Không gian phát triển mới cho Việt Nam và Trung Đông
Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng cần coi trọng 'thời gian' và 'trí tuệ', những kết quả chuyến thăm ba nước Trung Đông sẽ sớm được triển khai để hiện thực hóa.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa kết thúc chuyến thăm tới ba nước Trung Đông gồm Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Qatar từ ngày 27/10 đến ngày 1/11. Trả lời báo chí, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định chuyến thăm là dấu ấn quan trọng, thể hiện mối quan hệ đang trên đà phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam với ba nước Trung Đông. Thủ tướng đã có chương trình làm việc dày đặc với gần 60 hoạt động, nhiều văn kiện quan trọng đã được thông qua.
Tầm nhìn tư duy chiến lược mới
Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chuyến thăm đã khẳng định tư duy, tầm nhìn chiến lược mới, quyết tâm cao của Việt Nam trong việc đưa quan hệ với ba nước chủ chốt của khu vực vùng Vịnh bước vào một giai đoạn mới, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, tin cậy sâu sắc hơn, với nhiều cơ hội rộng mở hơn. Vì vậy, chuyến thăm đã nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam với ba nước nói riêng, với khu vực Trung Đông - Bắc Phi nói chung.
Việc chính thức nâng cấp quan hệ với UAE lên Đối tác toàn diện đã mở ra không gian phát triển mới, mở rộng mạng lưới Đối tác toàn diện lên 13 nước.
Việc Việt Nam và Saudi Arabia, Qatar nhất trí thúc đẩy sớm nâng quan hệ lên tầm cao mới đã tạo xung lực để phát triển toàn diện quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt, tạo đòn bẩy để tăng cường quan hệ với các đối tác quan trọng khác ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi.
Chuyến thăm cũng thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, cam kết mạnh mẽ, hành động quyết liệt trong việc thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với khu vực Trung Đông giàu tiềm năng. Đó là việc mở cửa thêm thị trường hàng hóa xuất khẩu, thu hút đầu tư chất lượng cao từ các quỹ đầu tư, tập đoàn hàng đầu thế giới. Trong đó, các lĩnh vực ưu tiên là trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, năng lượng sạch, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển ngành Halal...
33 văn bản hợp tác trong nhiều lĩnh vực
Đã có 33 văn bản hợp tác trong các lĩnh vực thương mại - đầu tư, tài chính, năng lượng, đổi mới sáng tạo, tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng, giáo dục - đào tạo, thể thao, hợp tác giữa các doanh nghiệp. Điều này sẽ tạo cơ sở cho việc thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam và ba nước Trung Đông phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Với các kết quả đạt được, chuyến thăm làm sâu sắc hơn sự tin cậy chính trị, củng cố quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa lãnh đạo Việt Nam và các nhà lãnh đạo của ba nước, với quyết tâm đưa quan hệ song phương phát triển thực chất, hiệu quả và lâu dài.
Nhiều kết quả thực chất, đột phá trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư đã đạt được, bao gồm việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với UAE, hướng tới nâng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 20 tỉ USD trong thời gian tới.
Với Saudi Arabia, hai bên thống nhất mục tiêu kim ngạch thương mại 10 tỉ USD, thúc đẩy để đưa nước này là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam.
Với Qatar, nhất trí về nỗ lực nâng kim ngạch thương mại, nghiên cứu thành lập Tổ công tác chung về thương mại; xem xét khả năng xây dựng Trung tâm trưng bày sản phẩm của Việt Nam tại Qatar; thúc đẩy hợp tác tài chính...
Một điểm nhấn nữa là việc Thủ tướng tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8. Bài phát biểu của Thủ tướng đã gửi đi thông điệp về nước Việt Nam đổi mới, năng động và sẵn sàng cùng các nước trao đổi, chia sẻ, cùng đưa ra các sáng kiến đầu tư vì một tương lai phát triển bền vững và thịnh vượng.
Góp phần đưa Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên mới
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Trên tinh thần coi trọng "thời gian", coi trọng "trí tuệ" như Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta cần quyết tâm thực hiện để hiện thực hóa các kết quả trên. Đó là ưu tiên tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, công nghệ, nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, du lịch.... Thường xuyên trao đổi cụ thể với các đầu mối hai bên đã thống nhất trong chuyến thăm trên tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện". Cụ thể hóa các thỏa thuận đã ký kết và các cam kết. Chủ động rà soát các thỏa thuận hợp tác đã ký kết, trong đó có Hiệp định CEPA giữa Việt Nam và UAE. Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, bảo đảm tiến độ và hiệu quả triển khai cao nhất.
Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam và các nước tăng cường hợp tác đầu tư, kinh doanh vào nhau.
Cùng đó là thúc đẩy giao lưu nhân dân, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục, du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại ba nước ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc lâu dài, góp phần làm cầu nối vững chắc cho quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và ba nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tin tưởng rằng với quyết tâm cao độ, các kết quả đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng sẽ được triển khai hiệu quả, góp phần đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và UAE, Saudi Arabia và Qatar ngày càng phát triển toàn diện, sâu rộng, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp hai bên, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới cũng như góp phần đưa Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.