Không gián đoạn cấp đổi bằng lái xe
Cục Đường bộ VN và Cục CSGT đang tích cực phối hợp chuẩn bị bàn giao nhiệm vụ sát hạch, cấp GPLX.
Để việc bàn giao được nhanh gọn, không ảnh hưởng đến cấp, đổi GPLX của người dân, Cục Đường bộ VN cũng đã chỉ đạo các sở GTVT phối hợp với công an địa phương chuẩn bị đầy đủ các nội dung liên quan bàn giao ngay khi có yêu cầu.
Tập huấn nghiệp vụ cho CSGT
Sáng 24/2, tại Trung tâm dạy nghề, đào tạo và sát hạch lái xe thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân, Công an TP Hà Nội tổ chức khai mạc lớp tập huấn nghiệp vụ sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng CSGT.

Người dân lấy số thứ tự điền vào mẫu đơn được phát (chụp tại điểm đổi bằng lái xe của Sở GTVT Hà Nội, số 2 Phùng Hưng, Hà Đông). Ảnh: Tạ Hải.
Lớp tập huấn diễn ra trong 5 ngày (từ 24/2 - 28/2), tập trung trang bị kiến thức pháp luật, quy trình nghiệp vụ và kỹ năng thực tế về công tác sát hạch lái xe. Nội dung tập huấn gồm các chuyên đề về tiêu chuẩn sát hạch viên, quy trình tổ chức sát hạch, hướng dẫn thực hành trên sa hình và đường giao thông công cộng.
Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết, ngoài phần lý thuyết, học viên sẽ được hướng dẫn thực hành kỹ năng sát hạch trên thiết bị mô phỏng, sân sát hạch và đường giao thông công cộng. Khi hoàn thành chương trình, các học viên trải qua kiểm tra, đánh giá và được cấp thẻ sát hạch viên nếu đạt yêu cầu.
Ông Đào Duy Phong, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin, hiện Sở vẫn tiếp tục duy trì thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo quy định, đảm bảo công tác cấp đổi giấy phép lái xe không bị gián đoạn, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.
"Sở vẫn đang tiến hành cấp đổi cho đến khi có quyết định chuyển giao, mỗi ngày cấp đổi khoảng 400 - 500 hồ sơ", ông Phong nói và cho biết, đã chuẩn bị sẵn sàng các nội dung liên quan đến việc bàn giao nhiệm vụ sang Công an thành phố cho đến khi có văn bản chính thức.
Hiện Sở GTVT Hà Nội đang quản lý 16 trung tâm sát hạch lái xe tập trung đã được cấp phép hoạt động; đang quản lý 76 sát hạch viên đã được Cục Đường bộ tổ chức tập huấn và cấp thẻ sát hạch.
Tại Hải Phòng, lãnh đạo Phòng CSGT Công an thành phố cho biết, từ ngày 25/2, Sở GTVT sẽ cử cán bộ sang Phòng CSGT để trực tiếp tập huấn, hướng dẫn về lý thuyết, nghiệp vụ, thực hành. Trong thời gian chờ bàn giao, Sở GTVT vẫn đảm bảo quá trình cấp đổi giấy phép lái xe diễn ra thuận lợi, không bị gián đoạn.
Tương tự, ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, đơn vị này và Công an tỉnh đã xây dựng đầy đủ các phương án, kế hoạch bàn giao, tiếp nhận.
Đến nay, mọi việc đã sẵn sàng. Hiện các kỳ thi sát hạch lái xe vẫn do các trung tâm triển khai bình thường. Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị đã bố trí lực lượng tham gia các khóa đào tạo do Cục CSGT tổ chức.
Rốt ráo giải quyết hồ sơ tồn đọng
Đại tá Lê Văn Chiến, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước mắt đơn vị bố trí 50 cán bộ tham gia lớp tập huấn trong 5 ngày.

Người dân xếp hàng đổi GPLX tại điểm đổi bằng lái xe của Sở GTVT Hà Nội ở số 2 Phùng Hưng, Hà Đông. Ảnh: Tạ Hải.
Trong khi đó, ông Phan Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề GTVT Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi mới nhận được đề nghị từ phía công an địa phương mở lớp tập huấn. Chúng tôi sẽ bố trí giáo viên, cán bộ tham gia hỗ trợ".
