'Không nên dùng từ phong sát với nghệ sĩ Việt'
Tọa đàm 'Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ - Likeday' diễn ra chiều 19/4, diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang là một trong những quốc gia có chỉ số thấp nhất về mức độ văn minh trên không gian mạng.
Tọa đàm Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ - Likeday diễn ra trong bối cảnh mạng xã hội đang chi phối, tác động lớn tới tâm lý và hành vi của người dùng.
Nhà tổ chức mong muốn lan tỏa thông điệp chung tay xây dựng văn hóa ứng xử đẹp, thanh lịch trên không gian mạng xã hội. Theo khảo sát mới được công bố của Microsoft, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số thấp nhất về văn minh trên không gian mạng (DCI).
Kết quả này được Microsoft công bố nhân ngày quốc tế An toàn Internet. Những thông tin xấu độc được lan truyền để câu view, câu like bất chấp mọi thủ đoạn khiến không gian mạng ở Việt Nam trở nên xấu xí.
Giám đốc Trung tâm tổ chức biểu diễn nghệ thuật và sự kiện văn hóa tại Nhà hát Lớn Hà Nội Chu Anh Hùng khẳng định tọa đàm lần này mở đầu cho việc đánh giá thực trạng, từ đó tìm ra giải pháp, sáng kiến nội dung phù hợp tuyên truyền lối ứng xử đẹp, văn minh, thanh lịch trên không gian mạng.
Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam GS.TS Từ Thị Loan cho biết nghệ sĩ và giới trẻ là hai đối tượng quan trọng trên không gian mạng.
"Nghệ sĩ là người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng. Mỗi phát ngôn, hình ảnh của họ tác động tới khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Giới trẻ lại chiếm số đông người dùng trên mạng xã hội, có sự cởi mở, năng động, hướng ngoại", GS.TS Từ Thị Loan chia sẻ.
Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của việc lan tỏa giá trị tích cực trên không gian mạng để lấn át nội dung xấu độc. GS.TS Từ Thị Loan cho biết các hội nhóm hoạt động xã hội như bảo vệ môi trường, từ thiện nhân đạo... cần được nhân rộng.
Tọa đàm Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ - Likeday cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của chuyên gia văn hóa, các nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng và học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn thành phố. Phần đông khách mời đồng tình với những biện pháp xử lý nghiêm, kịp thời từ cơ quan nhà nước để dọn "rác" trên không gian mạng.
Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết Cục Nghệ thuật biểu diễn đang làm việc với các bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để đưa ra quy chế phối hợp nhằm giảm tác động tiêu cực của các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.
“Biện pháp quản lý nhà nước chắc chắn có. Chúng tôi đang xin ý kiến, phối hợp các bộ, ngành khác, sau đó sẽ trình lãnh đạo Bộ Văn hóa phê duyệt”, ông Trần Hướng Dương nêu.
Về hình thức xử lý được công chúng nhắc đến như phong sát, cấm sóng, ông Trần Hướng Dương cho rằng dùng những từ ngữ này chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam.
“Nếu ứng xử của cá nhân gây tác động lớn, biện pháp áp dụng có thể là hạn chế hoạt động, thậm chí mạnh tay nữa. Cơ quan quản lý đang đề xuất các giải pháp, cân nhắc việc giảm sức ảnh hưởng nếu nghệ sĩ vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục…”, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn chia sẻ.
Ông Trần Hướng Dương khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ, với một mục yêu cầu riêng về cách hành xử trên không gian mạng.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khong-nen-dung-tu-phong-sat-voi-nghe-si-viet-post1527526.tpo