Không nên bó hẹp không gian phát triển của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh

Ngày 3-11 vừa qua, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Một trong những nội dung còn có hai phương án là quyền cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất do doanh nghiệp quốc phòng (QP), an ninh (AN) tự tạo lập.

Phương án 1 quy định theo hướng không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất. Phương án 2 quy định theo hướng cho phép quyền được cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất.

Thảo luận tại hội trường, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đề cập đến nội dung này đều bày tỏ ủng hộ phương án 2. Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) nêu ví dụ: Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn có các ngành nghề kinh doanh logistics, kho bãi, nếu không cho thuê tài sản gắn liền với đất thì doanh nghiệp hoạt động như thế nào? Còn đại biểu Đinh Văn Thê (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) nêu quan điểm tài sản gắn liền với đất là một phần vốn của doanh nghiệp. Nếu không cho doanh nghiệp sử dụng tài sản này để cho thuê, thế chấp góp vốn là không tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, không phù hợp với Luật Doanh nghiệp.

 Công nhân thuộc Nhà máy Z121, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Ảnh minh họa: TTXVN

Công nhân thuộc Nhà máy Z121, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Ảnh minh họa: TTXVN

Chúng tôi cho rằng việc lựa chọn phương án 2 trong trường hợp này là hoàn toàn hợp lý, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và bảo đảm quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Doanh nghiệp QP, AN sử dụng đất QP, AN vào mục đích kinh tế đều phải tuân thủ những quy định rất chặt chẽ về quản lý đất QP, AN; đồng thời họ vẫn phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm theo đúng quy định giống như mọi doanh nghiệp khác mà không hề có bất cứ sự ưu tiên, ưu đãi nào.

Trong bối cảnh chúng ta không thể bảo đảm giao nhiệm vụ thường xuyên cho các doanh nghiệp QP, AN hoạt động liên tục trong thời bình, duy trì việc làm, thu nhập cho cán bộ, công nhân viên và người lao động, không để dây chuyền sản xuất bị hư hỏng do không hoạt động thường xuyên, các doanh nghiệp QP, AN vẫn phải tự tìm hướng phát triển sản xuất các mặt hàng kinh tế.

Do vậy, nhu cầu cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất do doanh nghiệp tự tạo lập là nhu cầu thiết thân và tất yếu. Việc hạn chế quyền này không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp QP, AN mà còn bó hẹp không gian phát triển của doanh nghiệp QP, AN. Điều này đi ngược lại chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển doanh nghiệp QP, AN của Đảng, Nhà nước ta.

Phương án 2 cũng hoàn toàn không mâu thuẫn với Nghị quyết số 132/2020/QH14 thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất QP, AN kết hợp với hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế. Nghị quyết này chỉ xác lập nguyên tắc không được sử dụng đất QP, AN để góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện hợp đồng liên doanh, liên kết; không cấm doanh nghiệp cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất.

Các quy định về quản lý đất QP, AN rất chặt chẽ. Bất kỳ chủ thể nào khi nhận thuê, nhận thế chấp, nhận góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất QP, AN cũng đều phải tuân thủ quy định về quản lý đất QP, AN. Do vậy, theo chúng tôi, phương án 2 của dự thảo luật nên quy định theo hướng cho phép doanh nghiệp QP, AN được cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, QP, AN.

CHIẾN THẮNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/khong-nen-bo-hep-khong-gian-phat-trien-cua-doanh-nghiep-quoc-phong-an-ninh-750338