'Không gian mạng trở thành 'vùng lãnh thổ đặc biệt' gắn chặt với chủ quyền'
Không gian mạng trở thành 'không gian chiến lược mới', 'vùng lãnh thổ đặc biệt' gắn chặt chẽ với các chủ quyền về đất liền, biển đảo, trên không, vũ trụ.
Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương - tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế về An toàn, An ninh mạng (Vietnam Security Summit 2020) với chủ đề "An toàn bảo mật thông tin trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn". Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 10/11 tại Hà Nội.
Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, không gian mạng là ưu tiên hàng đầu của các nước trên tất cả các cấp độ, từ chính phủ, doanh nghiệp cho đến người dân để xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Quá trình chuyển đổi số dẫn đến số lượng thiết bị IoT và dung lượng dữ liệu sinh ra, được xử lý tăng theo cấp số nhân. Dữ liệu này đã trở thành tài nguyên quan trọng của quốc gia cũng như của mỗi tổ chức và cá nhân nhưng cùng với đó, các nguy cơ về đánh cắp, hủy hoại và giả mạo thông tin, dữ liệu ngày càng tăng cao.
“Thực tiễn cho thấy, chúng ta đang phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng ngày càng nguy hiểm, tinh vi hơn. Để an toàn hơn trên không gian mạng, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người sử dụng phải luôn sẵn sàng để ứng phó các nguy cơ, mối đe dọa” – ông Hiển nêu vấn đề.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương chỉ ra, theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 10 tháng đầu năm 2020, số lượng cuộc tấn công mạng gây ra sự cố đã ghi nhận là 4.161 cuộc, trung bình 1 ngày chúng ta đã cảnh báo và xử lý cho khoảng 14 cuộc tấn công mạng.
Toàn cảnh hội thảo.
Dự báo cho năm 2021, một số nghiên cứu quốc tế chỉ ra các chi phí liên quan đến vấn đề vi phạm bảo mật, tội phạm mạng, an ninh mạng sẽ tiêu tốn của các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới 24,7 USD/phút, tăng 2 USD so với năm 2020. Điều này có nghĩa là sẽ mất ít nhất 11,4 triệu USD/phút cho các vấn đề liên quan đến vi phạm an ninh mạng trong năm 2021, tăng 100% so với năm 2015.
Dự báo tính trung bình, cứ mỗi phút sẽ có 1,5 cuộc tấn công vào máy tính có kết nối Internet, 375 mối đe dọa mới được phát hiện, 16.172 bản ghi dữ liệu bị xâm phạm, 35 email spam COVID-19 được phân tích.
Cải thiện đáng kể về đầu tư cho bảo mật
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Khắc Lịch - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) - đã điểm lại một số kết quả nổi bật trong công tác đảm bảo an toàn thông tin của Việt Nam. Cụ thể, theo thống kê của Cục An toàn thông tin, tính đến tháng 9/2019, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về nhiễm mã độc, đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á về tấn công email và thứ ba thế giới về tấn công botnet.
Ông Nguyễn Khắc Lịch - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông)
“Đặc biệt, các cuộc tấn công không chỉ gia tăng nhanh về số lượng, thời lượng và tần suất, mà còn được tăng cường bởi sức mạnh của các công nghệ mới, dẫn tới các vụ rò rỉ, đánh cắp, phá hủy dữ liệu quy mô lớn nhắm vào các hạ tầng trọng yếu của quốc gia, doanh nghiệp. Vì vậy, trong những năm vừa qua, mức độ đầu tư của các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam dành cho các giải pháp bảo mật đã có sự cải thiện đáng kể” – ông Lịch nói.
Điểm lại những kết quả về an toàn, an ninh mạng đã đạt được trong thời gian qua, đại diện Cục An toàn thông tin cho rằng, một hoạt động nổi bật là sự ra đời của Liên minh phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam với 21 doanh nghiệp. Đến thời điểm này, hệ sinh thái đã hình thành tương đối đầy đủ với sự hiện diện của hầu hết các dòng sản phẩm an toàn thông tin. Gần 100% tỉnh, thành và Bộ, ngành đã triển khai Trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng (SOC),…