Không ký hợp đồng lao động – Thiệt cả đôi đường

Nhiều vụ việc, doanh nghiệp tiếp nhận người lao động vào làm việc nhưng không ký hợp đồng lao động nhằm trốn bảo hiểm xã hội và một số nghĩa vụ khác. Nếu xảy ra tranh chấp, người lao động thiệt thòi đầu tiên. Doanh nghiệp cũng vi phạm luật và gặp không ít rủi ro.

Theo phản ánh của chị Phạm T. tới báo Lao động Thủ đô, giữa năm 2019, qua giới thiệu, chị tới làm việc tại một doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm trong ngành y tế. Vì là chỗ quen biết nên khi đại diện doanh nghiệp cho biết thời gian thử việc sẽ không ký hợp đồng, chị T. đồng ý.

Tuy nhiên, sau 3 tháng làm việc, người bạn của chị nhận vào công ty đã không trả chị tiền lương như đã thỏa thuận miệng trước đó (khoảng 10 triệu đồng/tháng). Chị T. đã phải nhiều lần gọi điện nhờ sự can thiệp của Tổng giám đốc nhưng không có kết quả. Còn người bạn nhận chị vào làm công ty thì luôn né tránh chị.

Trao đổi với phóng viên về nội dung chị T. phản ánh, vị Tổng giám đốc công ty cho biết, công ty không hề ký hợp đồng lao động với chị T. Nếu cần thiết, chị T. có thể gửi đơn tới các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết.

Còn phía người bạn chị T. lý giải rằng, công ty không trả lương cho chị T. vì chị T. không hoàn thành nhiệm vụ được giao, thường xuyên bán hàng online trong giờ làm việc…

Nếu không ký hợp đồng lao động, khi xảy ra tranh chấp, người lao động sẽ thiệt thòi (Ảnh minh họa: H.D)

Nếu không ký hợp đồng lao động, khi xảy ra tranh chấp, người lao động sẽ thiệt thòi (Ảnh minh họa: H.D)

Sau đó, chị T. đã đưa thông tin lên mạng xã hội. Nhiều người đã lên án hành vi không trả lương của đại diện công ty, mặc dù chưa rõ đúng sai. Chị T. không đòi được tiền lương còn phía doanh nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín…

Theo luật sư Trịnh Khánh Toàn – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội: Bộ luật Lao động quy định, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản, riêng công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng, hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.

Khi không được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động, người lao động sẽ không được đảm bảo các quyền lợi theo quy định của Bộ luật Lao động. Đặc biệt, do không có hợp đồng ràng buộc, doanh nghiệp có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động bất cứ lúc nào mà không cần có các căn cứ theo Điều 38.

Qua vụ việc xảy ra đối với chị Phạm T., luật sư Toàn khuyến cáo, người lao động khi được tiếp nhận vào làm việc phải yêu cầu phía công ty ký hợp đồng lao động theo quy định, nếu không, khi xảy ra tranh chấp, phần thiệt đầu tiên sẽ thuộc về người lao động. Phía doanh nghiệp cũng phải tuân thủ đúng luật lao động, khi tuyển người vào làm việc, cần ký hợp đồng lao động, đừng “tham bát, bỏ mâm” mà vô tình phạm pháp.

P.V

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khong-ky-hop-dong-lao-dong-thiet-ca-doi-duong-97560.html