Không nên chủ quan trước triệu chứng nhìn mờ bất thường
Một bệnh nhân nữ đến viện thăm khám và nhận chẩn đoán tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc sau khi có triệu chứng nhìn mờ một mắt kéo dài trong 5 ngày.
Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc (CRVO) là một bệnh lý có thể dẫn đến giảm thị lực trầm trọng, thậm chí gây mù nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Phim chụp tổn thương ở mắt bệnh nhân.
Khoảng 5 ngày trước, cô N. (50 tuổi, Hà Nội) bỗng dưng phát hiện thị lực mắt phải giảm sút đột ngột mà không có cảm giác đau nhức hay bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác. Người bệnh không có tiền sử chấn thương hay bất kỳ sự thay đổi sức khỏe nào trước đó. Vì vậy, cô đã đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec để thăm khám và kiểm tra.
Sau khi tiến hành thăm khám lâm sàng và các kỹ thuật cận lâm sàng, kết quả thị lực cho thấy mắt phải chỉ còn 3/10, dù có đeo kính cũng không cải thiện được thị lực.
Điều đáng chú ý là khi soi đáy mắt, bác sĩ phát hiện gai thị phù, tĩnh mạch võng mạc giãn và xuất huyết trên toàn bộ võng mạc. Cùng với đó, hình ảnh chụp cắt lớp võng mạc cho thấy tình trạng phù hoàng điểm dạng nang.
Sau khi làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu, cô N. được chẩn đoán là bị tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc (CRVO). Lúc này, các bác sĩ đã chỉ định điều trị bằng phương pháp tiêm Anti-VEGF để giảm thiểu nguy cơ tổn thương thị lực.
Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc là tình trạng nghẽn dòng máu do huyết khối, khiến máu không thể lưu thông bình thường ở vùng võng mạc, đặc biệt là ở vùng hoàng điểm. Đây là một nguyên nhân phổ biến gây giảm thị lực nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa.
Theo bác sỹ Khuất Trang Anh, Trưởng chuyên khoa Mắt tại Hệ thống Y tế Medlatec, bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc có thể gây giảm thị lực từ nhẹ đến nặng và thường xuất hiện đột ngột.
Người bệnh có thể gặp phải tình trạng thu hẹp tầm nhìn, nhìn thấy đám đen trước mắt hoặc mất thị lực một phần. Tuy nhiên, tình trạng này lại không gây đau nhức, không đỏ mắt hay chảy nước mắt, khiến người bệnh dễ chủ quan.
Bệnh lý này có thể xảy ra ở những người mắc các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, và các bệnh lý mạch máu khác.
Nghiên cứu cho thấy, khoảng 70% bệnh nhân bị tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc có tiền sử bệnh tim mạch, bao gồm cả tăng huyết áp, bệnh lý đái tháo đường, rối loạn lipid máu và thói quen hút thuốc lá.
Đặc biệt, trong số các bệnh lý mạch máu võng mạc, tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc được coi là nguyên nhân gây mù lòa thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau bệnh võng mạc đái tháo đường. Tình trạng này đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, chủ yếu là do sự gia tăng của các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường và bệnh tim mạch.
Bác sỹ Trang Anh cho biết, tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như bệnh cườm nước, xuất huyết trong mắt, bong võng mạc, và thậm chí dẫn đến mù lòa.
Vì vậy, phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng. Cụ thể, người dân cần điều trị các bệnh lý toàn thân có nguy cơ cao như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu và các bệnh thận để giảm nguy cơ mắc tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc.
Khám mắt định kỳ, đặc biệt đối với những người lớn tuổi, người mắc bệnh lý mạch máu hoặc có tiền sử cận thị. Việc khám mắt mỗi năm một lần giúp phát hiện sớm các vấn đề về mắt và bảo vệ thị lực.
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây tắc nghẽn mạch máu. Hạn chế thức ăn béo, tăng cường vận động thể chất và đặc biệt là bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe tim mạch và thị lực.
Với sự phát triển của các phương pháp điều trị hiện đại như tiêm Anti-VEGF, bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc có thể được điều trị hiệu quả nếu phát hiện kịp thời. Chính vì vậy, hãy luôn cảnh giác với những triệu chứng bất thường của đôi mắt để bảo vệ thị lực và ngăn ngừa nguy cơ mù lòa.