Không gian văn hóa Hồ Chí Minh giúp TP.HCM phát triển

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh góp phần tạo động lực và nguồn lực nội sinh để TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Sáng 6-6, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM, nhiệm vụ và giải pháp”. Tại hội thảo, các đại biểu đã góp ý giải pháp để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiệu quả.

TP.HCM đi đầu về không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Thiếu tướng, PGS-TS Vũ Văn Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, nhìn nhận chủ trương xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh rất đúng đắn, nếu được thực hiện thành công tại TP sẽ là đóng góp có ý nghĩa quan trọng, đi đầu cho các địa phương khác trên cả nước.

Theo TS Đạo, với khả năng kinh tế - xã hội vượt trội, kinh nghiệm phong phú của một TP trọng điểm và đặc biệt là bản lĩnh, tài năng, chất văn hóa Nam Bộ hào sảng, nghĩa tình thì việc TP.HCM xây dựng không gian văn hóa “không phải là cái gì đó quá xa xôi mà hết sức thân tình, gần gũi, như cuộc sống vốn có của người TP”.

TS Đạo đề xuất Thành ủy TP.HCM sớm có nghị quyết chuyên đề về việc này; đồng thời có chương trình hành động cụ thể, kết hợp chặt chẽ không gian văn hóa Hồ Chí Minh với việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

“Để xây dựng không gian văn hóa mang tên Bác, ở TP của Bác thì không gian này phải được nuôi dưỡng bằng một nền kinh tế phát triển mạnh, cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện, xứng đáng với một TP là đầu tàu kinh tế - văn hóa của cả nước” - ông Đạo nói và đề nghị cần huy động vai trò của thanh niên, văn nghệ sĩ vào việc xây dựng không gian này.

PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khu vực II, cho rằng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một không gian văn hóa mà con người ở đó phải năng động, sáng tạo.

Theo PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng, để xây dựng thành công không gian văn hóa, cần có sự chung tay của người dân bởi người dân mới chính là người tạo nên cái hồn cho không gian văn hóa mang tên Bác.

Lãnh đạo TP.HCM trao đổi với các đại biểu bên lề hội thảo. Ảnh: LÊ THOA

Lãnh đạo TP.HCM trao đổi với các đại biểu bên lề hội thảo. Ảnh: LÊ THOA

“Người dân TP có thể đến đây để học tập, vui chơi, giải trí, đàn, hát những bài hát về Bác, kể chuyện về Bác…” - ông nói và khẳng định để tạo ra không khí này, không ai khác, chính quyền phải có cơ chế và động thái khuyến khích người dân tham gia.

Còn PGS-TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cho rằng việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh không nên rập khuôn, hạn chế ở mức trưng bày, triển lãm. Thay vào đó, đây chính là không gian văn hóa đô thị, truyền tải giá trị, phong cách, tư tưởng Hồ Chí Minh với nhiều vấn đề về môi trường, con người, thiết chế, hoạt động, sản phẩm văn hóa.

Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết hiện nay, Thường trực Thành ủy đang chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị tham mưu chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

“Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, một khái niệm mới, có nội hàm rộng, vì vậy cần lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa để từ đó tạo sự đồng thuận cao trong xã hội” - ông Hải khẳng định.

Thay mặt Thường trực Thành ủy, ông Nguyễn Hồ Hải đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy tiếp thu đầy đủ các nội dung tại hội thảo để tham mưu, bổ sung, hoàn chỉnh chương trình nêu trên. Đồng thời đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức Đảng, các địa phương, các cơ quan, đơn vị vận dụng và triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị.

Ông khẳng định xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng. Thành ủy TP mong nhận được chia sẻ, hiến kế, đề xuất của các chuyên gia, các nhà khoa học, các địa phương, đơn vị. Qua đó, giúp Thành ủy TP điều chỉnh các chỉ đạo, định hướng sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của TP, góp phần tạo động lực và nguồn lực nội sinh để xây dựng và phát triển TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng là TP mang tên Bác.

Nhiều mô hình không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Mới đây, tại hội nghị sơ kết một năm triển khai thực hiện xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên lĩnh vực văn hóa và thể thao, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết toàn TP có 2.906 mô hình không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trụ sở cơ quan, đơn vị, cơ sở tôn giáo, khu nhà trọ, chung cư…

Nhiều trường học trên địa bàn TP cũng đã khánh thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh, tuyên dương gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường THCS Cát Lái…

Tại Trường Tiểu học Cao Bá Quát, ngoài không gian văn hóa Hồ Chí Minh trưng bày các tư liệu, hình ảnh, tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trường còn có mã QR liên kết đến Thư viện Hồ Chí Minh.

Mỗi người sẽ là đại sứ văn hóa

Xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm văn hóa lớn của cả nước và quốc tế không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành mà còn là tình yêu dành cho TP này, trách nhiệm của mỗi người dân.

Hy vọng mỗi người sẽ là một đại sứ văn hóa trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và luôn sáng tạo để xây dựng TP.HCM là TP nghĩa tình, nơi chia sẻ các giá trị chung, thúc đẩy sự giao lưu, đoàn kết, giao lưu giữa các nền văn hóa, xây dựng tầm nhìn về tương lai và hòa nhập.

NGUYỄN THỊ THANH THÚY,
Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/khong-gian-van-hoa-ho-chi-minh-giup-tphcm-phat-trien-post736726.html