'Không nghĩ' về cách dùng cưa máy tạo hình mâm gỗ của họa sĩ Bùi Đức
Mang thông điệp 'Đừng nghĩ gì cả, hãy cứ lắng nghe từng cung bậc cảm xúc', nhưng khi đặt chân tới triển lãm điêu khắc của họa sĩ Bùi Đức, người xem sẽ phải nghĩ rất nhiều. Bởi tác giả đã ngẫm nghĩ, suy tư trước đó, để khi sáng tạo, tất cả dồn lại chỉ còn là nghệ thuật, là điêu khắc mà thôi.
Vốn là họa sĩ sơn mài, tốt nghiệp loại Xuất sắc trường Đại học Mĩ thuật Việt Nam năm 2003, họa sĩ Bùi Đức đã từng được Chính phủ Singapore mời tham dự triển lãm hội họa quốc tế Singapore năm 2007. Anh là họa sĩ sớm thành danh với các bức tranh về thiên nhiên vùng cao, về cuộc sống của các dân tộc thiểu số ở Sa Pa.
Năm 2015, anh rời xa Hà Nội, một mình lên Sa Pa sinh sống, dựng một nếp nhà sàn cheo leo bên sườn núi, gọi là Thuyền Mây. Từ đây, Bùi Đức lang thang khắp các bản làng Sa Pa, say đắm thiên nhiên, cuộc sống và con người, nhận ra cái đẹp của đời sống đồng bào, cái đẹp của những nông cụ mà họ từng sử dụng.
Và hành trình từ nghệ sĩ sơn mài sang nghệ sĩ điêu khắc của họa sĩ Bùi Đức cũng thật tự nhiên. Năm tháng sống ở vùng cao Tây Bắc, hòa vào đời sống của con người nơi đây, Bùi Đức chứng kiến được câu chuyện về sự biến đổi. Những chiếc mâm gỗ quen thuộc trước kia bây giờ đã được thay thế bằng mâm nhôm. Chiếc bễ thổi lò rèn ngày xưa là vật quý của làng bản thì nay được thay bằng quạt máy... Những đồ vật mang nhiều ký ức, đồng bào dân tộc bỏ đi, anh cứ lầm lũi đi nhặt nhạnh, coi như báu vật.
Ban đầu, anh thu lượm về bảo quản, trưng bày, chỉ sợ động vào làm hỏng, mất đi câu chuyện của nó. Nhưng rồi, đến một lúc, anh không còn sợ nữa, khi nghĩ ra hướng làm thế nào để nâng niu nó mà không phá hủy nó, làm cho nó có một tâm thế mới mà vẫn giữ được hồn cốt của thời gian, của đời người.
Và thế là, Bùi Đức bắt tay vào làm điêu khắc với loạt phù điêu chân dung. Cách anh tạo nên những tác phẩm điêu khắc cũng thật khác người, đó là làm bằng cưa máy. Thay vì tỉ mỉ đục đẽo, Bùi Đức đã làm điêu khắc một cách thần tốc, để kịp đuổi theo cảm xúc, cho dù cách làm này khá nguy hiểm và đã từng gây thương tích cho tác giả.
Hơn 70 tác phẩm được thực hiện trong một năm. Chỉ mấy ngày trước khi triển lãm, anh đã quyết định hoàn thiện công đoạn cuối cùng bằng cách dùng lửa “chém” lên các hình diện phù điêu, tạo thêm những mảng tối trầm, lỗ trỗ, cũ kỹ...
Các tấm phù điêu khắc họa những gương mặt vừa lạ vừa quen. Bùi Đức chia sẻ rằng, tất cả đều từ gương mặt của những người mà anh từng gặp đâu đó trên đời, nhưng khi sáng tác, anh không nghĩ rằng mình đang khắc họa cụ thể một ai. "Mọi cố gắng của mỗi cá nhân để trở thành ai đó đều vô nghĩa bởi vì tâm trí có cách riêng để tái hiện hình ảnh cho những ký ức đọng lại". Và Bùi Đức đã thực hiện các tác phẩm của mình theo cách đó. Với anh, điều sung sướng nhất của việc sáng tạo là không nghĩ tới thị hiếu hay mong muốn của số đông. Chỉ khi gạt bỏ được suy nghĩ, người nghệ sỹ mới thật sự tự do và có thể nuông chiều cảm xúc của mình.
Họa sĩ Phạm Huy Hùng nhận xét, các chân dung có hình thù vẹo vọ, tỷ lệ sai lệch, xộc xệch... Nó bắt trúng cái động để đưa ra biểu hiện cảm xúc với những khuôn mặt đang biến chuyển hết sức tự nhiên. Những chân dung động này vừa tôn vinh, vừa hòa nhịp, lại lấy được nguồn sống mãnh liệt qua thời gian của những công cụ lao động, để tập hợp, tạo nên sức sống mới. Ở đây ta bắt gặp Bùi Đức gần với những câu chuyện cổ tích, hay trường ca”.
Triển lãm điêu khắc "Không nghĩ" được trưng bày tại 31 Văn Miếu từ nay đến hết ngày 10/11