Không nên để du lịch phát triển nhanh mà thiếu bền vững

Tính chung 11 tháng của năm 2017, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 1,17 triệu lượt người, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 8 tính từ đầu năm 2017 có lượng khách quốc tế đạt hơn 1 triệu lượt người. Với đà tăng trưởng như hiện nay, có thể trong năm 2017, du lịch Việt Nam sẽ bắt kịp Indonesia (nước hiện đang có lượng khách quốc tế đứng thứ tư khu vực ASEAN). Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), về con số tăng trưởng này.

Phóng viên (PV): Ông nhận xét thế nào về những con số tăng trưởng trong 11 tháng qua của ngành du lịch Việt Nam?

Ông Hoàng Nhân Chính: Lượng khách quốc tế tăng cho thấy ngành du lịch (DL) đã có những bước phát triển nhanh chóng. DL đã và tiếp tục sẽ có những đóng góp quan trọng cho kinh tế-xã hội. Với con số hơn 10 triệu lượt khách năm 2016, du lịch Việt Nam đứng thứ 5 trong khu vực về lượng khách quốc tế, sau Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia. Hiện Việt Nam đứng trước Philippines, Campuchia, Lào, Myanmar và Brunei. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tỉnh táo nhìn nhận rằng, theo Báo cáo “Du lịch & Lữ hành-Tác động kinh tế 2017” của Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới (WTTC) thì trong năm 2016, du lịch Việt Nam đón nhiều khách DL quốc tế hơn nhưng lại đứng sau Philippines về đóng góp trực tiếp cho GDP.

PV: Thưa ông, liệu ngành DL có đạt được chỉ tiêu 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng 30% trong năm 2017 mà Chính phủ đã giao?

Ông Hoàng Nhân Chính: Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, tôi tin chúng ta vẫn có thể đạt con số 13 triệu lượt khách quốc tế cũng như những mục tiêu mà Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhân đây, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, mục tiêu mà Nghị quyết số 08-NQ/TW đưa ra cho ngành DL là DL đóng góp hơn 10% GDP, tổng thu từ khách DL đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua DL đạt 20 tỷ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp; ngành DL cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm DL có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực…

Ông Hoàng Nhân Chính

Ông Hoàng Nhân Chính

Nếu chúng ta chỉ chú trọng phát triển số lượng quá nóng thì có thể dẫn tới tình trạng chưa bám sát mục tiêu tăng trưởng và tăng trưởng của du lịch Việt Nam trở nên thiếu bền vững. Chẳng hạn, với thực tế hiện nay, việc tăng trưởng nóng của thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ bảo đảm tăng trưởng du lịch về số lượng, nhưng không bảo đảm về chất lượng. Với việc tăng trưởng quá nhanh có thể gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng (khách sạn, sân bay…) và nguồn nhân lực du lịch còn đang thiếu, chưa đáp ứng đủ và tốt cho nhu cầu; làm quá tải sức chứa tại các điểm đến, có thể làm giảm chất lượng dịch vụ DL. Ngoài ra, các thị trường này vẫn diễn ra tình trạng người nước ngoài nhập cảnh để kinh doanh lữ hành và làm hướng dẫn viên trái phép…

Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội là một trong những điểm đến được nhiều du khách quốc tế ưa thích. Ảnh: Lan Dịu.

Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội là một trong những điểm đến được nhiều du khách quốc tế ưa thích. Ảnh: Lan Dịu.

PV: Vậy theo ông, Việt Nam nên làm gì để ưu tiên phát triển du lịch bền vững?

Ông Hoàng Nhân Chính: Để tăng trưởng khách DL nhanh và bền vững, tôi cho rằng chúng ta nên tiến hành cả những biện pháp ngắn hạn và dài hạn. Để tránh trường hợp xuất hiện thị trường chi phối (vượt quá 25% thị phần du lịch Việt Nam), chúng ta không nên hạn chế phát triển thị trường nào nhưng cũng cần thúc đẩy để những thị trường khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày phát triển nhanh. Chúng ta có thể ưu tiên phát triển các thị trường có mức chi tiêu bình quân lượt khách hơn 1.300USD, cụ thể là thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, New Zealand và Nga. Phấn đấu mức tăng trưởng hằng năm của các thị trường này hơn 20%. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tập trung xúc tiến quảng bá tại các thị trường ưu tiên phát triển; ổn định chính sách miễn visa cho các nước Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga trong 5 năm và cần tăng lên 30 ngày thay vì 15 ngày như hiện nay; mở rộng chính sách miễn visa, ưu tiên thực hiện trước mắt cho các nước: Canada, Autralia và New Zealand; đồng thời mở rộng danh sách được cấp visa điện tử cho các nước: Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ và Ấn Độ…

Ngoài ra, Chính phủ cần có ưu tiên mục tiêu đạt mức tăng trưởng đóng góp của ngành DL hơn 12% mà không quá coi trọng mục tiêu tăng trưởng số lượng khách đạt 30%. Chúng ta cũng cần bảo đảm Quỹ phát xúc tiến DL mỗi năm hơn 200 tỷ đồng để hoạt động quảng bá xúc tiến DL thực sự ấn tượng, hiệu quả.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!
HUY AN (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/khong-nen-de-du-lich-phat-trien-nhanh-ma-thieu-ben-vung-525625