Sản phẩm du lịch mới - sức sống mới
Một trong những chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa đó là làm mới sản phẩm du lịch hiện có và bổ sung thêm các sản phẩm du lịch mới, có tính bền vững, lan tỏa và sức cạnh tranh cao. Với đa dạng sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác, du lịch xứ Thanh như được tiếp thêm sinh khí mới, tạo nên bước phát triển đột phá trong năm 2024.
Làm mới sản phẩm du lịch lợi thế
Trong năm 2024, du lịch biển tiếp tục duy trì vị thế mũi nhọn, với nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, cao cấp, gắn liền với thương hiệu điểm đến được đưa vào khai thác. Đáng chú ý, tất cả các trọng điểm du lịch biển của tỉnh đều đồng loạt có thêm các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, tạo sức hút đối với du khách, đặc biệt là dòng khách có khả năng chi trả cao. Dẫn đầu là Khu đô thị du lịch biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn) với các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, tạo được dấu ấn với du khách như: Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội; Công viên nước SunWorld; Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc... Nhờ đó, năm 2024 TP Sầm Sơn đã đón gần 9 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 17 nghìn tỷ đồng, tiếp tục khẳng định là “đầu tàu” du lịch của tỉnh.
Còn tại Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa), đây là năm đầu tiên hoạt động du lịch được duy trì suốt bốn mùa, với việc đưa vào hoạt động tổ hợp nghỉ dưỡng Flamingo Ibiza Hải Tiến (tháng 5/2024), đáp ứng 5 xu hướng: check in - ăn chơi - shopping - sành điệu - lễ hội. Với đa dạng dịch vụ vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng đẳng cấp, du lịch biển Hải Tiến đang dần khẳng định là điểm đến lý tưởng cho những kỳ nghỉ thư giãn, khám phá và trải nghiệm văn hóa.
Xuôi về phía Nam của tỉnh, tổ hợp nghỉ dưỡng và vui chơi, giải trí Anh Phát Hotels & Resorts (thị xã Nghi Sơn) mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới, khác biệt với các điểm du lịch biển khác của tỉnh như: chèo thuyền kayak, trượt zipline, trượt cỏ, đua xe Go-kart, tour du lịch Nghi Sơn - Đảo Mê... Từ đó tạo nên diện mạo mới cho du lịch biển Nghi Sơn, đồng thời góp phần tạo hiệu ứng cho du lịch của tỉnh trong năm 2024.
Theo nhận định của các chuyên gia du lịch, những năm gần đây sản phẩm du lịch biển xứ Thanh đã từng bước tạo dựng được thương hiệu nổi bật tại khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ. Đặc biệt, việc đưa vào khai thác một số dự án quy mô lớn, với hệ thống dịch vụ đồng bộ, chất lượng cao trong năm 2024 đã tạo nên diện mạo hoàn toàn mới cho du lịch biển xứ Thanh, góp phần tăng sức cạnh tranh và khẳng định thương hiệu “Du lịch Thanh Hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn”.
Tô thắm bức tranh "Hương sắc bốn mùa"
Cùng với việc làm mới các sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch nghỉ dưỡng biển, văn hóa lịch sử - tâm linh, sinh thái cộng đồng... du lịch Thanh Hóa đã nhanh chóng bổ sung các sản phẩm du lịch mới, đáp ứng xu hướng phát triển. Nổi bật nhất phải kể đến là du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng); du lịch nông nghiệp; tham quan, mua sắm kết hợp vui chơi, giải trí; du lịch thể thao mạo hiểm...
Trong đó, sản phẩm du lịch đi bộ trong rừng (trekking tour) chỉ sau một thời gian ngắn công bố (tháng 12/2024), một số tuyến du lịch như: tuyến trekking đỉnh Pù Luông (1.700m); tuyến trekking mạo hiểm hòn Con Sói; tuyến trekking cung đường di sản Pù Luông (tuyến liên huyện Bá Thước - Quan Hóa); tuyến trekking đỉnh Pù Hu (1.440m); tuyến trekking đỉnh Pù Gió (1.600m)... đã nhận được sự quan tâm của đông đảo du khách, đặc biệt là dòng khách quốc tế. Việc đưa vào khai thác sản phẩm du lịch trekking là cố gắng, nỗ lực của tỉnh nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm mới, thúc đẩy đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của tỉnh và phát triển du lịch bốn mùa.
Chia sẻ về định hướng phát triển sản phẩm du lịch mới của tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phạm Nguyên Hồng cho biết: Không ngừng làm mới sản phẩm du lịch hiện có và bổ sung các sản phẩm du lịch mới là một trong những giải pháp chiến lược nhằm tăng sức hút của du lịch Thanh Hóa. Chính vì vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu cho tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư các dịch vụ cao cấp, với các tổ hợp thể thao mạo hiểm, nghỉ dưỡng biển - đảo... tại các khu du lịch biển trọng điểm. Mặt khác, khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và casino (tại các khu vực biệt lập), du lịch tàu biển qua Cảng Nghi Sơn... nhằm khắc phục tính mùa vụ trong du lịch biển.
Đồng thời cho biết, đối với sản phẩm du lịch văn hóa, sẽ hướng đến phát triển các làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Cùng với đó, nghiên cứu phục dựng, xây dựng mới các lễ hội tại các khu di tích trọng điểm của tỉnh; khôi phục và phát triển các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống; tìm hiểu và hoàn thiện các câu chuyện lịch sử... giúp du khách có những trải nghiệm hấp dẫn về lịch sử tại mỗi điểm đến.
Đối với sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng, tập trung khai thác, làm mới các tour du lịch mạo hiểm và bổ sung các dịch vụ bổ trợ nhằm tiếp đà phát triển. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tỉnh cũng sẽ nghiên cứu phát triển bổ sung sản phẩm du lịch đô thị; kinh tế đêm phục vụ du lịch; sản phẩm du lịch chuyên đề và các sản phẩm du lịch sáng tạo... Qua đó nhằm bắt kịp xu hướng phát triển du lịch trong tình hình mới, đáp ứng nhu cầu của du khách, góp phần tô thắm thêm bức tranh “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/san-pham-du-lich-moi-suc-song-moi-34879.htm