Thanh Hóa đang có 9 trung tâm sát hạch và 16 cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ô tô, mô tô. Trong năm 2024, các đơn vị đã tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp mới hơn 53.000 giấy phép lái xe và tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục cấp đổi, cấp lại trên 64.000 giấy phép lái xe mô tô, ô tô các hạng.
Tại Nghệ An, toàn tỉnh có 5 cơ sở được cấp phép sát hạch giấy phép lái xe ô tô, với số lượng sát hạch khoảng 5.000 học viên mỗi tháng. Tính đến nay, số học viên còn phải chờ sát hạch lên đến 3.000 người.
Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng quản lý phương tiện người lái, Sở GTVT Nghệ An cho biết, đang phối hợp tích cực với Phòng CSGT Công an tỉnh đẩy nhanh thời gian bàn giao.
Tại tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh này vừa có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho đến thời điểm chuyển giao sang Công an tỉnh. "Tỉnh đã yêu cầu Sở Xây dựng có phương án bố trí nhân lực, không được để ảnh hưởng đến người dân", Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hà cho biết.
Tại TP.HCM, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, đơn vị đang kiểm kê hồ sơ và lên kế hoạch tập huấn cho sát hạch viên cũng như tập huấn việc sử dụng máy móc, quy trình vận hành.
Về công tác cấp đổi bằng lái và sát hạch lái xe, hoạt động này vẫn diễn ra bình thường cho đến khi cấp thẩm quyền có quyết định. Dự kiến đến hết ngày 26/2, Sở GTVT sẽ cấp đổi toàn bộ số bằng lái tồn đối với ô tô, sau đó sẽ hoàn tất phần còn lại.
Ghi nhận tại trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ (quận Tân Phú), những ngày qua, người dân có mặt để làm thủ tục cấp đổi GPLX vẫn rất đông, chưa hạ nhiệt. Mỗi ngày trung tâm này tiếp nhận và xử lý hàng trăm hồ sơ, cán bộ nhân viên phải tăng ca, làm thêm giờ.
Bà Trần Thị Bích Thảo, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đây là điểm duy nhất có khu vực khám sức khỏe trong 3 điểm tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi GPLX ở TP.HCM nên số lượng người đến nộp hồ sơ luôn đông đúc. Vào ngày thường, đơn vị tiếp nhận khoảng 400 hồ sơ/ngày, gần đây con số lên đến 600, thậm chí 700 hồ sơ/ngày.
Sẵn sàng công tác bàn giao
Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý Vận tải Phương tiện và Người lái, Cục Đường bộ VN thông tin, đơn vị này và Cục CSGT đang tích cực phối hợp chuẩn bị cho công tác bàn giao.
Cục Đường bộ VN đang thống kê tất cả danh mục bàn giao gồm: Các văn bản quy phạm pháp luật; hệ thống các phần mềm phục vụ công tác quản lý về sát hạch, cấp GPLX tại Cục Đường bộ VN, các sở GTVT và các trung tâm sát hạch lái xe; phần mềm dịch vụ công trực tuyến đổi GPLX do ngành GTVT cấp và cấp GPLX quốc tế; mẫu phôi GPLX.
Dữ liệu GPLX toàn quốc và của từng địa phương, bao gồm cả dữ liệu GPLX bằng giấy bìa đã được cập nhật trên hệ thống. Danh sách cán bộ công chức, viên chức tại Cục Đường bộ VN và các sở GTVT tham gia sát hạch, cấp GPLX; thông tin đội ngũ sát hạch viên, tài liệu liên quan đến tập huấn, cấp thẻ sát hạch viên cũng đã được cung cấp cho ngành Công an.
Để công tác bàn giao được nhanh, gọn, không làm ảnh hưởng đến việc cấp, đổi GPLX của người dân, Cục Đường bộ cũng đã chỉ đạo các sở GTVT phối hợp với công an địa phương chuẩn bị đầy đủ các nội dung liên quan như hồ sơ, tài liệu, cơ sở dữ liệu, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật để có thể bàn giao ngay khi có yêu cầu.
Thời gian đầu bàn giao, các sở GTVT sẽ tổ chức tập huấn sát hạch viên cho công an địa phương; cử cán bộ hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp quy trình hỗ trợ đơn vị, cán bộ CSGT công an địa phương thực hiện thành thạo nhiệm vụ chuyên môn, thao tác.
