Không ngại khó vươn lên trong cuộc sống

Đã hơn hai mươi năm, chị Nguyễn Thị Ích sinh sống, lập nghiệp tại ấp Phước Hội, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu. Với chị, vùng đất này là quê hương thứ hai, gắn bó máu thịt.

Chị Ích luôn vui vẻ làm việc.

Chị Ích luôn vui vẻ làm việc.

Chị Ích nhớ lại, năm 2000, cả gia đình chị có 6 người từ An Giang lên Tây Ninh lập nghiệp. “Cả gia đình tôi để lại đất đai, ruộng vườn cho người thân, lên Tây Ninh lập nghiệp. Lúc đó, vợ chồng chỉ còn trong tay hơn 50.000 đồng. Cả nhà xin ở nhờ trong căn nhà nhỏ của người quen, đi làm thuê kiếm sống”- chị Ích nói.

Để nuôi con, chị Ích cùng chồng nhận làm bất cứ việc gì- từ làm cỏ, nhổ mì, chặt mía. Không có xe máy, vợ chồng chị chở nhau bằng chiếc xe đạp để đi làm cỏ trong Lòng Hồ. “Hai vợ chồng chở nhau bằng xe đạp đi làm thuê tận Bến Quỷnh, gặp hôm gió ngược là mệt rã rời”. Cuộc sống vất vả, vợ chồng chị Ích để lại con nhỏ nhờ người quen chăm sóc, cùng nhau đi ở đợ, làm thuê từ Tây Ninh rồi qua tận Bình Dương, Bình Phước.

Sau tám tháng xa nhà, nhớ con không chịu được, anh chị trở về ấp Phước Hội, xã Suối Đá. Có lần đi làm, chị Ích bị tai nạn khiến đôi chân trở nên yếu ớt, phải chuyển sang buôn bán, không còn làm thuê nổi. “Tôi bán đủ món, hột vịt, cá khô rồi trái cây, hoa quả. Không ít lần thất bại nhưng tôi luôn kiên trì, món này không bán được thì mình bán món khác”- chị Ích nhớ lại. Thời điểm đó, chị Ích làm việc quần quật mỗi ngày, không có thời gian nghỉ ngơi. Thiếu vốn buôn bán, để có tiền lo cho gia đình, nhiều lần chị vay cả tiền nóng lãi suất cao.

Trong cảnh khó khăn, thiếu thốn, chị đã gặp được “phao cứu sinh”. Đến giờ, khi nhớ lại, chị Ích vẫn còn rất xúc động: “Nếu gặp các chị ở Hội Phụ nữ sớm hơn thì cuộc sống của tôi đã đỡ khổ lâu rồi”. Thấu hiểu hoàn cảnh của chị Ích, Hội LHPN xã Suối Đá hướng dẫn chị vay vốn ưu đãi để chị dần cải thiện cuộc sống. Nhờ những nguồn vốn hỗ trợ lãi suất thấp, chị Ích buôn bán có lãi hơn, trả dần những khoản nợ lãi suất cao. Chị nói: “Đến giờ vẫn còn nợ nhưng đỡ vất vả hơn trước đây rất nhiều, tôi có thời gian nghỉ ngơi chứ không làm việc suốt ngày như trước đây nữa”.

Cuộc sống dần ổn định, chị Ích để lại sạp bán trái cây tại chợ huyện cho con gái, còn mình thì đi bán hàng lưu động trên địa bàn xã. Chị Ích bắt đầu làm việc lúc 2 giờ sáng, ra chợ Long Hoa lấy trái cây rồi về bán tới 12 giờ trưa lại về nhà nghỉ ngơi. Những ngày rằm hay cuối tháng âm lịch sẽ bán suốt ngày vì thêm hoa, quả phục vụ nhu cầu của người dân.

Chân ướt chân ráo lên Tây Ninh sinh sống, trong cảnh khổ, vợ chồng chị Ích chỉ ước một căn nhà nhỏ để cả gia đình trú ngụ. Nhưng đến hiện tại, nhờ cần cù, chị đã có đất, cất được căn nhà to đẹp hơn rất nhiều so với ước muốn ban đầu.

Khi cuộc sống đỡ vất vả, chị bắt đầu để ý đến những hoàn cảnh xung quanh. Người nào quá khó khăn, chị sẵn sàng giúp họ. Đó có thể là mớ rau, vài trăm ngàn đồng đến hàng triệu đồng. Chị nói: “Vì tôi từng khóc rất nhiều khi rơi mất số vốn ít ỏi dành dụm để buôn bán nên thấy chị em khó khăn là giúp ngay”. Chị Ích còn tích cực đóng góp cho các hoạt động của Hội Phụ nữ. Chị chia sẻ: “Khi tôi gặp khó khăn, các chị ở Hội Phụ nữ và bạn bè đã hết lòng giúp đỡ. Vì mình cũng trải qua cảnh khổ, thấy người khác khổ là không chịu được”.

Theo chị Ích, giúp người gặp hoàn cảnh khó khăn là cách chị bày tỏ lòng cảm ơn với những người đã sẵn lòng giúp mình. Năm trước, khi xã Suối Đá bùng phát dịch Covid-19, chị Ích đã hỗ trợ rau củ quả cho những hộ dân trong vùng cách ly.

Chị Châu Thị Ngọc Hoa- Chủ tịch Hội LHPN xã Suối Đá nhận xét: chị Ích là một tấm gương vượt khó điển hình tại địa phương. Từ những nguồn vốn được Hội hỗ trợ để buôn bán, chăn nuôi, chị Ích đã cải thiện kinh tế gia đình và thoát nghèo bền vững. Không những vậy, chị Ích rất tích cực trong các hoạt động thiện nguyện, chia sẻ với những người còn khó khăn tại địa phương.

Ngô Tuyết

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/khong-ngai-kho-vuon-len-trong-cuoc-song-a150711.html