Không gian thư viện độc đáo mang tên 'Tích Lộc'
Ở thôn 3 xã Tích Giang (Phúc Thọ, Hà Nội) vừa có điểm hẹn với sách rất bổ ích, lý thú. Đó là thư viện tư nhân Tích Lộc.
Thư viện do chị Khuất Thị Mai Hương sáng lập từ mong ước góp phần khuyến đọc trong cộng đồng, nhất là với học sinh nơi đây. Cùng Báo Giáo dục & Thời đại trò chuyện với chị Hương về không gian đọc này.
- Khi đưa vào hoạt động, Thư viện Tích Lộc nhận được sự quan tâm như thế nào của độc giả, thưa chị?
- Khi chia sẻ ý tưởng muốn mở thư viện, chúng tôi nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thôn, xã, huyện, trong đó có sự ngỏ ý cho mượn đất công đang trống để làm địa điểm. Cùng với đó, bà con lối xóm cũng rất hưởng ứng, không ít người mang những bộ sách mà họ gìn giữ, nâng niu bấy lâu như bộ “Harry Potter”, sách tranh về đức Phật… tới tặng thư viện.
Nhất là các phụ huynh không chỉ động viên con tham gia làm tình nguyện viên, mà còn chia sẻ những thay đổi tích cực từ khi có thư viện: Con giảm xem tivi, đọc sách nhiều hơn. Với không gian sân vườn rộng rãi thư viện trở thành nơi các bạn nhỏ chơi, đọc sách ngay cả khi chưa mở cửa. Nhất là, với những bạn mải chơi mà phụ huynh cần tìm thì Tích Lộc chính là một điểm nhớ thay vì phải tìm ở nhiều nơi khác.
Riêng với học sinh, hay tin có thư viện miễn phí được mở, bạn nào bạn nấy bày tỏ sự hào hứng, mong chờ. Nhất là thời gian ban đầu chuẩn bị ra mắt, do địa điểm thư viện gần trường nên sau giờ học, các bạn nhỏ ùa đến hỗ trợ những việc phù hợp như sơn lốp xe, căng biển bạt, phân loại và xếp sách, dán tem… Có em say mê quá, hễ lúc nào thư viện mở cửa là đến mượn sách đọc mà có phần nào sao nhãng việc học ở lớp.
Thấy thế, các cán bộ quản trị thư viện liền nhắc nhở, hướng dẫn các em điều chỉnh hài hòa giữa việc học và đọc cũng như thời gian giúp đỡ cha mẹ việc nhà. Các bạn nhỏ cũng dần hình thành thói quen tuân thủ nội quy, tự giác dọn vệ sinh, sắp xếp xe gọn gàng, giữ sân vườn sạch đẹp. Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện thư viện không chỉ là nơi đọc sách mà còn là môi trường giáo dục toàn diện.
- Với tên gọi “Tích Lộc”, những “lộc” mà thư viện muốn mang đến cho độc giả khi tới đây là gì?
- Khi đặt tên cho thư viện, chúng tôi muốn lấy tên địa danh. Thế nhưng có một thay đổi là xã Tích Giang hiện tại đang có kế hoạch sáp nhập với xã Thọ Lộc và đặt tên là Tích Lộc. Vì vậy, chúng tôi quyết định lấy theo tên xã mới với mong muốn thư viện được mở ra dành cho cộng đồng và mỗi cá nhân tới đây đều có cảm nhận là không gian sinh hoạt chung không phải của riêng ai.
Là thư viện tư nhân hoạt động vì cộng đồng đầu tiên tại xã Tích Giang, “lộc” mà chúng tôi muốn mang tới cho mọi người là góp phần khôi phục, thúc đẩy văn hóa đọc tại địa phương. Cùng với việc cung cấp nguồn tài liệu phong phú, hoạt động đều đặn, chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra môi trường, sân chơi bổ ích hướng đến trẻ em, thanh thiếu niên, thúc đẩy các em cùng trải nghiệm, nghiên cứu và học tập suốt đời.
Cùng với đó, bằng nhiều hình thức, chúng tôi hướng đến việc xây dựng, phát triển nơi đây trở thành điểm hẹn văn hóa - tinh thần, thậm chí có thể là ngôi nhà thứ hai để mỗi cá nhân có thể trở về, kết nối, phát triển và chia sẻ.
- Việc tổ chức, duy trì hoạt động cho thư viện ở vùng nông thôn đang dần đô thị hóa như Tích Giang gặp thuận lợi, khó khăn gì, thưa chị?
