Không gian sáng tạo từ bản sắc địa phương

Không gian sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp nguồn nhân lực, những ý tưởng; chia sẻ và hỗ trợ cho các hoạt động cộng đồng trong sáng tạo văn hóa - nghệ thuật… Tại TPHCM, việc phát triển không gian sáng tạo không chỉ đáp ứng xu hướng đương đại, mà còn là nền tảng để thành phố hướng đến việc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO.

Không gian sáng tạo số và thực tế

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, không gian sáng tạo đã trở thành trung tâm thu hút nghệ sĩ, doanh nghiệp sáng tạo, nhà kinh doanh và cả cộng đồng khởi nghiệp gặp gỡ, trao đổi ý tưởng, hợp tác phát triển sản phẩm sáng tạo…

Điển hình như Trung tâm sáng tạo Rumah Sanur tại Indonesia, với không gian mở, đây là điểm đến của các nghệ sĩ, nhà sáng tạo và doanh nhân xã hội. Hay Thailand Creative & Design Center (TCDC, Thái Lan), cung cấp cơ sở hạ tầng và nguồn lực để nâng cao khả năng tiếp cận kiến thức và sáng tạo, từ đó phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai.

Các mô hình này không chỉ phản ánh sự đa dạng trong cách tiếp cận văn hóa và nghệ thuật mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển của các cộng đồng sáng tạo tại địa phương, từ đó lan tỏa tầm ảnh hưởng đến khu vực và quốc tế.

 Không gian sáng tạo kết hợp các không gian làm việc, đọc sách, giải trí... Ảnh: NAM THI HOUSE

Không gian sáng tạo kết hợp các không gian làm việc, đọc sách, giải trí... Ảnh: NAM THI HOUSE

Tại Việt Nam, khái niệm không gian văn hóa sáng tạo, hay không gian sáng tạo xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2014, dần được chấp nhận và trở nên phổ biến từ khoảng năm 2016 trở lại đây. Các không gian sáng tạo trong nước đang phát triển mạnh, từ 40 không gian vào năm 2014, hiện ước tính vào cuối năm 2023 là khoảng trên 200.

Các không gian sáng tạo nổi bật có thể kể đến như: Hanoi Creative City - với không gian đa năng từ studio, văn phòng cho thuê đến sân khấu ngoài trời, không chỉ là nơi chốn của các hoạt động nghệ thuật mà còn là điểm hội tụ của các doanh nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện cho sự phát triển và giao lưu văn hóa sâu rộng; Hanoi Grapevine - khai thác thế mạnh của môi trường số để trở thành nền tảng thông tin trực tuyến, cung cấp tin tức và đánh giá chuyên sâu về các sự kiện văn hóa nghệ thuật khắp Việt Nam, từ đó phục vụ cộng đồng yêu nghệ thuật một cách hiệu quả...

Khởi nguồn từ bản sắc địa danh

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa mạnh mẽ hiện nay, các trung tâm sáng tạo trở thành những mô hình tiêu biểu, thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật và văn hóa thông qua các cách tiếp cận độc đáo và đa dạng.

TPHCM - một trong những địa phương đi đầu về sáng tạo và văn hóa tại Việt Nam, có cơ sở vật chất và nhân lực dồi dào để phát triển thành một trung tâm sáng tạo lớn và xây dựng nền tảng từ bản sắc độc đáo của địa phương (hay còn gọi là bản sắc địa danh).

ThS Trần Văn Phương (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM) chia sẻ: “Thành phố đã có nhiều không gian hình thành bản sắc địa danh như: chung cư 86/1 (quận Bình Thạnh) hiện có hơn 200 người Chăm đang sinh sống, khu vực người Hoa ở quận 5, quận 6… Cái cần thiết hiện nay là sự hỗ trợ chủ động của chính quyền địa phương trong việc định hướng phát triển và quản lý không gian sáng tạo, giúp cộng đồng hiểu về không gian sáng tạo và lợi ích của cộng đồng khi hình thành không gian sáng tạo”.

Bên cạnh đó, quá trình hình thành đô thị hơn 300 năm, di sản trong lòng thành phố cũng góp phần kiến tạo không gian sáng tạo độc đáo và không hòa lẫn tại TPHCM: Chứng tích quá trình 300 năm của đô thị Sài Gòn - Bến Nghé hiện diện trong hệ thống 7 bảo tàng của thành phố và một số bảo tàng ngành, bảo tàng tư nhân; hàng chục lễ hội dân gian và hiện đại, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có một số được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hệ thống hơn 170 di tích có quyết định xếp hạng cấp quốc gia và thành phố; hơn 100 công trình, địa điểm được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa.

Ngoài ra, còn có hàng chục ngàn công trình nghiên cứu, hàng trăm ngàn loại tư liệu báo chí tại các thư viện và trung tâm lưu trữ...

TS Nguyễn Thị Hậu (Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TPHCM) phân tích: “Lịch sử phát triển của thành phố cũng là quá trình hình thành cộng đồng cư dân đa dạng nhưng hòa hợp về văn hóa. Tất cả hiện diện ngay trong đời sống hàng ngày và lắng đọng trong văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng dân cư thành phố. Lớp trầm tích lịch sử - văn hóa trở thành tiềm năng cung cấp chất liệu cho sự sáng tạo trên các lĩnh vực của văn hóa - nghệ thuật, mà trực tiếp là ngành kinh tế di sản và du lịch văn hóa, kiến tạo các không gian văn hóa, không gian sáng tạo độc đáo trong lòng đô thị. Qua đó, còn là nguồn cảm hứng và chất liệu cho sáng tác văn học - nghệ thuật (như tranh ảnh, âm nhạc, phim, kịch bản sân khấu, điện ảnh...), các loại văn hóa phẩm phục vụ du lịch, quảng bá cho thành phố”.

THIÊN BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khong-gian-sang-tao-tu-ban-sac-dia-phuong-post763673.html