Không mơ hồ trách nhiệm

Bước vào nhiệm kỳ mới, một trong những vấn đề ở cơ sở được các đảng viên và quần chúng nhân dân rất quan tâm là tư duy và phong cách lãnh đạo của cán bộ có gì mới. Thực tế đã rõ, ở đâu cán bộ năng nổ, xông xáo, ở đó công việc tiến triển tốt, xuất hiện nhiều cái hay, cái mới. Trong Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: Cơ bản thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp; thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp huyện, cấp xã đối với những nơi có đủ điều kiện...

Bước vào nhiệm kỳ mới, một trong những vấn đề ở cơ sở được các đảng viên và quần chúng nhân dân rất quan tâm là tư duy và phong cách lãnh đạo của cán bộ có gì mới. Thực tế đã rõ, ở đâu cán bộ năng nổ, xông xáo, ở đó công việc tiến triển tốt, xuất hiện nhiều cái hay, cái mới. Trong Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: Cơ bản thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp; thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp huyện, cấp xã đối với những nơi có đủ điều kiện...

Trong câu chuyện trà dư tửu hậu của buổi tổng kết thôn cuối năm, ông Tuân bày tỏ quan điểm:

- Việc nhất thể hóa chức danh của người đứng đầu cấp xã thật sự có hiệu quả thực tế. Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND thì nắm bắt các vấn đề của địa phương vừa rất bao quát, lại rất cụ thể. Đó là bởi thông qua các hình thức hoạt động của HĐND, người lãnh đạo “hai trong một” có nhiều dịp tiếp xúc và hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời với chức năng giám sát, còn nắm rõ được thực trạng hoạt động của UBND cùng cấp, của đội ngũ cán bộ, công chức. Từ đó, bí thư cấp ủy có được những chỉ đạo trúng, đúng. Khi bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND thì các quyết sách của Đảng và cấp ủy các cấp được quán triệt, triển khai nhanh gọn, hiệu quả…

Đồng ý quan điểm đánh giá của ông Tuân, nhưng ông Thoa nêu thêm vấn đề đáng suy nghĩ:

- Thực tế đã có tình trạng độc đoán, chuyên quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo gây ra sự bất đồng trong bộ máy hoặc là dẫn đến tình trạng vi phạm. Việc này thường xảy ra ở mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND, khi ấy quyền lực tập trung rất nhiều trong một cá nhân. Cho nên, mở rộng thực hiện nhất thể hóa chức danh người đứng đầu là cần thiết, nhưng phải có biện pháp kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Ông Tuân nói: Theo tôi, để xảy ra tình trạng ấy là do cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương còn mơ hồ về trách nhiệm, cụ thể là trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thực hiện chế độ báo cáo. Phải nắm rõ trách nhiệm và bảo đảm được nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Thí dụ để giám sát quyền lực của bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND, phải quy định cụ thể việc thực hiện chế độ báo cáo, chất vấn, giải trình đối với bí thư cấp ủy trong hội nghị cấp ủy định kỳ và đột xuất khi cần thiết. Thông qua đó, cấp ủy có thể kiểm soát được việc thực hiện quyền của bí thư và quyền của chủ tịch UBND. HĐND khi triển khai các hoạt động giám sát theo kế hoạch và hoạt động chất vấn tại kỳ họp sẽ nắm được hoạt động của chủ tịch UBND cùng cấp. Thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình thường xuyên trong sinh hoạt cấp ủy cũng giúp cho việc kiểm soát quyền lực của bí thư đồng thời là chủ tịch UBND. Rồi tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội…

Ông Thảo tán thành:

- Ông nói đúng, muốn kiểm soát quyền lực hiệu quả phải tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Vấn đề quan trọng nữa là lựa chọn được cán bộ có uy tín, có phẩm chất năng lực nổi trội, để đảm nhiệm tốt cả hai chức danh quan trọng này.

Minh Hạnh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dang-va-cuoc-song/khong-mo-ho-trach-nhiem--628389/