Thận đang dần mất chức năng, khi ngủ có thể gặp 4 dấu hiệu
Những triệu chứng nhỏ khi ngủ có thể là dấu hiệu của bệnh thận. Việc phát hiện và điều trị sớm mang đến hiệu quả cho quá trình điều trị.

Một số triệu chứng khó chịu vào buổi tối như tiểu đêm nhiều lần, khát nước hoặc sưng phù một số bộ phận cơ thể... có thể là cảnh báo sớm của bệnh thận. Ảnh: Freepik.
Suy thận thường phát triển âm thầm với những triệu chứng khó nhận ra, khiến việc phát hiện bệnh trở nên muộn màng. Một số dấu hiệu xuất hiện trong giấc ngủ dù có vẻ bình thường lại là những cảnh báo sớm về tình trạng suy thận. Theo 163, nếu không được chú ý, những dấu hiệu này có thể làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Sưng phù cơ thể
Sưng phù cơ thể sau một đêm tưởng chừng là chuyện nhỏ, nhưng có thể là dấu hiệu cảnh báo từ nhiều nguyên nhân nghiêm trọng, trong đó bệnh thận đứng hàng đầu. Khi thận suy yếu - do viêm cầu thận, hội chứng thận hư hay suy thận mạn - khả năng lọc và thải chất lỏng, muối dư thừa giảm đáng kể. Điều này khiến nước tích tụ trong các mô dưới da, đặc biệt ở chân, mắt cá hoặc bàn tay, gây sưng phù rõ rệt.
Không chỉ thận, suy tim cũng là "thủ phạm" lớn. Khi tim bơm máu kém hiệu quả - thường gặp ở suy tim sung huyết - áp lực trong tĩnh mạch tăng, đẩy chất lỏng ra mô kẽ, gây phù toàn thân hoặc tập trung ở chân, bụng.
Các nguyên nhân khác như bệnh gan, đặc biệt là xơ gan, thiếu dinh dưỡng (thiếu protein), dị ứng, hoặc tác dụng phụ thuốc (steroid, thuốc huyết áp) cũng có thể gây phù, nhưng ít phổ biến hơn.
Khát nước liên tục
Khát nước liên tục không chỉ là dấu hiệu của tiểu đường mà còn là lời cảnh báo bệnh thận. Khi thận suy yếu, khả năng giữ nước của cơ thể bị tổn hại nghiêm trọng, dẫn đến mất nước nhanh và kích thích cảm giác khát dai dẳng. Với tiểu đường, khát nước xuất phát từ lượng đường dư thừa trong máu, nhưng trong bệnh thận, chính sự suy giảm chức năng lọc và cô đặc nước tiểu mới là nguyên nhân cốt lõi, tạo ra vòng lặp: uống nhiều, tiểu nhiều, rồi lại khát.
Theo Tạp chí Quốc tế về Thận (năm 2023), mỗi ngày thận lọc khoảng 180 lít dịch, thải 1-2 lít nước tiểu cô đặc. Nhưng ở người mắc suy thận mạn, viêm cầu thận hay tổn thương ống thận, khả năng cô đặc nước tiểu giảm mạnh. Lúc này, nước tiểu loãng, thải 3-5 lít/ngày ở giai đoạn sớm, theo Tạp chí Thận học Mỹ (2022), điều này khiến cơ thể mất nước nhanh, kích thích trung tâm khát ở não, gây khát liên tục dù vừa uống.

Khát nước thường xuyên là một trong những biểu hiện rõ rệt nhất của bệnh thận. Ảnh: Freepik.
Đau lưng giữa đêm
Đau lưng có thể liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có bệnh thận. Tuy nhiên, không phải lúc nào cơn đau lưng giữa đêm cũng bắt nguồn từ thận; nó cũng có thể bắt nguồn các nguyên nhân khác như căng cơ, các vấn đề về cột sống hoặc rối loạn tiêu hóa.
Theo Healthline, bạn có thể phân biệt được cơn đau do bệnh thận với những nguyên nhân khác qua vị trí và mức độ đau. Đau thận thường cảm giác rõ ràng ở vùng sườn, hai bên cột sống, giữa lồng ngực và hông. Thông thường, cơn đau sẽ chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể, nhưng trong một số trường hợp, nó cũng có thể xuất hiện ở cả hai bên.
Tiểu đêm nhiều lần không rõ nguyên nhân
Nếu không uống nhiều nước mà vẫn phải thức dậy tiểu đêm nhiều lần, điều này có thể liên quan đến chức năng thận kém. Khi bộ lọc của thận bị tổn thương, khả năng xử lý và loại bỏ chất thải bị suy giảm, dẫn đến việc gia tăng nhu cầu đi tiểu.
Tuy nhiên, hiện tượng này cũng có thể liên quan đến nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới. Ngoài ra, một số loại thuốc hoặc tiêu thụ caffeine, rượu cũng có thể gây tiểu đêm. Nếu bạn gặp phải những triệu chứng trên, đặc biệt khi chúng kéo dài hoặc ngày càng nghiêm trọng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.