'Không lẽ, chúng tôi phải đứng ngoài rìa''Không lẽ, chúng tôi phải đứng ngoài rìa'

Mười năm chăm chỉ làm hướng dẫn viên du lịch, N. T. D. H không thể nghĩ lại có ngày phải đi nhận quà hỗ trợ khó khăn từ đồng nghiệp. Covid-19 đã làm thay đổi mọi thứ. Cuộc sống gia đình điêu đứng và vì hai đứa con nhỏ, Chủ Nhật vừa rồi, bà mẹ này đã phải gạt bỏ mọi ngại ngần để đi nhận hỗ trợ.

 Những bức tranh làm từ lá bồ đề của N. T. D. H

Những bức tranh làm từ lá bồ đề của N. T. D. H

Phần quà H. nhận được có nhiều nhặn gì đâu, chỉ vài loại nhu yếu phẩm như gạo, mì, nước tương, nước mắm và 500.000 đồng tiền mặt nhưng trong những lúc ngặt nghèo như thế này, được như thế là đáng quý. Covid-19 làm cho người nghèo càng nghèo hơn, khó càng khó hơn và cái khó đó còn tăng thêm nhiều lần với H, người phải một mình nuôi hai con nhỏ, lại làm việc trong cái ngành chịu sự ảnh hưởng nặng nề và sớm nhất của dịch bệnh như du lịch.

Mất việc, nhà thuê, con nhỏ, lại hết tiền

H. kể, anh em trong Chi hội Hướng dẫn viên Du lịch TPHCM phải vận động mấy lần, cô mới đăng ký nhận quà. “Hồi đầu nghĩ còn nhiều người khó hơn nên không đăng ký. Đến lúc đi nhận thì ngại lắm, bữa đó mà bị chụp hình đưa lên báo chắc tôi về”, H nói khi đang ngồi vẽ mẫu bức tranh lá bồ đề, chuẩn bị làm để bán. Phải tranh thủ lúc hai đứa nhỏ ngủ trưa, cô mới có thời gian nghĩ ngợi, làm thêm chút việc để kiếm sống.

“Thiệt tình là tôi không có bộ đồ nào nhìn cho ra con nhà nghèo, lên ôm thùng mì hỗ trợ mà mặc đồ áo đẹp đẽ nên có cảm giác ai cũng nhìn mình”, H nói tiếp và cho biết, không phải cô mắc cỡ hay tự ái khi phải nhận giúp đỡ từ đồng nghiệp mà ngại, e rằng có người nhìn hình ảnh lúc đó sẽ hiểu lầm, cho rằng người còn ăn mặc bảnh bao được như thế mà đi nhận đồ dành cho người khó khăn là không đúng.

Làm nghề dịch vụ có đôi lúc cũng rơi vào tình thế tréo ngoe, bên ngoài thì ăn bận thẳng thớm, lịch sự, nhìn có vẻ “lành lặn” lắm nhưng nhiều khi đời sống thật không được tương xứng, thậm chí có khi trái ngược hoàn toàn. Như với H, tình cảnh hiện tại của cô cũng khó khăn không kém so với những người có gương mặt khắc khổ, mặc những bộ quần áo bạc màu đang phải vật lộn vì đứt đoạn sinh kế do dịch bệnh ở ngoài kia.

Vào nghề mười năm, trừ lúc mang bầu và chăm sóc con nhỏ, H gần như đi tour suốt. Cô hướng dẫn cả du khách quốc tế vào Việt Nam lẫn khách nội địa. Vì gánh nặng cơm áo, H chọn cách làm hướng dẫn viên du lịch tự do để có thể đi tour liên tục, không phải có quãng nghỉ như những nhân viên hướng dẫn chính thức của doanh nghiệp lữ hành.

Thế nhưng, dù suốt tháng miệt mài trên đường tour nhưng H cũng không dư dả, có bao nhiêu tiền dồn cả vào tiền thuê nhà; tiền nuôi hai con nhỏ, đứa lên bảy, đứa lên năm với đủ thứ chi phí khó nhớ hết để liệt kê. “Tháng nào tốt cũng chỉ dư chỉ vài triệu đồng. Hai tháng nay nghỉ việc, tiền để dành đã xài gần hết”, bà mẹ ngoài 30 tuổi lo lắng, ba mẹ con sẽ hết đường xoay xở nếu dịch kéo dài vài tháng nữa.

Trông vào những chiếc lá bồ đề

H tâm sự, giá như chỉ ngành du lịch suy giảm thì còn xin đi làm phục vụ bàn hay thu ngân gì đó để nuôi con. Đằng này, ngành nào cũng đóng nên hết đường tìm việc.

Khi mới nghỉ việc, cô cũng định sẽ buôn bán gì đó để kiếm sống nhưng không có vốn và cũng không có kinh nghiệm vì từ trước đến giờ chỉ biết làm hướng dẫn viên. Ngay cả nghề “hot” nhất trong mùa dịch là buôn bán đồ ăn, H cũng không làm được vì không có chỗ dự trữ thực phẩm và chủ nhà cũng không cho nấu nướng nhiều.

Thêm một cái khó nữa là cô không có xe máy nên không biết lấy gì để qua lại giao hàng và trông con. Cuối cùng, H chọn cách làm tranh từ lá bồ đề bán kiếm thêm.