- Sau thời gian mở cửa, vận hành thư viện, chúng tôi nhận thấy không chỉ trẻ em mà cả các cụ già trong thôn, xã đều thích đọc sách và rất cần không gian như thế này. Thế nhưng, dường như nhiều vùng nông thôn lại gần như còn thiếu vắng hoặc có thư viện mà chưa phát huy được. Khi xuất hiện với mô hình thư viện tư nhân vì cộng đồng đầu tiên ở Tích Giang, Tích Lộc liền được đón nhận với lượng độc giả đủ thành phần, lứa tuổi.
Dù là mô hình hoạt động phi lợi nhuận song chúng tôi nói không với kiểu làm thiếu thực chất, chỉ mang tính phong trào. Ở đây, tính chuyên nghiệp, hiệu quả, thẩm mỹ luôn được hướng tới và đặt lên hàng đầu. Đội ngũ tình nguyện viên được chọn lọc và tập huấn kỹ năng bài bản để có thể vận hành thư viện một cách nghiêm túc, sáng tạo.
Không gian thư viện được bắt đầu từ con số 0 – chỉ là khu đất công, gian nhà để trống giờ được đầu tư quy hoạch, cải tạo, thiết kế… Đầu sách được bổ sung thường xuyên một cách chọn lọc. Các chương trình cùng đọc và trò chuyện, giao lưu phổ biến kiến thức, sách hay luôn là điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của độc giả…
Bởi vậy còn không ít khó khăn đặt ra trước mắt cho Tích Lộc, nhất là đối với lĩnh vực nhân lực và tài chính. Ví dụ như do bản thân còn công việc mưu sinh và tình nguyện viên là các em học sinh bận đi học cả chính khóa lẫn học thêm nên việc đảm bảo mở cửa đều đặn 5 buổi/tuần là cả cố gắng lớn. Song dù khó đến mấy thì chúng tôi vẫn duy trì bằng mọi cách với tâm huyết từ việc mở theo lịch định kỳ này sẽ giúp các em và bạn đọc rèn kỹ năng quy củ về thời gian biểu sinh hoạt, ghi nhớ về lịch tới thư viện mượn, trả sách.
Bên cạnh đó, những ngày đầu triển khai dự án khá chật vật. Khi đó chưa có người quản trị cùng nên mọi việc đều dồn đến tay, từ tìm địa điểm, học hỏi thư viện bạn, truyền thông kêu gọi ủng hộ, xây dựng nội dung, tầm nhìn, sứ mệnh… Cùng với đó chúng tôi còn phải chịu áp lực tâm lý khi nhiều người không nghĩ rằng thư viện hoạt động miễn phí, kể cả lãnh đạo địa phương còn nhiều lần nhắc nhở sợ hoạt động trá hình
Cũng có một số người dân chưa hiểu về mô hình nên đưa ra thắc mắc hay có người lo ngại đây là việc khó, nhắc nhở nên cẩn thận, thậm chí khuyên không nên làm. Hay việc dọn rác, chuẩn bị cơ sở vật chất… mất rất nhiều công sức và tiền bạc, chưa kể khi đó mất chỗ đổ rác thường ngày của các hộ gia đình sinh sống xung quanh đây nên lại bị ý kiến… Sau tất cả những bộn bề ấy, mừng là dần dần thư viện ra mắt, hoạt động thì mọi người dần hiểu, ghi nhận và ủng hộ.
- Chị phát huy vai trò của cộng đồng thông qua tình nguyện viên - nhất là học sinh - cùng tham gia vào việc “điều hành” thư viện ra sao?
- Là thư viện miễn phí nên tất cả các hoạt động đều nhằm tối giảm chi phí và cần rất nhiều người hỗ trợ vận hành. Chúng tôi ưu tiên tình nguyện viên là học sinh vì các em đang trong độ tuổi thích học tập trải nghiệm các việc mà ở nhà và trường chưa hoặc ít được làm.
Tham gia vào các bộ phận ở Tích Lộc, các em được hướng dẫn thực hiện những công việc phụ trách và trao quyền làm theo cách bản thân muốn trong khuôn khổ nội quy thư viện. Nhờ đó, hiệu quả công việc đạt được rất cao và các tình nguyện viên luôn vui vẻ, tích cực, say mê. Thậm chí, không ít bạn nhỏ có những thay đổi tích cực trong giao tiếp, ứng xử; tích điểm về hoạt động cộng đồng để chờ đón những cơ hội mới mở ra trong tương lai như du học chẳng hạn.
- Chị đã nỗ lực như thế nào để Tích Lộc có được một cơ sở vật chất nhỏ xinh mà thân thiện môi trường như hiện nay?
