Không gian đọc sách thân thiện

Sau 4 năm triển khai xây dựng, mô hình thư viện xanh tại các trường học trên địa bàn huyện Bắc Yên đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần khơi dậy niềm đam mê đọc sách, phát triển văn hóa đọc trong môi trường học đường, giúp học sinh nâng cao kiến thức toàn diện trên các lĩnh vực.

Thư viện xanh tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Hồng Ngài (Bắc Yên).

Thư viện xanh tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Hồng Ngài (Bắc Yên).

Khác với thư viện truyền thống, thư viện xanh được đặt trong khuôn viên sân trường với diện tích từ 20-30 m². Mô hình thư viện này hấp dẫn học sinh, bởi các em được đọc sách trong không gian thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên, mang lại sự thoải mái sau những giờ học căng thẳng. Hằng năm, mỗi thư viện xanh được Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Bắc Yên cấp mới 100-150 đầu sách, báo, tạp chí. Ngoài ra, các thầy, cô giáo, học sinh trong trường còn sưu tầm, đóng góp hàng trăm đầu sách vào tủ sách của thư viện. Trong các thư viện xanh, sách, báo, tạp chí được sắp xếp khoa học, thuận tiện cho học sinh lựa chọn theo nhu cầu, như: Sách văn học, toán học, ngoại ngữ, truyện cổ tích, sách lịch sử, các loại báo, tạp chí...

Đến Trường Tiểu học Chiềng Sại vào đúng giờ ra chơi, các em học sinh tập trung khá đông tại Thư viện xanh. Với diện tích khoảng 20 m², được lợp mái thoáng mát, có 5 tủ sách, với khoảng 900 đầu sách, gồm: Truyện tranh, truyện ngụ ngôn và các loại báo, tạp chí. Tất cả được sắp xếp ngăn nắp, theo từng chủ đề, thuận lợi cho học sinh lựa chọn theo nhu cầu. Thầy giáo Nguyễn Đình Hàn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Đi vào hoạt động từ năm học 2017-2018, thư viện xanh của trường thu hút học sinh đến đọc sách, báo nhiều hơn so với thư viện truyền thống trước đây. Tuy nhiên, số lượng đầu sách của thư viện chưa đáp ứng nhu cầu đọc của học sinh. Vì vậy, nhà trường đã phát động giáo viên và học sinh sưu tầm sách theo phương châm “cũ mình - mới bạn”, qua đó giúp học sinh có thêm nhiều loại sách để đọc.

Còn tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Hồng Ngài, phần lớn học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông, nên vốn tiếng Việt của các em còn khá hạn chế. Bởi vậy, nhà trường khuyến khích các em có vốn tiếng Việt khá hướng dẫn các bạn còn hạn chế tiếng Việt cùng đọc sách, báo. Hiện, thư viện xanh có trên 800 đầu sách, tạp chí, giúp các em nâng cao kiến thức và trau dồi tiếng Việt hiệu quả hơn.

Ông Bùi Ngọc Thắng, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Yên, cho biết: Việc xây dựng mô hình thư viện xanh là một trong những tiêu chí để đánh giá trường học “Xanh - sạch - đẹp và an toàn”, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. Để duy trì hoạt động của mô hình thư viện xanh, hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác thư viện cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp phụ trách thư viện, nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của thư viện, tạo hứng thú và thu hút ngày càng đông học sinh tham gia đọc sách. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện mới có 27 trường, đạt 61% số trường học xây dựng được mô hình thư viện xanh, với mức đầu tư 40-50 triệu đồng. Các trường học còn lại do khó khăn về kinh phí nên chưa xây dựng được mô hình thư viện xanh, vì vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục chỉ đạo các trường học tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh, các doanh nghiệp và nhân dân trong huyện đóng góp xây dựng mô hình thư viện xanh bằng hình thức xã hội hóa, góp phần tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh và nâng cao chất lượng dạy và học.

Có thể thấy, mô hình thư viện xanh đang ngày càng gần gũi, thu hút các em học sinh vùng cao Bắc Yên, giúp các em được tiếp cận với các loại sách, báo để tìm hiểu thông tin, mở rộng kiến thức. Qua đó, phát triển khả năng đọc, viết, hiểu tiếng Việt, giúp các em học tập tốt, thực hiện được ước mơ của mình.

Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/khong-gian-doc-sach-than-thien-35525