Không lạm dụng thuốc bổ trong khi điều trị Covid-19

Ngoài những loại thuốc điều trị các triệu chứng của Covid-19, kit test nhanh… thì các loại thuốc bổ cũng là một trong những mặt hàng được nhiều gia đình tìm mua và sử dụng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sĩ, việc lạm dụng thuốc bổ vừa không cần thiết, vừa gây lãng phí, thậm chí ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nếu dùng quá liều trong thời gian dài.

Người dân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng các loại thuốc bổ. Ảnh: Kim Ly

Người dân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng các loại thuốc bổ. Ảnh: Kim Ly

Do tâm lý lo lắng, mong muốn khỏi bệnh nhanh và suy nghĩ chủ quan “thuốc bổ không thể có hại được”, “đang ốm cứ uống thuốc bổ, không bổ chỗ này thì bổ chỗ khác”, nên nhiều bệnh nhân Covid-19 và người nhà có xu hướng muốn tăng cường sức đề kháng bằng các loại thuốc bổ hoặc thực phẩm chức năng. Không chỉ bệnh nhân Covid-19, mà nhiều người là F1 hoặc vừa khỏi Covid-19 cũng có tâm lý “sính” thuốc bổ với suy nghĩ “uống càng nhiều càng khỏe”.

Trong quá trình hỗ trợ tư vấn online cho F0, bác sĩ Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc, phụ trách nhóm Facebook “Yên Lạc hỗ trợ điều trị Covid-19” biết nhiều trường hợp bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có dấu hiệu lạm dụng, sử dụng vitamin, thuốc bổ “vô tội vạ”.

Bác sĩ Phương chia sẻ: “Có bệnh nhân sử dụng tới 2-3 loại vitamin C hay kẽm cùng một lúc; có người lại vừa uống vitamin C, vitamin 3B, vừa uống các viên vitamin tổng hợp; có người cứ cách vài tiếng đồng hồ lại gửi tin nhắn ảnh chụp một loại thuốc bổ và hỏi tôi có dùng được không.

Đối với các trường hợp này, tôi đều có khuyến cáo không nên lạm dụng thuốc bổ, chỉ sử dụng khi người bệnh có biểu hiện mệt mỏi và khi sử dụng nên tham khảo ý kiến bác sĩ vì thể trạng mỗi người khác nhau, cần bổ sung lượng vitamin khác nhau. Không có loại thuốc bổ nào có thể giúp tăng sức đề kháng ngay lập tức, để tăng sức đề kháng cần một quá trình có sự cân bằng trong sinh hoạt, ăn uống…

Khi tư vấn hỗ trợ dùng thuốc online cho các F0, tôi cũng đã thống nhất với nhóm tư vấn là chỉ kê thuốc theo triệu chứng, có triệu chứng gì thì điều trị triệu chứng đó, không nhất thiết phải có thuốc bổ. Trên thực tế, nhiều F0 không sử dụng thuốc bổ trong quá trình điều trị cũng chỉ 5-7 ngày là khỏi bệnh”.

Dù không phải là thuốc kê đơn, nhưng việc sử dụng thuốc bổ bừa bãi, không có sự tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ cũng có thể tiềm ẩn nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Theo bác sĩ Hoàng Hữu Việt, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Tổ trưởng tổ chuyên môn phụ trách Phòng khám hậu Covid-19 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), việc sử dụng các loại thuốc bổ phải căn cứ vào thể trạng, dinh dưỡng, điều kiện bệnh lý, nhu cầu của cơ thể từng cá nhân.

Với những người cần bổ sung vitamin, nếu sử dụng thiếu vitamin cũng ảnh hưởng tới sức khỏe; với những người uống thuốc bổ với số lượng nhiều, trong thời gian dài có thể gây nên các tác hại cho sức khỏe.

Theo các bác sĩ, một số loại vitamin khi dùng nhiều hơn nhu cầu của cơ thể sẽ “lợi bất cấp hại”. Ví dụ như thừa vitamin A gây ngộ độc, rối loạn nội tiết; thừa vitamin C gây ảnh hưởng xấu đến dạ dày, với các bệnh nhân tiền sử sỏi thận có thể bị ảnh hưởng chức năng thận…

Vì vậy, nếu sợ thiếu vitamin, chất khoáng, có thể dùng thuốc bổ sung nhưng nên theo chỉ định của thầy thuốc và dùng đúng liều chỉ định. Ngoài ra, có một cách để bổ sung vitamin hiệu quả, không lo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe là qua ăn uống, sử dụng thực phẩm tươi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo tài liệu hướng dẫn chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà do Bộ Y tế ban hành có khuyến cáo một số thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp nâng cao thể trạng, đây là nguồn thông tin hữu ích, tin cậy, bệnh nhân Covid-19 và hậu Covid-19 có thể tham khảo để sử dụng cho bản thân và gia đình.

Thùy Linh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/74994/khong-lam-dung-thuoc-bo-trong-khi-dieu-tri-covid-19.html