Không gian mới, sứ mệnh mới của Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam
Không gian mới của ngành TT&TT cũng chính là không gian mới của Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam. Sứ mệnh mới của Hội là làm chủ công nghệ, nghiên cứu khoa học.
Chiều 16/12, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (1988-2023).
Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam được thành lập ngày 17/12/1988. Đây là Hội đầu tiên trong lĩnh vực Bưu điện - Điện tử - Viễn thông - Phát thanh Truyền hình trước đây và nay là Thông tin và Truyền thông.
Trải qua 35 năm hoạt động, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam đã thu hút đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, từng bước lớn mạnh và trở thành một tổ chức hội nghề nghiệp uy tín trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, CNTT, phát thanh truyền hình.
Gửi lời chúc mừng tới các thế hệ lãnh đạo, hội viên Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam sinh ra trong Đổi mới, gắn liền với Đổi mới và góp phần vào Đổi mới của đất nước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các cuộc cách mạng máy tính, cách mạng Internet, cách mạng di động và cách mạng điện toán đám mây và cả cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày nay đều xoay quanh các lĩnh vực vô tuyến, điện tử và máy tính.
Đây cũng chính là các lĩnh vực hoạt động của Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam. Điều này cho thấy tầm nhìn xa của Hội khi nhận ra tầm quan trọng của các lĩnh vực vô tuyến, điện tử và máy tính đối với sự phát triển của đất nước, của nhân loại.
Nhắc lại công lao của Chủ tịch đầu tiên, người sáng lập Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam - Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới Đặng Văn Thân, người khởi xướng cuộc đổi mới ngành Bưu điện lần thứ nhất, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, 10 năm tới và dài hơn nữa sẽ là những chuyển dịch quan trọng trong công cuộc đổi mới lần thứ hai của ngành.
Đó là chuyển đổi từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, từ CNTT sang công nghệ số, từ ứng dụng CNTT sang chuyển đổi số, từ tự động hóa sang thông minh hóa, sang AI, từ xử lý những thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra các giá trị mới, từ phần mềm riêng lẻ sang phần mềm số, từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm Make in Viet Nam, từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính.
Trong bối cảnh đó, 3 chữ vô tuyến, điện tử và máy tính sẽ vẫn tiếp tục gắn với Hội Vô tuyến Điện từ Việt Nam. Điện tử gắn với số hóa, vô tuyến gắn với truyền đưa, và máy tính gắn với lưu trữ và xử lý thông tin.
Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam liên quan đến toàn bộ ngành viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số - là nền tảng, là cốt lõi của chuyển đổi số, của phát triển kinh tế số, quyết định việc Việt Nam có trở thành nước phát triển hùng cường thịnh vượng hay không.
“Về vô tuyến, Việt Nam phải làm chủ thiết bị từ 5G trở đi, làm chủ vệ tinh, viễn thông, viễn thám tầm thấp. Về điện tử là phát triển ngành công nghiệp điện tử dựa trên AI. Thiết bị loT và chip bán dẫn sẽ là những cấu thành mới nhưng trọng yếu của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam. Việt Nam phải sản xuất được các server có năng lực tính toán mạnh, nhất là các server AI, để cung cấp tính toán như một dịch vụ, cung cấp trí tuệ nhân tạo như một dịch vụ và là dịch vụ phổ cập”, Bộ trưởng nêu định hướng.
Chia sẻ tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, không gian mới của ngành Thông tin và truyền thông cũng chính là không gian mới của Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam.
Sứ mệnh mới của Hội là làm chủ công nghệ. Làm chủ công nghệ thì đầu tiên và lâu dài là nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học luôn là khác biệt căn bản của Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam so với các Hội khác của ngành TT&TT.
Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang chuyển đổi từ gia công, lắp ráp, ứng dụng sang nghiên cứu phát triển, sang Make in Viet Nam. Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam có thể đóng góp vào quá trình này qua việc trở thành cầu nối gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và thực tiễn, gắn kết các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, cùng nhau phát triển, sản xuất các sản phẩm.
Bộ TT&TT mong muốn Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam đón nhận không gian mới, sứ mệnh mới và đổi mới cách làm để đồng hành cùng với ngành, với đất nước.
Có cùng chung quan điểm, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam - Phan Xuân Dũng cho hay, Việt Nam đang đứng trước nhiều thuận lợi mà khoa học công nghệ mang lại, nhưng cũng có nhiều thách thức. Nếu không chủ động tiếp cận những thành tựu mới thì khả năng Việt Nam tiến kịp, đi cùng các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới rất khó khăn.
“Đảng và Chính phủ đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn, coi đó là đầu tư cho tương lai. Hơn ai hết, đội ngũ trí thức tại Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam phải là lực lượng tiên phong cho sự nghiệp này”, ông Phan Xuân Dũng nói.
Thay mặt toàn thể hội viên, ông Trần Đức Lai - Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam ghi nhận các chỉ đạo, định hướng mà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch Liên hiệp hội Phan Xuân Dũng đã nêu.
Theo ông Trần Đức Lai, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam sẽ tập trung vào những vấn đề cốt lõi nhất, để làm sao trong giai đoạn sắp tới, Việt Nam phải thực hiện được chiến lược chuyển đổi số, chiến lược phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam, từ AI, IoT cho đến công nghiệp bán dẫn,... Đây là nền tảng để xây dựng Việt Nam tự lực, tự cường.
Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam sẽ truyền tải thông điệp về sứ mệnh mới, không gian mới tới tất cả các nhà khoa học, để họ cho ra đời những nghiên cứu cụ thể, và biến những nghiên cứu đó thành sản phẩm nhằm đóng góp cho ngành TT&TT, cho đất nước.