Không 'ly nông'

Không 'ly hương', cũng không 'ly nông', cựu sinh viên trường y Nguyễn Văn Giang, thôn Yên Quang, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) sinh năm 1993 đang tự tin làm giàu nơi đất quê. Giang cũng đau đáu truyền cảm hứng làm nông nghiệp cho nhiều thanh niên khác, để câu chuyện lập thân lập nghiệp của mình trở thành niềm cảm hứng để họ có thể yên tâm làm giàu trên chính quê hương.

Người không may mắn

Bước chân vào nhà Nguyễn Văn Giang, ấn tượng với khách là những tấm giấy khen, bằng khen từ ngày còn đi học đến giờ được gia đình anh treo ngay ngắn, trang trọng ngay giữa nhà. Bố mẹ Giang kể, cậu ham học từ nhỏ, và lực học cũng không hề thua bạn kém bè. Nhưng Giang tự nhận mình là người kém may mắn. Là bởi, từng là sinh viên loại ưu của Trường Trung cấp Y Hà Giang, từng được bố trí đi học nâng cao ở Đài Loan nhưng do hoàn cảnh gia đình, Giang phải ở lại. Năm 2013, Nguyễn Văn Giang tốt nghiệp và xin vào làm việc tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân ở thành phố. 2 năm làm việc tại các phòng khám trên địa bàn, Giang quyết định về quê, làm bạn với ruộng vườn.

Lúc này, anh chỉ có hai bàn tay trắng. Thứ có sẵn là đất, vườn của bố mẹ quanh năm sấp ngửa, chắt chiu nhưng cũng chỉ đủ nuôi được 5 anh em Giang lớn lên, ăn học đầy đủ đã là một sự cố gắng lớn. Giang quyết định thế chấp ngân hàng, vay 400 triệu đồng mua một chiếc xe tải để chở hàng. Đủ mọi nguồn hàng, từ hoa quả, cam đến chuối được chàng trai này vận chuyển từ Chiêm Hóa đi khắp các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội… Không nề hà đêm hôm, hễ có mối gọi lấy hàng là anh lên đường. May mắn là công việc làm ăn thuận lợi, bạn hàng tin tưởng, sau 2 năm, Nguyễn Văn Giang trả xong toàn bộ nợ nần mua xe, tiền lãi sau đấy anh bỏ toàn bộ vào đất.

Vừa lao động, anh Nguyễn Văn Giang vừa tranh thủ quay video hướng dẫn kiến thức
cho các thanh niên có nhu cầu học tập kỹ thuật nông nghiệp.

Thấy ở đâu có cây giống tốt, anh đánh xe đến tận vườn để mua. Nghe ai kể ở đâu có cách làm vườn khoa học hiệu quả, anh đánh xe đến tận nơi để học, để hỏi. Mục tiêu ngay khi bắt tay làm nông nghiệp của Giang là “đã làm phải thắng!”. Mọi công đoạn, công việc đều được Giang lên kế hoạch tỉ mỉ, cẩn thận. 2 ha cây ăn quả được anh trồng xen bưởi, cam, hồng xiêm để đa dạng nguồn thu. Chuồng trại luôn duy trì 40 - 50 con lợn thịt, các lứa gối nhau liên tục nên mỗi năm nhà anh xuất chuồng 4 - 5 lứa lợn. Mỗi năm, đàn lợn này đều đem lại cho Giang nguồn thu ổn định từ 250 - 300 triệu đồng.

Không tham năng suất, không màng cây lớn nhanh, cho thu luôn, Giang chăm sóc 2 ha cây ăn quả của mình hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Tận dụng nguồn chất thải từ chăn nuôi, anh học cách ủ làm phân bón hữu cơ cho vườn cây ăn quả, thành ra chi phí chăm sóc giảm đi, mà cây được bón dưỡng đầy đủ mỗi năm một khỏe, sai hoa nhiều quả. Năm 2019, vườn cây ăn quả của Nguyễn Văn Giang bắt đầu đem lại cho anh nguồn thu trên 150 triệu đồng. Giang đặt tên cho mô hình của mình là “Trường Giang Farm”. Giờ, anh đang hoàn thiện các thủ tục để đăng ký nhãn hiệu cho các nông sản do mình sản xuất và tìm thị trường để sản phẩm không rơi vào tình cảnh phải “giải cứu” như lâu nay bà con mình vẫn đang gặp phải.

