Không nên cho phép thực hiện quyền được chết

Cho phép quyền được chết và thực hiện an tử chủ động sẽ làm chậm sự phát triển của y học.

Báo Pháp Luật TP.HCM có thông tin Bộ Y tế nói về đề xuất quy định quyền được chết về việc Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng. Theo đó, tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào cuối năm 2023, cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật về quyền được chết nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện hợp pháp cho bệnh nhân mắc phải các bệnh không còn khả năng cứu chữa được quyền lựa chọn kết thúc cuộc sống hợp pháp.

Về vấn đề này, Bộ Y tế thay mặt Chính phủ đã trả lời, theo đó, quyền được chết (quyền an tử, quyền được lựa chọn cái chết êm ái, chết nhân đạo…) là một việc làm nhân đạo. Tuy nhiên, vấn đề này rất nhạy cảm, kéo theo nhiều hậu quả về pháp lý, y tế, đạo đức, không phù hợp với đạo lý người Á Đông và chưa phù hợp với sự phát triển xã hội, với điều kiện cơ sở vật chất của Việt Nam...

Trước đó, năm 2015, tại một cuộc hội thảo cho ý kiến về dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi), nhiều đại biểu cũng đề xuất cần có quy định về quyền được chết.

Liên quan đến vấn đề này, PLO xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, giảng viên cao cấp Trường ĐH Y dược TP.HCM:

Quyền được chết dựa trên khái niệm là con người được ban cho quyền kết thúc cuộc sống của mình, đó là có quyền được thực hiện an tử tự nguyện.

Xét từ bên ngoài, có lẽ đây là quyền chính đáng của con người, vì nếu con người có quyền được sống thì cũng phải có quyền được chết. Nhưng thử xem xét tiếp thêm mệnh đề “vì con người có quyền được tự do thì con người cũng có quyền được cầm tù” thì chúng ta hiểu rằng quyền, có lẽ là một cái gì đặc biệt và không thể cái gì cũng có thể trở thành quyền.

 Cho phép an tử chủ động có thể là một bước khởi đầu của một chuỗi các bước trượt ngã về đạo đức sau nnày Ảnh: AI

Cho phép an tử chủ động có thể là một bước khởi đầu của một chuỗi các bước trượt ngã về đạo đức sau nnày Ảnh: AI

Tôn trọng quyền được sống của bệnh nhân mới có tiến bộ y học

Theo lý thuyết về khế ước xã hội, lý thuyết mà chúng ta cho là căn cứ cho sự hiện hữu của xã hội và nhà nước, là khi con người tham gia trong xã hội, con người phải hạn chế một số bản năng tự nhiên, một số hành động của mình để duy trì trật tự xã hội nhưng đổi lại, sẽ được xã hội bảo vệ cho một số quyền nhất định.

Cụ thể là tôi không thể khỏa thân ở một số nơi công cộng, không thể giết hại một số động vật quý hiếm, tôi phải nộp thuế ... để đổi lại tôi có một số quyền công dân.

Trong bối cảnh đó quyền được sống là quyền có tính chất hiển nhiên. Tôi phải tự mình hạn chế bản thân để được ở trong xã hội và nếu muốn ở trong xã hội, tôi phải sống, nên quyền được sống có lẽ là quyền cơ bản nhất. Nhưng nếu tôi muốn chết có nghĩa là tôi muốn rời bỏ xã hội, thì đó không phải là đặc ân mà xã hội ban cho tôi mà chỉ là ý định của tôi, nên việc thực hiện mong muốn này không thể gọi là quyền.

Bỏ qua lý thuyết khế ước xã hội thì luật pháp có thể ban hành quyền được chết hay không. Tôi nghĩ là được. Nhưng có nên ban hành hay không lại là một chuyện khác.

Không phải ngẫu nhiên các xã hội đều tôn trọng quyền được sống của con người và cản trở sự chết dù là tự ý hay không tự ý của cá nhân.

Xã hội nào tôn trọng quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc thì xã hội sẽ tiến bộ hơn. Xét về phương diện y khoa, để giải quyết bệnh tật của con người có thể theo định hướng quyền được sống hay quyền được chết. Nếu xã hội công nhận quyền được chết thì trách nhiệm của xã hội sẽ nhẹ nhàng hơn nhưng có lẽ đó không phải là xã hội mong muốn. Chính vì sự tôn trọng quyền được sống của bệnh nhân mà chúng ta mới có những tiến bộ y học.

Khi nói rằng xã hội không nên đặt nặng quyền được chết, không có nghĩa là tôi không ủng hộ quyền tự quyết của cá nhân.

Vì sao an tử chủ động bị phản đối?

Một cá nhân hoàn toàn có thể không thực hiện quyền được sống (khác với việc thực hiện quyền được chết). Ở nước ngoài, nhiều bệnh nhân có ý nguyện là khi bệnh diễn tiến nặng thì không hồi sức cho họ, không thở máy cho họ (Do Not Rescusitate) đó là lựa chọn của họ và khi nhân viên hồi sức không hồi sức cho những người này thì đó không phải là vấn đề đạo đức.

