Đầu tháng này, OceanGate Expeditions thông báo sử dụng dịch vụ Starlink của tỷ phú Elon Musk để cung cấp internet và thông tin liên lạc cho tàu lặn.

Theo đại diện công ty, cải tiến quan trọng nhất trong quá trình chế tạo tàu lặn là hệ thống giám sát tình trạng thân tàu theo thời gian thực.

"Hệ thống này sẽ sớm đưa ra cảnh báo để người lái đưa tàu nổi lên mặt nước trong trường hợp có sự cố xảy ra", công ty cho biết.

Stockton Rush, người sáng lập OceanGate Expeditions, nói tàu lặn được chế tạo theo cách độc đáo chưa từng có trước đây. "Khác biệt lớn nhất là sự kết hợp giữa sợi titan và sợi carbon", ông Rush nói. "Sợi carbon được dùng trong sản xuất xe hơi, máy bay, du thuyền, nhưng chưa bao giờ được dùng trong tàu lặn. Điều này giúp giảm đáng kể trọng lượng, giúp tiết kiệm chi phí".

Ngày 15/4/1912, tàu Titanic chìm khi đâm phải một tảng băng trôi. Ở thời điểm đó, Titanic là tàu lớn nhất thế giới dùng đầu máy chạy bằng hơi nước, chở theo hơn 1.400 hành khách. Tàu gặp nạn trong hành trình từ Anh tới New York, Mỹ.

Đăng Nguyễn - New York Post

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khong-gian-ben-trong-tau-lan-cho-ty-phu-anh-mat-tich-khi-tham-hiem-xac-tau-titanic-a613377.html