Không hình sự hóa kinh tế, tạo niềm tin cho doanh nghiệp phát triển
Không hình sự hóa kinh tế lại một lần nữa được khẳng định trong Nghị quyết 68 cho thấy tính nhất quán áp dụng văn bản quy phạm pháp luật cũng như tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển.
Nghị quyết 68-NQ/TW vừa được Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành được kỳ vọng sẽ mở ra kỷ nguyên đột phá cho khu vực kinh tế tư nhân và cụ thể hóa các giải pháp để phát huy tối đa vai trò, đưa kinh tế tư nhân trở thành "một động lực quan trọng nhất" và là "lực lượng tiên phong" của nền kinh tế.

Ảnh minh họa.
Phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự
Một trong những điểm đáng chú ý, Nghị quyết quy định xây dựng và áp dụng pháp luật phải tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm.
Cụ thể, sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự đê bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.
Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường họp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.
Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng phải sớm có kết luận, tránh ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, doanh nhân. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án.
Bảo đảm việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; bảo đảm giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong tỏa tương ứng với dự kiến hậu quả thiệt hại trong vụ án.
Phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án; giữa tài sản, quyên, nghĩa vụ của doanh nghiệp của cá nhân những người quản lý trong doanh nghiệp. Cho phép sử dụng hợp lý các biện pháp cần thiết để bảo đảm giá trị tài sản liên quan đến vụ án, giảm thiểu tác động của điều tra đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, sau khi có ý kiến thống nhất của các cơ quan tố tụng và không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra.
Tôi cho rằng, đây là những tư tưởng quan điểm rất mới, rất cởi mở thể hiện ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân, không hình sự hóa quan hệ dân sự kinh tế. Ưu tiên áp dụng các quan hệ pháp luật dân sự kinh tế, việc xử lý hình sự đối với doanh nghiệp chỉ là giải pháp cuối cùng khi không có sự lựa chọn khác.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp
Quy định không hồi tố sẽ tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư
Quy định “không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp” là một chủ trương đúng, phù hợp với chính sách pháp luật Việt Nam với tinh thần của luật pháp quốc tế.
“Không hồi tố” là một trong các nguyên tắc cơ bản chung của pháp luật Việt Nam cũng như của luật pháp quốc tế. Không hồi tố là thuật ngữ pháp lý chỉ việc một quy định, luật lệ hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động lập pháp chỉ có hiệu lực từ thời điểm ban hành trở đi và không áp dụng cho các sự kiện hoặc hành vi đã xảy ra trước đó.
Nếu xác định một hành vi là vi phạm pháp luật thì người vi phạm chỉ bị xử lý khi hành vi vi phạm pháp luật đó được thực hiện sau khi có quy định được ban hành, có hiệu lực. Trước thời điểm văn bản pháp luật ban hành và có hiệu lực, những hành vi (sau này được cho là vi phạm) không được coi là vi phạm và không bị xử lý. Hồi tố chỉ có thể được áp dụng nếu có lợi cho người vi phạm, nếu không có lợi không được phép áp dụng, mặc nhiên và không hồi tố đối với tất cả các trường hợp.
Đặc điểm của không hồi tố là các quy định mới chỉ ảnh hưởng đến những hành động diễn ra sau khi quy định đó có hiệu lực. Giúp bảo vệ quyền lợi của những người đã hành động theo các quy định cũ, tránh việc bị xử phạt hoặc bị ảnh hưởng bởi các quy định mới.
Quy định này sẽ tạo ra sự yên tâm cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam hoặc đầu tư trong các lĩnh vực để phát triển kinh tế xã hội.
Khi văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ kinh tế tư nhân, bảo vệ quyền sở hữu của doanh nghiệp, của tổ chức, cá nhân, quy định những nội dung có tính chất có lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân, họ được đảm bảo cho đến khi pháp luật có thay đổi (nếu có).
Hành vi có hợp pháp hay không sẽ được so sánh đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật ở thời điểm thực hiện hành vi, sau này nếu pháp luật có thay đổi cũng không thể thay đổi mang tính chất bất lợi hơn cho doanh nhân doanh nghiệp
Đây là quy định mang tính chất nguyên tắc xuyên suốt trong hệ thống pháp luật Việt Nam và một lần nữa khẳng định trong nghị quyết này cho thấy tính nhất quán trong việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật cũng như tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và doanh nhân phát triển trong tình hình mới, đảm bảo sự ổn định và tâm lý yên tâm của các nhà đầu tư trong các lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam.
Tôi cho rằng, Nghị quyết này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc định hướng xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật phải định hướng phát triển kinh tế xã hội. Thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, trong đó nâng cao vai trò của kinh tế tư nhân, góp phần tạo việc làm, tạo ra của cải vật chất cho xã hội và đóng góp nguồn thu vào ngân sách nhà nước.
Khi lực lượng sản xuất phát triển kéo theo quan hệ sản xuất sẽ phát triển và xã hội đi lên. Khi có những tư tưởng quan điểm đúng đắn, sáng suốt, khoa học, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển kinh tế số như hiện nay sẽ là cơ sở lý luận, chính trị quan trọng để xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật có hiệu lực hiệu quả góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, mở ra kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tại cuộc làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân để triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị chiều 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần cụ thể hóa nội dung trong Nghị quyết 68 về "tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm. Theo Thủ tướng việc này để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh.