Không khí Tết Nguyên đán sôi động tại nhiều nước trên thế giới
Năm nay đánh dấu lần đầu tiên Tết Nguyên đán được Liên Hợp Quốc công nhận là ngày nghỉ lễ hàng năm của tổ chức lớn nhất toàn cầu này. Cùng với sự công nhận của Liên Hợp Quốc, tinh thần nghỉ lễ Tết Nguyên đán tiếp tục được lan tỏa ở nhiều khu vực trên thế giới.
Các hoạt động chào đón Tết Nguyên đán tiếp tục diễn ra sôi động ngay trong ngày mùng 1 Tết, trong đó nhấn mạnh đến biểu tượng con Rồng – biểu tượng của năm mới 2024.
Tại các khu phố có tập trung đông người châu Á sinh sống ở thành phố Sydney, Australia, tối qua đã diễn ra một lễ hội hoành tráng, với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật từ ca múa nhạc đến đua thuyền rồng. Nổi bật nhất là màn múa sư tử đầy màu sắc và náo nhiệt đã thu hút sự chú ý của rất nhiều du khách gần xa đến với Sydney dịp này:
“Tôi hy vọng đây sẽ là một năm tuyệt vời vì rồng thực sự là một biểu tượng rất quan trọng trong lịch Trung Quốc. Vì vậy, thông thường trong năm con rồng, chúng ta thực sự có một năm tốt lành, với nhiều thịnh vượng, may mắn, những điều tốt đẹp xảy ra trong năm”.
“Trong vài năm qua, có rất nhiều điều xảy ra trên thế giới và không phải tất cả đều tích cực và chúng tôi tin rằng rồng sẽ mang lại cho chúng tôi một số thay đổi mới”.
Tại Trung Quốc, đây là năm đầu tiên các hạn chế về đại dịch Covid-19 được dỡ bỏ, ngay trong ngày Mùng 1 Tết, các hoạt động văn hóa nghệ thuật chào Năm mới đã được tổ chức hoành tráng hơn bao giờ hết tại nhiều địa phương. Điểm nhấn cho các sự kiện nghệ thuật phải kể đến Hong Kong (Trung Quốc). Hôm qua tại trung tâm hành chính Hong Kong đã diễn ra một màn múa rồng, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ quốc tế đến từ nhiều quốc gia bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ và Hà Lan.
Cùng với các hoạt động chào đón Năm mới, người dân Trung Quốc cùng dành thời gian đến thăm người thân và đi lễ chùa trong ngày đầu năm để cầu bình an, hạnh phúc cho bản thân và gia đình.
“Năm ngoái dịch bệnh, cuộc sống rất vất vả. Năm nay, tôi hi vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn”.
“Năm ngoái hơi khó khăn. Tôi hy vọng năm nay sẽ tốt đẹp hơn, sau Tết Nguyên đán và là năm con rồng. Con rồng là biểu tượng của sự may mắn. Hy vọng, mọi điều bình an, hạnh phúc sẽ tới".
Tại Triều Tiên, người dân Triều Tiên cũng ăn mừng Tết Nguyên đán với các món ăn truyền thống và chơi các trò chơi dân gian, đồng thời bày tỏ lòng kính trọng đối với hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) và Kim Chính Nhật (Kim Jong-il) nhân dịp một trong những ngày lễ lớn nhất của đất nước. Tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên đã đăng một bài báo mô tả Tết Nguyên đán là một trong những ngày lễ mà người dân tận hưởng nhất.
Tại Bolivia, hôm qua đã diễn ra lễ hội hóa trang có sự tham gia của nhiều vũ công và nhạc sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ châu Á. Cùng với các màn biểu diễn các điệu múa truyền thông của người Bolivia là các màn múa rồng, múa sư tử của các nghệ sĩ quốc tế đã thu hút sự chú ý của nhiều du khách. Tại Mexico, không khí đón Tết Nguyên đán cũng tràn ngập tại các khu vực có đông người châu Á sinh sống ở với sắc đỏ, đèn lồng, câu đối và các hoạt động múa rồng đầy màu sắc.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cuối năm ngoái đã thông qua nghị quyết lần đầu tiên công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hàng năm của Liên Hợp Quốc, trong đó nhấn mạnh Tết Nguyên đán là ngày lễ ở nhiều quốc gia thành viên, khuyến khích các cơ quan Liên Hợp Quốc không tổ chức họp vào ngày đầu tiên của năm mới âm lịch. Việc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết nêu trên ngay trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024 không chỉ có nghĩa quan trọng với các nước chính thức đón mừng Tết Nguyên đán mà còn là tin vui cho gần 2 tỷ người dân trên toàn thế giới coi năm mới âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Đây là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với văn hóa cổ truyền Á Đông.