Không hoang mang, cũng đừng chủ quan!

Trước thông tin số ca mắc COVID-19 đang gia tăng ở một số quốc gia, mà gần Việt Nam nhất là Thái Lan, nhiều người lo ngại dịch bệnh này có thể bùng phát trở lại

Song, tôi cho rằng người dân không nên hoang mang, lo sợ quá mức bởi tình hình hiện nay hoàn toàn khác so với trước đây.

Tại Việt Nam, khả năng số ca COVID-19 tăng nhẹ vẫn có thể xảy ra, nhất là khi virus luôn có khả năng đột biến, sinh ra biến chủng mới dễ lây lan. Tuy nhiên, các biến chủng hiện nay đều có độc lực thấp, chủ yếu gây bệnh nhẹ. Hơn nữa, đa số người dân Việt Nam đã được tiêm vắc-xin đầy đủ hoặc từng mắc COVID-19 nên miễn dịch cộng đồng đã hình thành khá vững. Việc giám sát trên toàn cầu cũng cho thấy xu hướng chung là dịch COVID-19 không lan rộng như trước.

Dù khó gây nguy hiểm cho người khỏe mạnh nhưng với người cao tuổi, người có bệnh nền nặng hoặc suy giảm miễn dịch, COVID-19 vẫn là mối đe dọa thực sự. Virus hiện nay dù độc lực giảm nhưng khi xâm nhập những cơ thể đã yếu sẵn thì hoàn toàn có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Không chỉ COVID-19 mà mọi bệnh lý đường hô hấp - như cúm mùa hay virus hợp bào hô hấp (RSV)… - đều có thể gây biến chứng nguy hiểm ở những đối tượng nguy cơ cao. Vấn đề không nằm ở virus mà là ở nền tảng sức khỏe người bệnh. Vì vậy, việc phòng ngừa COVID-19 hiện nay nên được đặt trong bối cảnh phòng ngừa tất cả các bệnh hô hấp mùa.

Hiện nay, việc tiêm vắc-xin COVID-19 không còn được triển khai rộng rãi tại Việt Nam, một phần do dịch bệnh này không phải ở tình trạng khẩn cấp, một phần vì nguồn vắc-xin không được dồi dào như trước. Ở một số nước như Mỹ, Úc, Canada…, người dân - nhất là nhóm nguy cơ cao - vẫn được tiêm nhắc vắc-xin COVID-19 định kỳ. Trong điều kiện hiện nay, người có nguy cơ tại Việt Nam cần chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp đơn giản.

COVID-19 đã được đưa ra khỏi nhóm A (bệnh nguy hiểm, có khả năng bùng phát cao) và xếp vào nhóm B, tương đương với cúm. Điều đó có nghĩa là không còn áp dụng cách ly nghiêm ngặt hay phong tỏa như trước, trừ tình huống đặc biệt. Nên hiểu rằng việc xếp COVID-19 vào nhóm B không có nghĩa là chúng ta chủ quan mà là để đánh giá lại tính chất của dịch bệnh trong giai đoạn hiện tại. Virus vẫn còn nhưng chúng ta đã có kinh nghiệm, có miễn dịch và phương pháp ứng phó phù hợp.

Theo các tài liệu và dự báo y học, khả năng xuất hiện biến thể SARS-CoV-2 gây bệnh nặng hơn là cực kỳ thấp. Virus muốn tồn tại thì phải "hòa nhập" với vật chủ - nghĩa là độc lực giảm dần để không bị hệ miễn dịch tiêu diệt. Những biến thể quá khác biệt, đột biến quá xa với chủng cũ thường không thể xâm nhập hiệu quả cơ thể người. Do đó, hướng tiến hóa của virus là ngày càng nhẹ hơn và COVID-19 trong tương lai sẽ trở thành một bệnh hô hấp mùa thông thường như cảm cúm.

COVID-19 không còn là mối nguy hiểm như trước nhưng không đồng nghĩa với việc chúng ta lơ là, chủ quan. Người dân cần tiếp tục duy trì các biện pháp phòng bệnh cơ bản, như giữ vệ sinh, đeo khẩu trang, khám sớm khi có triệu chứng bất thường... Việc lo lắng thái quá cũng không cần thiết; người dân nên bình tĩnh, tiếp nhận thông tin từ nguồn chính thống và tránh chia sẻ thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận.

Theo NLĐO

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/khong-hoang-mang-cung-dung-chu-quan-post323412.html