Ở nhiều trường hợp, bệnh nhân dù cần được can thiệp y khoa (thí dụ như truyền máu, hay chấm dứt thai kỳ) thì mới có khả năng sống, nhưng bệnh nhân chọn lựa không chấp nhận can thiệp y khoa thì lựa chọn này là điều đáng tôn trọng. Và cả trong trường hợp bệnh nhân không thể chi trả chi phí điều trị. Kết cuộc của các trường hợp này là chết nhưng đây không phải là quyền được chết, mà chỉ là họ lựa chọn một điều mà họ cho là quan trọng hơn (thí dụ như không bị hành hạ trước khi chết, niềm tin tôn giáo, tình thương với đứa con trong lòng mẹ, kinh tế ổn định của gia đình) đã khiến cho họ bị chết.

Điều này cũng được gọi là an tử nhưng là an tử theo ý muốn và thụ động. Khi phản đối quyền được chết, có nghĩa là phản đối việc an tử chủ động như là tiêm thuốc cho bệnh nhân để bệnh nhân chết sớm hơn. Dù là cách giải quyết vấn đề đơn giản cho một số bệnh nhân ở giai đoạn cuối, an tử chủ động bị phản đối vì nó làm ảnh hưởng đến hình ảnh và giá trị của nhân viên y tế; có thể gây lạm dụng và phân biệt với người nghèo, người dễ bị tổn thương; cản trở sự tiến bộ y học.

Ngoài ra an tử chủ động sẽ làm tăng mâu thuẫn xã hội và có khả năng dẫn đến những khó khăn về đạo đức phức tạp hơn nữa. Trước tiên,nếu nhân viên y tế thực hiện an tử, bệnh nhân sẽ lo ngại và giảm niềm tin với ngành y tế, bệnh nhân có thể e ngại bác sĩ có sự phân biệt giữa người bệnh bình thường và bệnh nhân giai đoạn cuối, e ngại bác sĩ có thể vì áp lực xã hội hành động đi ngược lại lợi ích của bệnh nhân làm tổn hại mối quan hệ bác sĩ và bệnh.

Không nên thực hiện quyền được chết

Người ta thường nói đau đớn là nguyên nhân khiến bệnh nhân chọn lựa việc an tử chủ động. Thực ra các nghiên cứu ở Oregon cho thấy "đau" chỉ là nguyên nhân hàng thứ năm cho việc chọn lựa an tử. Nguyên nhân hàng đầu là sự mất phẩm giá và sợ là gánh nặng cho người khác.

Điều này cho thấy cách cư xử của người chung quanh mới chính là nguyên nhân để người bệnh chọn lựa cái chết.

Vì vậy người già không tạo thu nhập, người yếu thế càng dễ bị sức ép xã hội và bị thiệt thòi nhiều nhất khi an tử chủ động được phép thực hiện. Ngoài ra, việc an tử sẽ khiến chăm sóc y tế thụt lùi.

Thực ra trước đây khoảng 40-50 năm, chăm sóc giảm nhẹ chưa có thì việc thực hành an tử còn có ít nhiều lí do để thực hiện. Hiện nay do sự tiến bộ của chăm sóc giảm nhẹ, đa phần các đau đớn đều có thể kiểm soát được bằng giải pháp y học. Điều còn thiếu là cam kết đưa chăm sóc giảm nhẹ đến tất cả các bệnh nhân.

Cho phép quyền được chết và thực hiện an tử chủ động sẽ làm chậm sự phát triển của y học. Ngoài những vấn đề về y học, thực hiện an tử chủ động rõ ràng là một hành động can thiệp trên tính mạng con người ở một mức độ chưa từng có.

Cho phép an tử chủ động có nghĩa là cho một người nào đó chết vì người đó quá đau đớn thì nó sẽ không quá xa với việc cho phép một người khác chọn cái chết vì sự đau khổ về tâm lí, cho phép một người đó chết vì người đó không chịu được thất bại trong công việc.

Cho phép an tử chủ động có thể là một bước khởi đầu của một chuỗi các bước trượt ngã về đạo đức sau này. Do cái chết vẫn còn là một điều quá lớn đối với rất nhiều người, do niềm tin truyền thống hay niềm tin tôn giáo, xem thường cái chết bằng cách cho phép an tử sẽ là sự xung đột về ý tưởng và sự mất niềm tin của nhiều người vào thể chế xã hội. Đây cũng là một lí do không nên thực hiện quyền được chết.

Mở rộng thực hành chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân

Tôi, cũng như nhiều người, có một người rất thân bị mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Bản thân tôi cũng là bác sĩ, cũng có hiểu biết và cũng nhờ đồng nghiệp để hướng dẫn chăm sóc giảm nhẹ cho người thân.

Tôi biết sử dụng chế phẩm opioid có thể giảm đau nhưng không thể nào xin cấp thuốc opioid được. Bởi vì người này ở quê mà việc cấp thuốc opioid chỉ thực hiện ở bệnh viện lớn do quy định e ngại rằng thuốc này có thể bị bán ra ngoài cho người nghiện, e ngại rằng nếu để cho người nhà cho bệnh nhân dùng thì lỡ bệnh nhân chết thì ai chịu trách nhiệm.

Vì vậy bệnh nhân bị đau đớn không đáng có, ở tình trạng sống còn tệ hơn chết.

Thiết nghĩ, sẽ tốt hơn cho người dân nếu lãnh đạo ngành y tế suy nghĩ cách nào để vẫn quản lí tốt thuốc gây nghiện nhưng người dân nghèo ở nông thôn vẫn tiếp cận được chăm sóc giảm nhẹ, hơn là suy nghĩ cách để cho phép bệnh nhân đau đớn quá được chết một cách hợp pháp.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng

Nguồn PLO: https://plo.vn/khong-nen-cho-phep-thuc-hien-quyen-duoc-chet-post788714.html