Không ít doanh nghiệp không biết, không quan tâm tới FTA

Khảo sát mới đây của VCCI cho thấy, trên 70% DN chưa biết đến CPTPP và EVFTA. Trong khi, đây là hai FTA thế hệ mới quan trọng sẽ sớm được thực thi trong thời gian tới, thì việc một tỷ lệ không nhỏ các DN không biết, không quan tâm đến các FTA thực sự là vấn đề đáng lưu tâm.

Bài liên quan

Cánh cửa nào cho hàng Việt?

“Made in Vietnam”: Những khoảng trống cần được lấp đầy!

Biết mình, hiểu bạn - Phần thắng của hội nhập

DN phải chủ động tìm hiểu thông tin

CPTPP hay EVFTA đều là những Hiệp định sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam khi Việt Nam là thành viên tham gia các FTA này. Bởi khi các Hiệp định này có hiệu lực, nhiều dòng thuế sẽ được đưa về 0%. Không chỉ có lợi về thuế, cơ hội mở rộng thị trường, tiếp cận các đối tác mới dành cho các DN Việt là rất lớn.

Dù vậy, không phải bất cứ DN Việt Nam nào cũng nắm rõ những thông tin về các FTA và đây sẽ là vấn đề rất thiệt thòi cho các DN nếu để mất cơ hội mà các FTA mang lại chỉ vì thiếu tìm hiểu thông tin. Đơn cử, trong lĩnh vực nông sản xuất khẩu, cà phê là một trong những mặt hàng chủ lực của Việt Nam, thế nhưng cho đến thời điểm này, nhiều DN ngành cà phê vẫn còn rất mơ hồ, thậm chí không biết khi nào mình sẽ được hưởng mức thuế 0% hoặc nếu được hưởng sẽ trong thời gian bao lâu. Yếu tố quan trọng nhất hiện nay là các DN phải chủ động tìm hiểu thông tin cụ thể về các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đơn cử riêng với EVFTA, khi nắm rõ và hiểu về Hiệp định, về thị trường châu Âu, DN sẽ có cơ sở để lên kế hoạch, chiến lược kinh doanh, cơ cấu lại sản phẩm, đầu tư công nghệ, tìm kiếm đối tác và thị trường mới, từng bước thâm nhập và cạnh tranh được ngay tại sân nhà và gia tăng xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Nắm bắt thông tin, hiểu về các cam kết trong hiệp định thương mại tự do là yếu tố quyết định thành công của hợp tác và hội nhập, bởi lẽ với rất nhiều Hiệp định thương mại tự do đã được Việt Nam ký kết, nhưng dễ làm nhất là tận dụng ưu đãi thế quan, thì DN nước ta mới chỉ sử dụng được khoảng 40%.

Đương đầu với áp lực để tận dụng tốt nhất các cơ hội

Sau khi EVFTA được ký kết, áp lực cạnh tranh đối với nền kinh tế nói chung và với các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng sẽ ngày càng căng thẳng. Áp lực rất lớn nhưng cơ hội cũng vô cùng lớn với doanh nghiệp cũng như nền kinh tế! Muốn phát triển và muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì chúng ta chỉ có cách là đương đầu với áp lực ấy để tận dụng tốt nhất các cơ hội đem lại. Muốn làm được những điều này, Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy cải cách thể chế mạnh mẽ hơn để tạo hệ sinh thái cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Song song đó, bản thân các doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, phải đổi mới sáng tạo theo hướng phát triển bền vững. Mọi sự phát triển đều chỉ có thể tốt khi được đặt trước một áp lực lớn. Áp lực lớn sẽ tạo ra động lực lớn và sẽ thúc đẩy bước phát triển nhảy vọt của nền kinh tế cũng như bản thân các doanh nghiệp. Chính áp lực đó sẽ tạo động lực mang lại bước phát triển bứt phá cho nền kinh tế Việt Nam, khối doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không đặt trước những áp lực lớn thì sẽ khó có sự bứt phá.

Thực tế, các doanh nghiệp châu Âu cũng đang có nhu cầu đầu tư vào thị trường Việt Nam để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu trở lại châu Âu hoặc xuất khẩu ra thế giới. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ có điều kiện đón nhận các dòng vốn đầu tư từ châu Âu và đây cũng là dòng vốn đầu tư chất lượng mà các doanh nghiệp đang chờ đón, không nên bỏ qua.

Khi làm việc với các đối tác ở các nền kinh tế văn minh hơn, chuyên nghiệp hơn, quốc tế hơn thì cũng là điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam trưởng thành, nâng cao trình độ quản trị, làm ăn theo chuẩn mực quốc tế. Đó là những tác động không thể cân đong đo đếm được đối với sự trưởng thành của các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng cần căn cứ vào đó để so sánh các thị trường, tìm ra thị trường có lợi nhất để định hướng sản xuất kinh doanh, tìm đối tác. Cùng với đó là phải nâng cao năng lực cạnh tranh, phải tạo ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với chất lượng cao, giá thành thấp, phải đổi mới sáng tạo, cải thiện hệ thống quản trị và nâng tầm quản trị của mình lên với ngang tầm với các đối tác châu Âu, châu Mỹ.

Nguyễn Lê (Ghi)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khong-it-doanh-nghiep-khong-biet-khong-quan-tam-toi-fta-post67443.html