- Từ những tìm kiếm, phân tích cẩn trọng, chúng tôi chọn và tổ chức không gian thư viện Tích Lộc trên diện tích đất thuê rộng hơn 200 m2; trong đó phòng đọc khoảng 25 m2, sân chơi khoảng 100 m2, còn lại là vườn cây… Nơi này nằm gần trường học, thuận tiện cho học sinh tới sinh hoạt.
Để có được diện mạo như hiện nay, chúng tôi phải dành nhiều thời gian, công sức và cả tài chính để dọn dẹp, sơn sửa, tái tạo cảnh quan. Khuôn viên, phòng đọc nhỏ xinh này khá vừa vặn với nhu cầu cũng như mục tiêu mà chúng tôi hướng tới.
Thời gian qua, ngoài việc duy trì mở cửa đều đặn, ngày cuối tuần Tích Lộc thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, trò chuyện về sách và được bạn đọc hào hứng đón nhận. Tiêu biểu như trong “Giờ đọc hạnh phúc”, các em được cùng học – hiểu – hành qua 3 trái táo: Xanh (đọc, hiểu, yêu thích một phần nhỏ trong sách), vàng (lên kế hoạch ứng dụng bài học từ sách vào cuộc sống) và đỏ (cam kết thực hiện kế hoạch đã đề ra). Những tiếng cười vui trong giờ đọc này lan tỏa khắp không gian.
Còn với chương trình “Kỹ năng sống – Lòng biết ơn”, các em không chỉ được nghe cô Dương Thị Thu (giáo viên kỹ năng sống) trò chuyện mà còn cùng nhau chia sẻ những suy nghĩ của mình về lòng biết ơn rồi ghi lại và treo lên “Cây đúc kết”. Hay độc giả nhí của Tích Lộc còn tham gia tìm hiểu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt “Đình Tường Phiêu” và khám phá làng hoa cây cảnh xã Tích Giang.
- Để hoạt động của thư viện thêm hoàn thiện hơn, chị có đề xuất gì về sự chung tay của cộng đồng?
- Chúng tôi rất mong cộng đồng quan tâm hơn nữa tới việc đọc sách và cùng chung tay thúc đẩy phong trào này. Dù mới đi vào hoạt động được gần 2 tháng (mở cửa từ cuối tháng 11/2024) nhưng thư viện đã có hơn 2.000 đầu sách, trong đó tập trung vào sách phát triển bản thân, văn học, khoa học, tiếng Anh…
Song, chúng tôi vẫn mong thư viện có thêm nhiều sách hơn nữa nên tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng, các tổ chức xã hội, nhà sách… cùng lời nhắn gửi: “Bạn có những cuốn sách từng là người bạn thân thiết, từng làm bạn cười, khóc, hay mơ mộng, nhưng giờ đây chúng đang “nghỉ hưu” trên giá? Hãy để chúng được tiếp tục lan tỏa niềm vui và tri thức đến nhiều người hơn nữa!
Thư viện Tích Lộc nhỏ xinh đang rất cần những cuốn sách ấy – những người bạn yêu thương của bạn. Dù là sách giáo khoa, truyện tranh, tiểu thuyết hay bất kỳ câu chuyện nào, mỗi quyển sách được trao đi chính là một câu chuyện được hồi sinh, một giấc mơ được chắp cánh”.
- Để thư viện có “sức sống” mạnh mẽ và phát triển bền vững, Tích Lộc có kế hoạch cùng quyết tâm thực hiện trong thời gian tới như thế nào?
- Chúng tôi đang tiến hành xây dựng đội ngũ tình nguyện viên vững vàng, có tâm huyết, lớp trước đào tạo và tuyển dụng lớp sau để chuẩn bị đội ngũ nhân sự ổn định, chuyên nghiệp. Cùng với đó, chúng tôi luôn đẩy mạnh các dự án hoạt động: Đọc sách sâu, siêu sáng tạo, chia sẻ kỹ năng sống... để bạn đọc nhận được những giá trị thực sự khi tới thư viện.
Chúng tôi cũng tiếp tục làm mới và đa dạng đầu sách bằng viêc kêu gọi ủng hộ, trao đổi sách với các thư viện khác, mượn sách luân chuyển của phòng văn hóa huyện… Để có tài chính vận hành, chúng tôi tìm đơn vị tài trợ riêng, kêu gọi cộng đồng chung tay, phát triển kênh Youtube để có thêm thu nhập thụ động cho thư viện.
Chúng tôi cũng hướng tới việc nhân thêm chuỗi thư viện tư nhân tương tự như Tích Lộc. Hiện dự án đang được triển khai ở Đông Anh và Sóc Sơn (Hà Nội).
- Trân trọng cảm ơn chị!
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khong-gian-thu-vien-doc-dao-mang-ten-tich-loc-post714699.html