Không gian của yêu thương

Căn bếp hạnh phúc nhất không phải là nơi lúc nào cũng thơm tho, sạch sẽ, gọn gàng…, đó phải là nơi sực mùi thức ăn, bóng nhẫy dầu rán, bát đĩa leng keng. Mẹ tôi, chị tôi từ đó tất bật lên gian trên xuống gian dưới, nấu đủ các món đặc sản bằng tình yêu bếp, yêu gia đình trọn vẹn.

Từ thuở bình minh của nền văn minh nhân loại, lửa và nước là hai nguyên tố tạo ra sự sống. Lửa cũng chính là yếu tố đưa loài người tiến hóa thành lãnh chúa trên trái đất này. Vì vậy, trong mọi nền văn minh, lửa luôn hiện thân là một vị thần.

Trong thần thoại Hy Lạp, người được thần Zeus phân công trông coi ngọn lửa Olympus là nữ thần Hestia. Cái bếp của Hestia ra đời thì chế độ quần hôn chấm dứt và nhân loại bắt đầu bước vào giai đoạn văn minh một vợ một chồng. Trong Kinh Vệ đà Ấn Độ, thần lửa Agni được coi là trung gian, nơi giao tiếp giữa con người và thần linh. Ngày cưới, cô dâu chú rể phải đi 7 vòng xung quanh bếp lò để Thần chứng giám và ban phước cho đôi vợ chồng trẻ hòa thuận, ấm áp, nóng bỏng bên nhau suốt đời.

Còn trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, thần lửa chính là bà hỏa. Căn bếp của một số dân tộc như Tày, Thái, Nùng… trên núi cao thậm chí cần đỏ hồng cả đêm lẫn ngày, ngay cả khi không đun nấu. Với họ, lửa không chỉ để xua đuổi ma quỷ, thú dữ mà là hiện thân của niềm tin ánh lửa nồng đượm nhà mình có cả hình bóng tổ tiên. Nếu để tắt lửa ở bếp, là không được tổ tiên chăm sóc, dạy bảo, phù hộ, độ trì… Nói như vậy để thấy khởi nguyên cái bếp đã là biểu tượng của văn minh và hạnh phúc gia đình.

Trong cuộc sống đời thường, mẹ tôi lúc nào cũng căn dặn căn bếp như trái tim của gia đình, trái tim ấy cần phải đập để cơ thể duy trì sự sống. Và duy trì ngọn lửa yêu thương ấy, không ai khác chính là người phụ nữ.

Hạnh phúc không biết phân biệt thời đại, địa vị hay thu nhập. Chỉ cần trong căn nhà nhỏ mỗi chiều, những làn khói tỏa ra quyện vào nhau xào xào, nấu nấu. Những nguyên liệu tươi ngon, gia vị thơm nức, rời rạc được kết nối dưới bàn tay khéo léo mà biến thành một món ngon. Những bữa cơm đầy đủ thành viên chuyện trò. Chồng xì xụp húp cạn tô canh rồi thêm tô nữa, khen vợ nay nấu canh ngon hơn hôm trước. Thấy con đi học về, lao vào bếp hỏi mẹ ơi nay có gì ăn không, con cứ việc rửa tay rồi ngồi vào bàn, mọi thứ đã sẵn sàng. Ấm áp từ đó mà lan tỏa, hạnh phúc từ đó mà đầy tràn.

Điều này âu cũng phù hợp với truyền thống văn hóa, với lời dạy các cụ ngày xưa: "Đàn ông cái nhà đàn bà cái bếp". Không phải ngẫu nhiên mà tạo hóa lại khôn ngoan trao cho phụ nữ thiên chức nấu ăn và giữ gìn ngọn lửa hạnh phúc gia đình đâu con ạ!

Sự trân trọng của mẹ tôi đối với gian bếp thể hiện đậm nét hơn cả mỗi khi tết đến xuân về. Một nửa hồn Tết của mẹ luôn nằm trong góc bếp. Hàng năm, 23 tháng Chạp bận làm ăn đến mấy thì đến chiều 22 là ai cũng phải về nhà xúm lại làm mâm cơm tiễn ông công, ông táo về trời.

