Không nên xử lưu động vụ nữ sinh giao gà bị sát hại

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 26-12, vụ án nữ sinh giao gà bị cưỡng bức rồi sát hại dã man sẽ được TAND tỉnh Điện Biên xét xử lưu động tại sân vận động TP Điện Biên Phủ.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên xử lưu động vụ án này vì hành vi phạm tội quá dã man và có thể tạo tác dụng ngược.

Theo luật sư (LS) Lê Doãn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), theo Điều 31 Hiến pháp 2013 thì người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Tức là khi một bị cáo bị đưa ra xét xử thì họ chưa có tội. Việc xét xử lưu động khiến nhiều người ngầm hiểu là họ đã phạm tội và như là một hình thức kết án trước cộng đồng. Đó là chưa kể nếu tòa sơ thẩm kết án nhưng cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên bị cáo không phạm tội thì sao?

Đồng tình, ông Võ Văn Thêm (nguyên Phó Viện trưởng VKSND Cấp cao TP.HCM) cho rằng không nên đưa vụ án này ra xét xử lưu động. Bởi mang vụ án nghiêm trọng, mang tính chất man rợ, nhiều tình tiết ly kỳ ra xét xử lưu động không đảm bảo được tính răn đe, giáo dục. Phiên xử lưu động sẽ có nhiều thanh thiếu niên, giới trẻ tham gia do hiếu kỳ thì có khi lại tác dụng ngược. Để phổ biến giáo dục, tuyên truyền pháp luật, răn đe, phòng ngừa chung có nhiều cách.

Chín bị cáo trong vụ án từng gây rúng động dư luận tại Điện Biên. Ảnh: TP

Chín bị cáo trong vụ án từng gây rúng động dư luận tại Điện Biên. Ảnh: TP

Vụ án này bên cạnh những yếu tố giết người man rợ thì hành vi hãm hiếp nữ sinh mang tính chất đồi trụy, khi xét xử lưu động sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của người trẻ, có thể bị tiêm nhiễm từ những chi tiết của vụ án. Vì vậy tòa có thể xét xử tại trụ sở đã đủ đảm bảo tính minh bạch, công khai.

LS Nguyễn Đức Thắng Ý, Đoàn LS TP.HCM, nói: “Nếu mục đích của xử lưu động là tuyên truyền pháp luật, giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung thì cũng cần xét cả mặt trái của nó. Với người dự phiên tòa, trong quá trình xét xử, nhất là phần xét hỏi họ phải chứng kiến, nghe thuật lại diễn biến vụ án. Trong khi vụ này có đến sáu tội danh, trong đó có tội giết người, hiếp dâm, hành vi phạm tội rất tàn nhẫn, dã man”.

Việc nghe thuật lại các hành vi ghê rợn này vô tình trình diễn lại tội ác, có khả năng gây tác dụng ngược là lưu vào bộ nhớ của kẻ phạm tội tiềm ẩn, những đối tượng hình sự về các phương thức, thủ đoạn phạm tội. Dù cho trong vụ án này bị hại đã chết nhưng việc phơi bày những lời khai man rợn làm tăng thêm nỗi đau đối với gia đình của nạn nhân.

Cạnh đó, việc xét xử lưu động ngoài việc phải chịu hình phạt theo quy định thì họ còn phải chịu sức ép nặng nề trước cộng đồng. Nếu bị cáo bị kết án tù thì sau khi thi hành xong khả năng hòa nhập cộng đồng cũng khó hơn.

Ngoài ra, vụ án này là đặc biệt nghiêm trọng, nhiều bị cáo và nhiều tội phạm, tính chất rất phức tạp. Quá trình xét xử có thể phát sinh những tình tiết buộc HĐXX phải hoãn để thu thập chứng cứ hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung. Điều này vô tình làm cho vụ án kéo dài và mất nhiều thời gian, công sức để xét xử lưu động lại.

Lý do xử lưu động của tòa Điện Biên

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 13-12, ông Phạm Văn Nam, Chánh án TAND tỉnh Điện Biên, đã lý giải về quyết định xử lưu động vụ án này. Theo ông Nam, thứ nhất là do hội trường xét xử của TAND tỉnh hạn chế, khó đáp ứng đủ cho số lượng lớn người dân và PV tới theo dõi, đưa tin. Thứ hai là việc xét xử lưu động vụ án sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật tới nhân dân.

Theo dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 26 đến 28-12 và đích thân ông Nam ngồi ghế chủ tọa phiên xử.

YẾN CHÂU - MINH VƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/khong-nen-xu-luu-dong-vu-nu-sinh-giao-ga-bi-sat-hai-877813.html