Không kiểm tra giấy xét nghiệm lái xe chở hàng nội vùng 19 tỉnh giãn cách
Đó là quan điểm thống nhất trong cuộc họp giao ban trực tuyến chiều tối 19/7 giữa Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông, Bình Thuận, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng.
Để bảo đảm vận tải hàng hóa thông suốt, nhanh chóng khi 19 địa phương đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7), thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế ngày 19/7, Bộ GTVT và các địa phương thống nhất thực hiện ngay, không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa chỉ lưu thông trong nội vùng đang thực hiện theo Chỉ thị 16.
Trường hợp người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông từ khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16, khu vực phong tỏa sang khu vực liền kề đang áp dụng cấp độ phòng chống dịch bệnh thấp hơn, phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72 giờ.
Các Sở GTVT, Hiệp hội vận tải ô tô địa phương được yêu cầu tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải, đội ngũ lái xe bảo đảm mọi quy định về xét nghiệm theo hướng dẫn của ngành y tế.
Do ùn tắc giao thông kéo dài trên các cửa ngõ vào TP Hải Phòng trong ngày 18 và 19/7, tại cuộc họp chiều 19/7, Bộ trưởng mời thêm đại diện TP Hải Phòng cùng tham dự. Theo báo cáo của Sở GTVT Hải Phòng, trong ngày 17/7, qua kiểm tra tại chốt kiểm soát, phát hiện 2 trường hợp lái xe từ phía nam ra dương tính với SARS-CoV-2. Chính vì vậy, UBND thành phố đã ban hành văn bản yêu cầu phân 2 nhóm phương tiện ra vào có “nguy cơ cao” và “nguy cơ thấp” để quản lý lưu hành, nhóm “nguy cơ cao” là các phương tiện từ tỉnh Nghệ An trở vào, nhóm nguy cơ thấp gồm các phương tiện từ Thanh Hóa trở ra.
Đến ngày 18/7, TP Hải Phòng bổ sung các phương tiện từ Hà Nội vào nhóm nguy cơ cao. Qua đó, cấp logo màu đỏ dành cho nhóm nguy cơ cao, logo màu vàng cho nhóm nguy cơ thấp và logo màu xanh cho phương tiện lưu thông nội tỉnh. Nguyên nhân ùn tắc do thành phố ban hành quy định, nhiều phương tiện từ các tỉnh đang lưu thông trên đường về Hải Phòng chưa nắm bắt được quy định, lực lượng chức năng phải dừng phương tiện để kiểm tra và cấp phù hiệu phù hợp.
Đến tối 18/7, Sở GTVT Hải Phòng mới nhận bàn giao phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam nên chưa kịp đưa vào ứng dụng ngay để cấp giấy lưu hành cho phương tiện, dẫn đến ùn tắc kéo dài.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cũng trong ngày 19/7, Tổng cục đã giao Thanh tra giao thông của Cục Quản lý đường bộ 1, đồng thời Cục Cảnh sát giao thông bố trí 3 tổ công tác xuống Hải Phòng để phối hợp các lực lượng địa phương phân luồng giao thông, giải quyết ách tắc. Đến chiều 19/7, tình trạng ùn tắc cơ bản đã được giải quyết.
Về vấn đề này, Bộ trưởng GTVT yêu cầu Sở GTVT Hải Phòng nghiên cứu triển khai các quy định, hướng dẫn của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam một cách thống nhất; khẩn trương thông báo các quy định của địa phương cho Sở GTVT các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Đồng thời, tuyên truyền, thông tin tới các doanh nghiệp vận tải, các lái xe có lộ trình đi đến Hải Phòng biết và chấp hành; lập “luồng xanh” của địa phương, đấu nối với “luồng xanh” quốc gia đã được công bố và triển khai ngay hệ thống phần mềm quản lý, cấp mã QR code nhận diện phương tiện hàng hóa để tạo mọi điều kiện thuận tiện, nhanh chóng nhất cho doanh nghiệp, lái xe.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng GTVT cũng yêu cầu Sở GTVT các tỉnh khẩn trương phối hợp Tổng cục Đường bộ Việt Nam tham mưu cho lãnh đạo tỉnh lựa chọn, quyết định tổ chức các điểm dừng nghỉ kết hợp hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 cho các lái xe di chuyển trên lộ trình dài và giấy xét nghiệm hết hiệu lực, có như vậy mới giảm áp lực tại các chốt kiểm soát.
Nhắc lại trách nhiệm của các doanh nghiệp, Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch, Bộ GTVT, Bộ Y tế đã hết sức quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, người điều khiển phương tiện hoạt động bảo đảm lưu thông hàng hóa.
Các doanh nghiệp cần tuyệt đối quán triệt quy định và chủ động xét nghiệm Covid-19 cho đội ngũ lái xe, người phục vụ theo xe, bảo đảm điều kiện y tế theo quy định; chủ động hoặc kiến nghị, phối hợp địa phương tổ chức các điểm dừng, đỗ xe kết hợp nghỉ ngơi, sinh hoạt của lái xe theo phương châm tại chỗ, hạn chế tối đa lái xe tiếp xúc bên ngoài.
Hiện nay Bộ GTVT đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tiền phương của Bộ, 4 tổ kiểm tra bảo đảm các hoạt động vận tải gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại 19 tỉnh, đề nghị các tỉnh phối hợp chặt chẽ với các Tổ để xử lý, giải quyết ngay những vướng mắc phát sinh trong hoạt động vận tải.
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong ngày 19/7, 4 đoàn kiểm tra đã kiểm tra tại các chốt đường bộ, cảng biển, cảng thủy nội địa... trên địa bàn 6 tỉnh. Đánh giá chung tại các chốt kiểm dịch trên quốc lộ, cao tốc và các chốt trên các tuyến đường đến TP Hồ Chí Minh đến 15 giờ ngày 19/7 cơ bản thông thoáng, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Tại các chốt kiểm dịch ở cảng, lưu lượng xe thông qua cảng giảm khoảng 20-80% so thời gian chưa thực hiện Chỉ thị 16. Qua kiểm tra một số xe đang lưu thông đã cấp giấy nhận diện cho thấy, hầu hết thực hiện đúng quy định, đi đúng lộ trình và chưa phát hiện giấy giả mạo.
Báo cáo của các Sở GTVT, lũy kế đến 12 giờ ngày 19/7, đã cấp giấy nhận diện ưu tiên theo “luồng xanh” cho gần 38.500 xe.
Dừng thu phí dự án BOT các tỉnh phía nam để phòng dịch
Tổng cục Đường bộ Việt Nam ngày 19/7 đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT và các Cục Quản lý đường bộ đề nghị tạm dừng thu phí và miễn phí tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện cho biết, Tổng cục quyết định tạm dừng thu phí tại các trạm phía nam từ 0 giờ ngày 20/7 đến khi địa phương công bố dỡ bỏ giãn cách xã hội.
Các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT, đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí, bố trí nhân lực bảo vệ thiết bị và tài sản trạm thu phí; bảo đảm an toàn giao thông khu vực trạm thu phí; có phương án kịp thời thu phí trở lại ngay sau khi hết thời gian giãn cách...