Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nét đẹp rất riêng, rất hấp dẫn của TP HCM
Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP HCM là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân; là công trình lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.
Sáng 6-6, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM tổ chức hội thảo khoa học "Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP HCM: Nhiệm vụ và giải pháp". Phó Bí thư Thành ủy thành phố Nguyễn Hồ Hải chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo nhấn mạnh xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP HCM là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân; là công trình lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.
Theo bà Phạm Phương Thảo, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nét đẹp rất riêng, rất hấp dẫn của thành phố. Chúng ta không chỉ có sức mạnh "cứng" mà còn phải có sức mạnh "mềm" là văn hóa.
Nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM đánh giá thời gian qua việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố có những kết quả đáng ghi nhận, nhưng công trình, thiết chế văn hóa gắn với Bác còn ít, tác phẩm văn học - nghệ thuật chưa tương xứng với cuộc đời và tầm vóc của Bác.
Do đó, trong thời gian tới, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được đặt trong bối cảnh mới, với việc xác định quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu rõ ràng. "Đây được xem là nhiệm vụ lâu dài nhưng cần phấn đấu để tạo điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ 2020-2025" - bà Phạm Phương Thảo nhìn nhận.
Gợi mở giải pháp, bà Phạm Phương Thảo cho rằng xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trước hết là xây dựng văn hóa, con người thành phố phát triển toàn diện gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Đồng thời, hoàn thành quy hoạch tổng thể Không gian văn hóa Hồ Chí Minh (nâng cấp, mở rộng Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Hồ Chí Minh; xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh tại khu đô thị mới Thủ Thiêm; Bến Nhà Rồng; địa chỉ số 5 Châu Văn Liêm, quận 5 là Di tích lịch sử quốc gia - nơi ở của Bác trước khi ra đi tìm đường cứu nước…).
Ngoài ra, triển khai xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh bằng công trình, sản phẩm cụ thể, tạo sự lan tỏa sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phấn đấu mỗi chi bộ, cơ quan, đơn vị, trường học là Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ.
Bà Phạm Phương Thảo cũng đề xuất cần có giải thưởng về việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
"Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thể hiện ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Xây dựng thành công Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ là động lực thúc đẩy phát triển đi lên của TP HCM trong giai đoạn mới" - nguyên Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh.
Cần có cơ chế để người dân tham gia xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh
PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khu vực II, cho rằng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một không gian văn hóa mà con người ở đó phải năng động, sáng tạo.
Muốn thành công, theo PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng, cần có sự chung tay của người dân. Chính quyền phải gìn giữ và quyết liệt tạo thêm không gian này cho người dân. Nhưng chính người dân mới chính là người tạo nên cái hồn cho không gian văn hóa mang tên Bác. Người dân thành phố có thể đến đây để học tập, vui chơi, giải trí, để đàn, để hát những bài hát về Bác, kể chuyện về Bác… Để tạo ra không khí này, không ai khác, chính quyền phải có cơ chế và động thái khuyến khích người dân tham gia.