Không né tránh
Ngày 23/7, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới. Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, tình hình tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp; gắn với sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa biến chất.
Báo cáo tại Hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, nổi bật là tình trạng tội phạm có tổ chức vẫn diễn ra phức tạp, có sự đan xen giữa các lĩnh vực, núp bóng doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu là “bảo kê”, “tín dụng đen”, đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên không gian mạng; lợi dụng dịch Covid-19, hoạt động đầu cơ, buôn lậu, làm giả các mặt hàng phòng, chống dịch bệnh, thực phẩm thiết yếu tăng mạnh…
Qua ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng như báo cáo của Thứ trưởng Bộ Công an, có thể thấy một điểm chung là tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, như “trêu ngươi” lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương các cấp.
Cũng từ sự phức tạp đó, cũng rất cần xem lại trách nhiệm của các lực lượng được giao nhiệm vụ chống hàng gian hàng giả, gian lận thương mại. Trước nay, khi giải thích vì sao hàng gian hàng giả hoành hành, người ta thường nại lý do thiếu người, lực lượng mỏng trong khi đối tượng buôn lậu, làm ăn gian dối ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Vậy thì, trước tiên một câu hỏi bật ra: Vậy chẳng nhẽ lực lượng chức năng đành chịu thua những đối tượng làm ăn bất chính ấy? Mãi mãi “chạy theo” đối tượng cũng có nghĩa là trình độ nghiệp vụ luôn không đáp ứng được yêu cầu.
Hơn chục năm trước, vụ buôn lậu ở Hang Dơi (Lạng Sơn) khiến xã hội bàng hoàng về mức độ “khủng” cũng như sự coi thường pháp luật của các đối tượng. Sau đó, tình hình có vẻ dịu đi khi vụ việc được đưa ra xét xử công khai với những mức án nặng, xứng với tội lỗi các đối tượng gây ra.
Tuy nhiên, mới đây vụ “tổng kho hàng lậu” ở Lào Cai lại một lần nữa gióng lên hồi chuông khẩn cấp về nạn buôn lậu trên quy mô lớn. Quản lý thị trường cho biết, một tổng kho chỉ bán hàng lậu qua livestream nhưng doanh thu 2 năm nay lên tới 650 tỷ đồng. Ước tính tổng chi phí hoạt động của kho hàng lậu này trung bình khoảng 2 tỷ đồng một ngày.
Trong cả hai vụ buôn lậu “khủng” này, thì rõ ràng nó đã hình thành và hoạt động phi pháp trong một thời gian dài trước khi bị phát hiện, triệt phá. Thật khó hiểu khi chúng ta có nhiều lực lượng phối hợp trong việc chống buôn lậu (đặc biệt là ở vùng biên giới, mà ở đây qua 2 vụ kể trên thì một thuộc về Lạng Sơn, một thuộc về Lào Cai, đều ở tuyến biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc), nhưng hàng lậu vẫn “tập kết” với khối lượng lớn, trong thời gian dài tính theo năm - để rồi luồn sâu vào nội địa hủy hoại sản xuất trong nước.
Không thể chấp nhận được điều đó. Chí ít thì tại biên giới có Hải quan, Quản lý thị trường, Biên phòng… toàn những lực lượng “chuyên nghiệp”, thì không thể nói là quá khó để phát hiện. Cùng đó, trách nhiệm của địa phương ở đâu khi địa bàn mình quản lý lại cũng không phát hiện được đường đi cũng như bãi tập kết của “dân buôn lậu”. Thực tế thì không có gì qua mắt được những vị “quan địa phương”, nhưng vấn đề là vì sao trong chuyện này họ lại không hay biết?
Trở lại với ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, để tình hình tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp thì phải gắn với sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa biến chất. Nhận xét của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ là rất xác đáng, “đúng người đúng việc”. Phàm ở đời, trước bất cứ sự việc gì nếu không tìm ra nguyên nhân chính nhất thì cũng không thể giải quyết triệt để. Vậy thì có thể nói rằng, với tình hình buôn lậu, hàng gian hàng giả hoành hành cũng có nghĩa là những nguyên nhân chính chưa được chỉ ra, hay là né tránh.
Khi đã xác định rõ ràng nguyên nhân thì cũng rất hy vọng tình hình sẽ biến chuyển. Mà muốn chuyển biến được thì vẫn phải là con người - những người được giao nhiệm vụ, nắm quyền trong tay khi xử lý bước đầu. Trách nhiệm của họ được nâng lên, làm việc một cách trong sáng thì đâu đến nỗi. Vì thế, một lần nữa cần làm thật tốt công tác cán bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Ý kiến cho rằng nơi nào để xảy ra tình trạng buôn lậu, hàng gian hàng giả thì mặc dù chưa xác định được có sự bao che, tiếp tay, “bảo kê” thì cũng rất cần sớm điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, không loại từ cả lãnh đạo xã (phường) đó.
Xử lý vài vụ như thế, lẽ nào tình hình không biến chuyển tích cực?
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khong-ne-tranh-502009.html