Đến hành trình truyền cảm hứng cho thanh niên

Nguyễn Văn Giang là Bí thư chi đoàn thôn Yên Quang. Giang bảo, tổng số đoàn viên của chi đoàn là 15 người, nhưng chỉ là trên sổ sách, vì thực tế hầu hết đều đã ly nông, ly hương hết rồi. Người đi làm việc tại các công ty trong nước, người đã xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc… Thậm chí nhiều đoàn viên, thanh niên vừa gác bút, rời trường THPT đã ký hợp đồng đi xuất khẩu lao động. Mừng cho các bạn một, thì nỗi buồn đọng lại trong anh gấp năm gấp mười lần. Giang bảo, dần dà, rồi đồng đất quê anh - nơi vốn dĩ nổi tiếng là bờ xôi ruộng mật, là miền đất năng động nhất nhì huyện Chiêm Hóa - cũng hoang hóa dần mất thôi.

Sau khi tìm hiểu, biết lý do thanh niên rời quê ngày một nhiều, phần vì miếng cơm manh áo, phần vì không có đủ kinh nghiệm, thiếu kiên nhẫn với sản xuất nông nghiệp, năm 2019, Nguyễn Văn Giang mày mò học cách làm Youtuber. Tất cả những kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt từ thực tế của bản thân, Giang đưa vào nội dung để quay lại Video. Từ cách làm thế nào để cây bưởi sai hoa, đến cách làm sao để hoa đậu quả; rồi cách xây dựng chuồng trại sao cho thoáng mát về mùa hè, ấm vào mùa đông đến cách chăn nuôi sao cho phòng tránh được dịch tả lợn châu Phi… đều được Giang đưa vào Video của mình. Giang bảo, cái định kiến làm nông nghiệp là phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” chính là rào cản để nhiều thanh niên e ngại với công việc này. Qua các Video của mình, phản ánh đúng công việc của mình, Giang muốn đem đến cái nhìn mới hơn, đúng hơn về sản xuất nông nghiệp thời 4.0, để thanh niên nhiều nơi có thể yên tâm bám đất, làm giàu.

Giờ kênh Trường Giang Farm của anh đã có hơn 3 nghìn lượt người theo dõi, trong đó có những Video thiết thực đã thu hút trên 88 nghìn lượt xem. Giang kể, từ chính kênh thông tin này, Giang kết nối được với rất nhiều bạn từ khắp mọi miền đất nước đam mê làm nông nghiệp. Không chỉ kinh nghiệm của bản thân mình được truyền đến mọi người, mà chính những kiến thức, kinh nghiệm của mọi người cũng được chia sẻ để anh học hỏi, áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Nhiều thanh niên từ Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hà Nam… đã tìm đến tận vườn của Nguyễn Văn Giang để học cách làm nông nghiệp. Thậm chí, mặc dù mùa này bưởi mới đang ra hoa, nhưng đã có khách hàng ở Thanh Hóa đặt mua sản phẩm khi đến vụ thu hoạch rồi. Đấy là động lực để anh tiếp tục “chung thủy” với vườn với ruộng, với con lợn con gà để kiếm tiền một cách chính đáng.

Không chỉ truyền cảm hứng làm nông nghiệp, truyền tải kiến thức của mình, kênh thông tin này cũng là một cách để Nguyễn Văn Giang đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng. Anh bảo, trong quá trình quay Vlog, anh công khai tất cả mọi công đoạn sản xuất của mình, để người tiêu dùng có thể biết được tất cả mọi quá trình từ lúc chăm sóc, chăm bón đến thu hái sản phẩm. Giang khoe, mình vừa đầu tư hơn 16 triệu đồng để mua một chiếc máy ảnh có chức năng quay phim “xịn” hơn, anh cũng đã nghĩ đến việc lên kịch bản, tìm nội dung để sản xuất các Video tạo được nhiều hiệu ứng hơn cho đoàn viên, thanh niên. Bước đi tiếp theo của Nguyễn Văn Giang là kết nối với một số siêu thị tại Hà Nội để từng bước đưa các nông sản do anh sản xuất đến với thị trường này.

Chàng trai này, với cách làm nông nghiệp vừa mới vừa cũ, đã thổi làn gió mới đến với nhiều thanh niên trong xã, ngoài xã Yên Nguyên. Với anh, công việc cụ thể, kết quả cụ thể, chính là đóng góp thiết thực nhất cho quê hương n

Phóng sự: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/khong-ly-nong-131857.html