Để có lá làm tranh, từ nhà thuê ở quận Phú Nhuận, cô dắt hai con đi bộ ra Lăng Ông Bà Chiểu và các chùa để hái, lượm lá về dùng. Lúc trước, ba mẹ con thường vô chùa xin lá còn nay chùa chiền cũng phải đóng cửa vì dịch bệnh nên phải đi lòng vòng, thấy nhà ai có cây bồ đề thì ghé xin lá hoặc hái từ cây dại ngoài đường.

Tuy nhiên, theo H, việc hái lá không phải là công đoạn tốn công và vất vả nhất vì mỗi lần hái dùng được cả tuần. Công phu nhất là khâu ngâm lá, chọn gân lá đều đẹp hình trái tim để xếp ra thành tranh. Do không có khiếu vẽ nên H chỉ phác thảo sơ sơ rồi xếp lá, đính ngũ sắc và thắt hình Phật đính lên tranh rồi đưa lên trang cá nhân trên mạng xã hội chào bán.

Người hướng dẫn viên này mất từ một nửa cho đến hai ngày mới hoàn tất một bức tranh. Mỗi tuần bán được từ một đến hai bức tranh, nếu được giá cao thì mỗi bức được 500.000 đồng.

“Trước đây đi tour thường xuyên thì con có thịt thà, nay đến sữa cũng phải giảm. Bữa giờ, dùng tiền để dành rồi bán lai rai cũng đủ sống và trả tiền trọ nhưng không kéo dài được, nếu lỡ có sự cố gì hay con đau bệnh là nguy”, cô nói.

Mong sao không phải đứng ngoài rìa

 Hướng dẫn viên du lịch (cầm cờ) đang chờ du khách trước Bưu điện TPHCM. Ảnh: Đào Loan

Hướng dẫn viên du lịch (cầm cờ) đang chờ du khách trước Bưu điện TPHCM. Ảnh: Đào Loan

H rất khó khăn vì Covid-19. Ai biết chuyện cũng rất xốn xang nhưng trong giới hướng dẫn viên du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên tự do còn có nhiều người khó khăn không kém. Trong hôm Chi hội Hướng dẫn viên Du lịch TPHCM phát quà hỗ trợ vừa rồi, có người 70 tuổi, đã làm hướng dẫn viên tự do hàng chục năm cũng phải lặn lội đến nhận quà để bớt khó khăn.

Chỉ riêng tại TPHCM, theo ước tính của Hiệp hội Du lịch TPHCM, có khoảng 5.000 hướng dẫn viên du lịch và tất cả đã phải tạm ngừng công việc vì không còn khách du lịch. Trong số này, khó khăn nhất là những người hành nghề tự do, không có lương cơ bản, không có bảo hiểm xã hội mà chỉ nhận thù lao theo mỗi lần dẫn tour.

“Từ Mùng 4 Tết, khi chia tay với đoàn khách Hà Lan ở Tân Sơn Nhất là tôi ở nhà cho đến bây giờ, tìm không ra công việc để làm thêm. Nghe nói tình trạng này có thể kéo dài đến cuối năm nay”, hướng dẫn viên trẻ Nguyễn Thành Nam nói.

Tuy khó vì chưa thể có tích lũy sau ba năm làm nghề mà đã phải đối mặt với dịch bệnh nhưng Nam cho rằng bản thân còn may mắn hơn so với nhiều đồng nghiệp vì còn có nhà của ba mẹ để ở. Với những người có gia đình, vợ con cùng những gánh nặng nợ nần khác thì lần dịch này coi như túng quẫn.

Hoàng Minh Tuấn, hướng dẫn viên có tám năm kinh nghiệm cũng có nhận xét tương tự, cho biết hiện giờ anh em hướng dẫn trò chuyện với nhau chỉ nói về chuyện có gì làm để đắp đổi qua giai đoạn khó khăn. Thế nhưng, số lượng người tìm được công việc thay thế không bao nhiêu vì việc làm thì ít mà người cần lại nhiều.

“Các công ty du lịch cũng áy náy, có gửi e-mail báo là chưa có khách, bảo đợi nhưng không biết đợi đến khi nào”, anh nói.

Trong giai đoạn khó khăn, Tuấn, Nam và H cũng như nhiều hướng dẫn viên du lịch khó khăn khác cũng trông vào gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của chính phủ dành cho những người gặp khó khăn vì Covid-19. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, khi đã mất việc vài tháng vẫn chưa thấy tiền hỗ trợ đến nơi. Chưa kể, có người còn lo lắng là sẽ không nhận được hỗ trợ vì là hướng dẫn viên tự do, công ty nào cần thì kêu dẫn tour nên khó chứng minh được là nhân viên du lịch bị mất việc vì Covid-19.

“Tôi đọc một số quy định nhận hỗ trợ thì thấy mình không thuộc diện nào cả. Không lẽ những hướng dẫn viên tự do như chúng tôi phải đứng ngoài rìa những hỗ trợ dành cho người lao động khó khăn”, Tuấn nói.

Đào Loan

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/302905/khong-le-chung-toi-phai-dung-ngoai-ria.html