Không khí nhiều nơi ở ngưỡng nguy hại, người Hà Nội nên hạn chế ra ngoài
Chất lượng không khí Hà Nội sáng sớm nay nhiều nơi chạm ngưỡng tím, một số điểm ngưỡng nâu, cảnh báo nguy hại với sức khỏe người dân.
Sáng 11/12, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại nhiều nơi ở Hà Nội vượt ngưỡng đỏ lên ngưỡng tím (rất xấu), có nơi vượt tím chạm nâu (nguy hại), đặc biệt là khu vực Phú Thượng (Tây Hồ), có thời điểm AQI lên tới 380.
Trang Airvisual cũng xếp hạng Hà Nội xếp thứ 3 trong tổng số 10.000 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới tính đến thời điểm 8h30p sáng với AQI 232, nồng độ bụi mịn PM 2.5 là 181.5 µg/m³. Còn TP.HCM xếp thứ 5. Đơn vị đo tính theo Mỹ.
Trong khi đó, ứng dụng chất lượng không khí PAMAir tại nhiều khu vực khác của Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự khi AQI chạm ngưỡng khá cao, gồm: Phạm Tuấn Tài (208); Bà Triệu (208); Trung Hòa, Cầu Giấy (211); Nguyễn Chế Nghĩa (217) và Hàng Quạt (242)…
Một số tỉnh/thành phố khác cũng “chịu chung số phận”, điển hình là Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên… đều ngưỡng tím, ngưỡng không khí nguy hại, cảnh báo nhóm người nhạy cảm: người già, trẻ em, người có tiền sử mắc các bệnh hô hấp mãn tính không nên ra ngoài.
Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho chất lượng không khí của Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc bị ô nhiễm. Trong đó 2 lý do chính đó là nguồn thải và thời tiết.
Ở nguồn thải, chính khói bụi, khí thải từ các công trường xây dựng, phương tiện ô tô, xe máy và thói quen sinh hoạt, buôn bán, đốt than, rơm rạ của người dân là nguyên nhân tác động tới tình trạng ô nhiễm không khí.
Về nguyên nhân do thời tiết, các chuyên gia nhận định, miền Bắc những ngày qua bước vào những ngày hanh, khô, ít gió nên lượng khí thải từ các nguồn thải thường xuyên bay lên bị “mắc kẹt” không thể phát tán hay bay hơi được, tạo ra hiện tượng nghịch nhiệt.
Cùng với đó là thói quen đốt rơm rạ theo mùa của người dân gây hiện tượng sương mù quang hóa. Đây là dạng ô nhiễm đặc biệt do sự tương tác giữa các bức xạ cực tím của mặt trời và khí thải ô tô, xe máy, khói bụi… Điều này trực tiếp làm tăng nguy cơ hiệu ứng nhà kính, khiến Trái đất nóng lên, gây biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí.
Khoảng ba tháng nay, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Thậm chí, có thời điểm Hà Nội đứng đầu thế giới với mức AQI lên tới hơn 300.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên hạn chế ra ngoài vào thời điểm này. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, mọi người cần trang bị mũ, áo, khẩu trang và kính để hạn chế tác hại của ô nhiễm không khí.
Dự kiến những ngày tình trạng ô nhiễm sẽ khó được cải thiện. Thậm chí từ nay cho tới tháng 3/2020, do ảnh hưởng của hiện tượng nghịch nhiệt nên người Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc có thể sẽ tiếp tục chịu tác động của ô nhiễm không khí.