Không lơ là kiểm soát bệnh mạn tính ngày Tết

Ngay thời điểm giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tại các bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám, cấp cứu do đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp…

Để có một cái Tết vui khỏe, những bệnh nhân có bệnh lý mạn tính cần có chế độ sinh hoạt, ăn uống và sử dụng thuốc ra sao?

Chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường tại Bệnh viện Nội tiết trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường tại Bệnh viện Nội tiết trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nhập viện vì tự ý ngưng thuốc, ăn uống “thả ga”…

Ghi nhận tại khoa Cấp cứu (Bệnh viện E), lượng người bệnh liên quan đến các bệnh lý tim mạch đến cấp cứu những ngày gần đây tăng cao. Đây là điều cần cảnh báo đến cộng đồng để mọi người phải đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của bản thân hơn, nhất là trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán này.

Ngay trước thềm năm mới, khoa Cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho hàng loạt các trường hợp đột quỵ, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ… với các mức độ khác nhau, trong đó nhiều trường hợp nặng.

Bệnh nhân đột quỵ được chăm sóc, điều trị tích cực tại Bệnh viện E. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh nhân đột quỵ được chăm sóc, điều trị tích cực tại Bệnh viện E. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Thạc sĩ-bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, khoa Cấp cứu (Bệnh viện E) cho biết, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, từ đông sang xuân nên có sự biến đổi rất rõ ràng, nhiệt độ lạnh, ẩm khiến cơ thể khó thích nghi và dễ nhiễm bệnh.

Thêm vào đó, tâm lý “thả ga” trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán gây nên những xáo trộn đáng kể trong chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt. Điều này khiến không ít người gặp phiền toái về sức khỏe.

Điển hình như trường hợp của nam bệnh nhân (53 tuổi ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng bị tắc động mạch lớn ở não. May mắn, bệnh nhân được bác sĩ xử trí cấp cứu và can thiệp lấy huyết khối kịp thời, hạn chế được các biến chứng và tăng khả năng phục hồi.

“Các trường hợp nhập viện chủ yếu ở độ tuổi từ 50-60 có các bệnh lý nền liên quan đến tim mạch, huyến áp, đái tháo đường... Khi Tết đến, xuân về, họ không tuân thủ việc sử dụng thuốc đầy đủ, không kiểm soát được yếu tố nguy cơ như duy trì chế độ sinh hoạt điều độ, sử dụng bia rượu, thuốc lá, thức khuya… dẫn đến những biến cố đáng tiếc”, Thạc sĩ-bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên cảnh báo.

Tương tự, trong hai tuần qua, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ghi nhận lượng bệnh nhân đến khám tim mạch tăng 30%.

Đưa mẹ 72 tuổi đến khám huyết áp, tim và lấy thuốc, chị N.T.H (ở thành phố Hồ Chí Minh) kể, Tết năm ngoái, do bận tăng ca nên chị không để ý ngày tái khám của mẹ đúng vào kỳ nghỉ Tết. Đến 28 Tết, mẹ chị H hết sạch thuốc kê đơn. Vì nghĩ rằng thiếu thuốc vài ngày chắc không sao nên gia đình chị thống nhất để mẹ dừng thuốc ngắn ngày.

“Hậu quả là tối mùng 3 Tết, khi chuẩn bị đi ngủ, mẹ tôi thấy choáng váng, đau đầu từng cơn, huyết áp đo tại nhà lên tới 210/110 mmHg. Khi nhập viện cấp cứu, bác sĩ xác định, mẹ tôi bị đột quỵ nhồi máu não. Nhờ điều trị kịp thời, tình trạng sức khỏe của mẹ tôi đã cải thiện, huyết áp về mức 140/90 mmHg, không bị di chứng sau đột quỵ. Để tránh sự cố đáng tiếc như năm ngoái, ngay trước Tết, tôi đã đưa mẹ đi khám, lấy đủ thuốc cho hai tháng tới”, chị H kể.

Theo PGS.TS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thành phố Hồ Chí Minh), việc đột ngột ngưng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc điều trị bệnh tim mạch như thuốc chống đông, thuốc huyết áp, thuốc điều trị suy tim, thuốc điều hòa nhịp tim… có thể làm tăng nguy cơ tái phát bệnh hoặc gây biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim…

Thống kê cho thấy, những năm trước đây, cứ vào thời điểm trong và sau Tết, số lượng bệnh nhân nhập viện vì các biến chứng tim mạch tăng cao, một phần nguyên nhân là do sự chủ quan không chuẩn bị đủ lượng thuốc cho kỳ nghỉ lễ.