Khi nào CSGT sát hạch, cấp giấy phép lái xe?
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền thuộc Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, đơn vị đã chủ động, khẩn trương các bước tiếp nhận nhiệm vụ quản lý Nhà nước về sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Nguyên tắc cơ bản nhất là không ngắt quãng, không làm gián đoạn, không ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp, bảo đảm mọi hoạt động của các cơ quan, tổ chức diễn ra liên tục.
Sau khi tiếp nhận, lực lượng công an sẽ sử dụng đội ngũ cán bộ hiện có của công an các đơn vị, địa phương và có sự sắp xếp, bố trí hợp lý về vị trí, việc làm, số lượng cán bộ ở mỗi cấp.
Hiện, công an các đơn vị, địa phương đang khẩn trương tổ chức tập huấn cấp thẻ sát hạch viên đảm bảo đủ số lượng, đáp ứng trình độ. Trước mắt, việc chuyển nhiệm vụ này còn phụ thuộc vào quyết định của cấp có thẩm quyền. Do đó, tính đến ngày 23/2, quá trình tiếp nhận hồ sơ cấp đổi bằng lái xe tại địa phương vẫn diễn ra bình thường do các đơn vị thuộc ngành GTVT phụ trách.
Ngoài ra, ngành Công an đang gấp rút hoàn thiện thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đồng thời, tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ, tập huấn cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ sát hạch viên và nâng cấp, bổ sung hoàn thiện các hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống phần mềm…
Về phân công, phân cấp nhiệm vụ và bố trí nguồn nhân lực ở công an các cấp, Bộ Công an giao Cục CSGT tiếp nhận và thực hiện các nhiệm vụ tương ứng Cục Đường bộ VN; cấp tỉnh giao Phòng CSGT tiếp nhận và thực hiện các nhiệm vụ tương ứng sở GTVT; cấp xã thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ đổi, cấp lại GPLX để phục vụ nhân dân ngay tại cơ sở.
Đáng chú ý, sau khi tiếp nhận nhiệm vụ, các đơn vị thuộc Bộ Công an sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và tổ chức thực hiện. Cụ thể, hệ thống phần mềm, trang thiết bị sẽ được nâng cấp theo hướng hiện đại, áp dụng thống nhất trên cả nước.
Người dân có thể nộp hồ sơ ngay tại xã, phường
Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, sau khi Bộ Công an tiếp nhận, người dân có nhu cầu cấp, đổi bằng lái xe có thể thực hiện thủ tục bằng hình thức qua dịch vụ công trực tuyến hay nộp hồ sơ trực tiếp.
Nếu làm thủ tục trực tuyến, công dân truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc của Bộ Công an. Tiếp đó, kê khai theo hướng dẫn và phải hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí đổi bằng lái xe qua chức năng thanh toán của hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Kết quả sau đó được chuyển trả đến tận tay người dân sau 5 ngày làm việc (nếu đăng ký dịch vụ bưu chính), đồng thời dữ liệu điện tử về bằng lái của người dân sẽ được tự động cập nhật trên môi trường điện tử.
Khi điều khiển phương tiện, tài xế được sử dụng ứng dụng VNeID để xuất trình bằng lái nếu lực lượng chức năng kiểm soát. Bên cạnh đó, CSGT cũng sử dụng môi trường điện tử để kiểm tra, xác thực giấy tờ qua ứng dụng chuyên biệt.
Đối với việc nộp hồ sơ đổi, cấp lại bằng lái xe trực tiếp, người dân cần chuẩn bị bộ hồ sơ theo quy định, gửi trực tiếp đến Phòng CSGT công an cấp tỉnh hoặc nộp ngay tại công an xã, phường, thị trấn nơi được bố trí điểm tiếp nhận.
Điều này giúp hạn chế tình trạng quá tải khi tiếp nhận hồ sơ và thời gian thực hiện để trả kết quả sẽ nhanh chóng hơn. Khi đó, người dân được hướng dẫn thực hiện các thủ tục cần thiết khác như chụp ảnh, hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí đổi bằng lái xe khi được tiếp nhận.
Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/khong-gian-doan-cap-doi-bang-lai-xe-192250224230215742.htm