Mọi hạnh phúc gia đình đều kết tinh từ gian bếp, đặc biệt thể hiện đậm nét hơn trong mỗi dịp tết đến xuân về.

Hôm ấy, nhà tôi đã vui như chiều 30. Bố tôi và anh cả lãnh phần dọn dẹp, lau chùi bàn thờ gia tiên. Công việc này có rất nhiều nghi thức như phải thắp trước 1 tuần hương để xin các cụ được dọn dẹp, rửa tay với rượu trước khi đụng vào đồ thờ, ăn mặc chỉnh chu, dùng thứ nước thơm nấu từ ngũ hương nhà Phật dọn dẹp, xua đi những điều không may mắn năm cũ.

Dưới bếp, nghi lễ nấu cơm cúng tổ tiên và tiễn ông táo chầu trời cũng không kém phần long trọng. Mẹ xóc âu gạo nếp cái hoa vàng đã ngâm từ tối hôm trước cho róc nước. Rồi bà bổ đôi quả gấc nếp, bóc những cùi hạt mềm mại đỏ rực, đánh lẫn với chút muối cùng rượu trắng cho nhừ nhuyễn. Sau cùng đem trộn vào chỗ gạo nếp và thêm chút dầu ăn, đổ vào chõ nước sôi sùng sục trên bếp.

Trong lúc chờ xôi chín, mẹ tranh thủ làm sạch và luộc chín con gà ri ta và thái thêm củ su hào cà rốt, ngâm thêm vài lạng miến dong và mấy tai nấm hương, mộc nhĩ nấu bát canh măng miến. Tuy không cần đầy đủ các món giò nem ninh mọc, bò, gà, thịt đông, dưa hành... như bữa tất niên, nhưng cỗ cúng ông táo phải có đĩa xôi, đĩa thịt, con gà, trà rượu… Trước cúng sau ăn, thành tâm thanh tịnh hoan hỉ.

Cúng kiếng xong, bố tôi chuyển sang đánh cờ cùng mấy ông hàng xóm, còn mẹ vẫn hì hụi trong bếp, vừa trông chừng nồi thịt kho tàu, vừa làm nem, làm nộm, sau lưng củ cải với dưa đang chờ tới phiên mình trở thành món… dưa chua.

Sau này anh tôi lấy vợ sớm, chị dâu giành lấy, nói để chị làm. Nên từ ngày 22, chị cũng cắm đầu làm mứt, làm nem, gói bánh, làm dưa… như mẹ. Không biết ai ăn cho hết mà ôm đồm. Cái dáng chị khum khum, tay đấm lia lịa vào lưng, than mỏi quá. Giống hệt cả nhà, miệng kêu cực mà hớn hở, như thể ngày cuối năm này không có việc gì làm mới là niềm đau khổ lớn. Mẹ tôi hay bảo, nhà mình có phước nên anh mày mới lấy được cô vợ đảm đang, biết “giữ lửa” gia đình.

Người giữ lửa gia đình, chức danh nghe khiêm tốn nhưng lại không dễ dàng. Cuộc sống giờ hiện đại, thức ăn nấu sẵn bày bán khắp nơi. Cái gì cũng có thể dùng tiền mua sắm ngay được. Nhiều người phụ nữ không được chia sẻ, cảm thông, chung tay đồng hành từ người đầu ấp tay gối nên bếp trở thành gánh nặng. Bếp không còn là cái nôi của những tiếng cười, là nơi xuất phát của một ngày hối hả, là chốn sum họp của buổi tối bình yên.

Cơm có lành thì canh mới ngọt. Mọi hạnh phúc gia đình đều kết tinh từ gian bếp mà ra. Những căn bếp hạnh phúc nhất không phải là nơi lúc nào cũng thơm tho, sạch sẽ, gọn gàng, đầy đủ máy móc tiện nghi. Đó phải là nơi sực mùi thức ăn, bóng nhẫy dầu rán, bát đũa leng keng. Phụ nữ từ đó tất bật lên gian trên xuống gian dưới, nấu đủ các món đặc sản bằng tình yêu bếp, yêu gia đình trọn vẹn.

Thùy Linh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/khong-gian-cua-yeu-thuong-post290295.html