Những lưu ý quan trọng để đón Tết vui khỏe

Để đón Tết vui khỏe, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, điều đầu tiên là người bệnh cần tuân thủ thuốc điều trị. Cụ thể là uống thuốc đúng giờ, không tự ý ngừng hoặc thay đổi liều lượng, ngay cả khi bận rộn.

Khám sức khỏe cho người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Khám sức khỏe cho người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Mặt khác, người bệnh lưu ý đến chế độ ăn uống, tránh thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa (như: Thịt mỡ, đồ chiên xào), đường (bánh kẹo ngọt) và đố muối (dưa muối, mắm). Đồng thời, không nên uống rượu bia quá mức vì có thể gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim.

Thậm chí, người bệnh cần tránh các trạng thái cảm xúc mạnh như: Quá vui, hoặc quá buồn…; giữ tinh thần thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng quá mức vì có thể làm tăng huyết áp hoặc tái phát triệu chứng. Ngoài ra, không nên hoạt động gắng sức quá mức (leo núi, khiêng đồ nặng). Nên duy trì tập luyện nhẹ nhàng như: Đi bộ, yoga...

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài, thời tiết những ngày Tết có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm. Do đó, người bệnh cần mặc ấm khi trời lạnh, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Đảm bảo lượng nước sử dụng vừa đủ, không nên uống quá nhiều có thể gây khó thở và phù, nhưng nếu quá ít có thể gây suy thận hoặc tụt huyết áp. Theo dõi cân nặng hằng ngày, nếu tăng > 2kg trong 2-3 ngày cần thông báo cho bác sĩ.

Với bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu cần hạn chế thức ăn giàu vitamin K (rau cải xanh, bông cải xanh) vì có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc chống đông.

“Khi người bệnh tim cảm thấy đau ngực dữ dội, khó thở nặng. Thêm vào đó, tim đập nhanh, loạn nhịp, hoặc cảm giác như ngất. Đồng thời bị phù chân, bụng to nhanh bất thường, huyết áp quá cao hoặc quá thấp. Khi dùng thuốc, các triệu chứng không cải thiện thì cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài lưu ý.

Còn với người bệnh đái tháo đường thì phải cảnh giác với mọi bất thường của cơ thể. Bởi vì đó có thể là những dấu hiệu của biến chứng, đe dọa phải nhập viện làm “mất Tết”.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết - Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, ngay khi cảm thấy mệt mỏi, nhất là mệt nhiều hay mệt kèm theo đau ngực, sốt, khát nước… thì việc cần đầu tiên là phải đo ngay huyết áp, đường huyết mao mạch và nhiệt độ. Nếu chỉ mệt nhẹ và chắc chắn là do làm việc nhiều hơn bình thường hay thức khuya quá… thì nên dành thời gian nghỉ ngơi. Có thể cắt bớt một số công việc hoặc lịch trình du xuân.

Nếu đường huyết thấp < 4,0 mmol/L là đã bị hạ đường huyết, bệnh nhân nên ăn ngay kẹo bánh (nhiều glucose) hoặc bánh chưng, cơm (tinh bột) và đo lại đường huyết sau 15 phút để đánh giá. Nếu vẫn thấp thì ăn tiếp. Tuy nhiên, nếu mệt nhiều, mệt kéo dài, không tỉnh táo hoặc đường huyết thấp < 2,5 mmol/L thì phải đến bệnh viện gần nhất ngay lập tức.

“Còn nếu đường huyết cao > 14,0 mmol/L thì cần cảnh giác với nguy cơ bị nhiễm toan ceton. Bệnh nhân nên uống thêm nước, nghỉ ngơi, hạn chế vận động và có thể tiêm thêm 1 mũi insulin nhanh hoặc tăng liều mũi insulin (khoảng 2 đơn vị) trước bữa ăn tiếp theo. Sau đó, bệnh nhân cũng cần theo dõi đường huyết thường xuyên hơn”, Tiến sĩ-bác sĩ Nguyễn Quang Bảy lưu ý.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khong-lo-la-kiem-soat-benh-man-tinh-ngay-tet-691730.html