Không hiểu tại sao Mỹ vẫn bán súng AT-4 cho đồng minh
Theo Task & Purpose, dù không phải là vũ khí đủ mạnh và tin cậy để chống tăng nhưng AT-4 vẫn được Mỹ bán cho những nước được coi là thân thiết.
Điều khó hiểu được tờ báo Mỹ đưa ra khi nói về súng chống tăng AT-4 vẫn được sử dụng ở một số đơn vị của Mỹ và được xuất khẩu. "Điều khó hiểu là AT-4 là dòng súng chống tăng không còn mới và thiếu tin cậy, trong khi đó quân đội Mỹ đang có trong trang bị tên lửa chống tăng Javelin và súng chống tăng Carl Gustaf mạnh hơn nhiều AT-4 nhưng vũ khí này vẫn không bị loại bỏ", chuyên gia Chris Cappy nói.
Thắc mắc của vị chuyên gia này đã được sáng tỏ phần nào bởi theo đánh giá của tờ Defense News, mọi chuyện không phải là điều gì khó hiểu mà đây là chiến lược rõ ràng của Mỹ: Không loại bỏ vì mục đích xuất khẩu. Kể từ năm 2015, Mỹ đã kiếm được hợp đồng xuất khẩu AT-4 cho một số nước như Ukraine, Philippines, Iraq... và thu về khoản lợi nhuận không nhỏ dù không biết hiệu quả chúng mang lại như thế nào.
Điều đặc biệt là đây không phải là trường hợp duy nhất Mỹ bán vũ khí bị cho là "phế thải" cho những quốc gia thân thiết. Ukraine là quốc gia hiểu rõ nhất vấn đề này khi ông Oleg Korostelyov, lãnh đạo của Cục Thiết kế Quốc phòng Luch cho biết, Mỹ đã bán tên lửa Javelin hết hạn cho Ukraine, vì vậy chúng không thể khai hỏa.
Ông Oleg Korostelyov cho biết trong một bức thư gửi người đứng đầu Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Alexandr Turchinov: "Hóa ra là thời hạn vận hành động cơ đã kết thúc, nhưng người ta đã kéo dài bằng một quyết định đặc biệt trước khi gửi sang Ukraine", ông Oleg Korostelyov nói về tên lửa hết hạn Javelin.
Tuyên bố của vị chuyên gia đầu ngành của Ukraine đưa ra sau khi quân đội nước này thực hiện một cuộc diễn tập có bắn đạn thật, trong đó có sự tham gia của tên lửa chống tăng Javelin mới được Mỹ chuyển giao. Nhưng Javelin đã không thể khai hỏa. Bài học về việc mua vũ khí "tối tân" của Mỹ với Ukraine vẫn chưa dừng lại ở đó bởi RQ-11B Raven mới chính là thương vụ khiến Ukraine nhớ nhất. Có tổng cộng 72 chiếc RQ-11B được Mỹ chuyển giao cho Ukraine vào mùa hè năm 2016.
Ngay khi nhận được loạt UAV được Mỹ quảng cáo là tối tân này, Ukraine bắt đầu phàn nàn về chất lượng và hiệu quả của chúng khi hoạt động. Ukraine cho rằng số UAV trị giá hàng triệu USD do Mỹ cung cấp cho quân đội nước này trong cuộc chiến chống lại lực lượng ly khai ở miền Đông đang chứng minh sự không hiệu quả trong việc gây nhiễu và tấn công mạng máy tính của đối phương.
Natan Chazin, cố vấn quân đội Ukraine cho biết, những chiếc UAV Raven RQ-11B Analog đang thực sự gây thất vọng. Ông Chazin nhấn mạnh: "Ngay từ đầu, việc sử dụng những chiếc UAV của Mỹ trong cuộc chiến này là một quyết định sai lầm".
Chính vì vậy, phần lớn UAV Mỹ đang được cất trong kho vì nhược điểm khi hoạt động khiến cho đối phương nắm được các vị trí đóng quân của quân đội Ukraine, đồng thời dễ dàng bị tiêu diệt. Ngoài ra, Raven RQ-11B Analog chỉ hoạt động được trong thời gian ngắn và không đáng tin cậy để thực hiện các nhiệm vụ thu thập tin tức tinh báo về trận địa pháo của phe ly khai.
Vị đại diện của Không quân Ukraine khẳng định, RQ-11B Analog của Mỹ có nhược điểm lớn là dễ bị lực lượng ly khai bắn hạ cũng như can thiệp vào hệ thống điều khiển. Trước thực tế này, James Lewis, giám đốc chương trình công nghệ chiến lược thuộc trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tuyên bố: "RQ-11B Analog về cơ bản đang đưa bạn về thời kỳ đồ đá của thời đại máy bay không người lái".
Điều khá bất ngờ là dù gây thất vọng lớn tại Ukraine nhưng bằng nhiều cách khác nhau, Mỹ vẫn kiếm thêm được hợp đồng cung cấp số lượng lớn RQ-11B cho quân đội Philippines hồi năm 2017. Về danh nghĩa, hiện RQ-11B chỉ được trang bị tại quân đội Mỹ, Ukraine và Philippines nhưng hiện tại UAV này chỉ còn được vận hành tại Manila trong khi Mỹ và Ukraine đều đã cho lưu kho. RQ-11B Analog là mẫu máy bay không người lái trinh sát hạng nhẹ. Một hệ thống RQ-11B Analog bao gồm 4 UAV, hai bộ điều khiển và thiết bị thay thế.