Không ngừng đổi mới trong giáo dục đại học

Những năm gần đây, các trường đại học, cao đẳng không ngừng đầu tư, đổi mới phương pháp dạy và học. Từ đó, các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng đào tạo theo định hướng nghiên cứu - đổi mới sáng tạo gắn với sứ mệnh phục vụ cộng đồng.

Sinh viên Trường đại học Phú Yên tham gia chuyến trao đổi học thuật tại Nhật Bản. Ảnh: CTV

Sinh viên Trường đại học Phú Yên tham gia chuyến trao đổi học thuật tại Nhật Bản. Ảnh: CTV

Chủ động cải tiến

Nhằm đưa ra các giải pháp để xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, Trường đại học Xây dựng Miền Trung vừa tổ chức hội nghị Nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra năm học 2023-2024.

Đây là diễn đàn để giảng viên các khoa tham gia trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển chương trình đào tạo, khai thác và nghiên cứu từ nhiều góc độ khác nhau. Nhiều giảng viên đã nêu lên thực trạng và đề xuất các giải pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá theo hướng đáp ứng chuẩn đầu ra trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục đại học một cách phù hợp nhất.

Điển hình như tham luận Đổi mới sáng tạo trong phương pháp giảng dạy của ThS Bùi Thị Thanh Mai (Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng), tham luận Đối sánh kết quả học tập của sinh viên kiến trúc và một số giải pháp cải tiến cách đánh giá điểm các học phần đồ án của ThS Ngô Đức Quý (Khoa Kiến trúc)…

TS Phan Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung cho biết: Nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng chuẩn đầu ra là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các trường đại học khi thực hiện các chương trình đào tạo.

Một trong những hoạt động đào tạo vô cùng quan trọng mà nhà trường đang đổi mới mạnh mẽ đó là thực hành trải nghiệm nghề nghiệp, hướng tới tiệm cận với thực tiễn công việc. Đây cũng là cơ hội để nhà trường đẩy mạnh hơn nữa mối liên hệ gắn kết chặt chẽ với các đơn vị - nơi đã, đang và sẽ sử dụng sản phẩm đào tạo của nhà trường.

Để đáp ứng nhu cầu đào tạo, Trường đại học Phú Yên cũng không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cũng như trang bị cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Theo TS Trần Lăng, Hiệu trưởng nhà trường, đổi mới giáo dục đại học được nhà trường thực hiện xuyên suốt trong quá trình đào tạo. Đội ngũ giảng viên phải là người đồng hành, hướng dẫn cũng như khuyến khích tinh thần sáng tạo trong sinh viên.

Các hoạt động dạy, học và thực hành, thực tập luôn được nhà trường quan tâm từ khâu xây dựng kế hoạch, triển khai, theo dõi và đánh giá kết quả; từng bước chuyển từ quản lý chất lượng đầu vào sang quản lý chặt chẽ chất lượng đầu ra.

Ngay từ năm 1, nhà trường đã tổ chức để sinh viên đi tham quan thực tế, tìm hiểu môi trường làm việc tại một số doanh nghiệp đã được ký kết hợp tác; nhất là các doanh nghiệp đã được UBND tỉnh tạo cơ hội xúc tiến đầu tư, mở rộng sản xuất theo định hướng chung của tỉnh.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Năm 2024 là năm thứ 3 liên tiếp tất cả cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng triển khai đăng ký xét tuyển trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh chung. Các khâu từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển đến nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học đều được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh.

Hơn 2 tuần nay, Trường đại học Phú Yên cũng đã mở hệ thống tư vấn tuyển sinh trực tuyến. Thí sinh chỉ cần truy cập vào fanpage tuyển sinh của nhà trường là có thể đặt các câu hỏi về chỉ tiêu các ngành tuyển sinh, hình thức tuyển sinh… và được đội ngũ giảng viên trực tiếp trả lời.

Không chỉ trong tuyển sinh, dạy và học, công nghệ thông tin cũng được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều hoạt động, nhất là tại các hội thảo khoa học, tọa đàm…

Theo TS Đoàn Thị Như Hoa, giảng viên Khoa Du lịch Trường đại học Phú Yên, càng ngày công nghệ càng được ứng dụng mạnh mẽ trong môi trường giáo dục. Việc giảng viên và sinh viên sử dụng hệ thống MS Teams, Google Meet, tương tác trên Zoom, Zalo… đã trở nên quen thuộc. Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng 4.0, các cơ sở giáo dục, đặc biệt là cấp đại học bắt buộc phải có những thay đổi và chuyển từ đào tạo tiếp cận nội dung sang đào tạo tiếp cận năng lực.

Thực tế cho thấy, để có thể hòa nhập và thành công trong thời đại 4.0, ngoài trình độ chuyên môn, sinh viên cần trang bị những kỹ năng thiết yếu khác; không chỉ hình thành tư duy sáng tạo, kỹ năng giao tiếp mà còn sử dụng thành thạo các phần mềm về công nghệ thông tin.

Ban tổ chức trao giải nhất cuộc thi Thiết kế mô hình kết cấu dành cho học sinh, sinh viên tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung. Ảnh: NHƯ THANH

TS Phan Văn Huệ cho biết: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Nhiều năm nay, nhà trường nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, đào tạo, quản lý khoa học… để đem đến lợi ích tối ưu cho người dạy và người học trong thời đại 4.0.

Hiện nay, gần như trường không còn sử dụng văn bản giấy (trừ hồ sơ lưu trữ theo quy định); việc quản lý hồ sơ của học sinh, sinh viên đã được số hóa song song với lưu trữ truyền thống. Các khoa chuyên môn đều triển khai các phần mềm tổ chức biên soạn, thành lập ngân hàng đề thi, giáo án điện tử.

Hướng đến chuẩn cơ sở giáo dục đại học

Đầu năm 2024, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Đây là cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới; đánh giá, giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng và việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học gồm 6 tiêu chuẩn, 20 tiêu chí. Trong đó, đội ngũ giảng viên của các cơ sở phải đáp ứng yêu cầu về số lượng, trình độ và quỹ thời gian để bảo đảm chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.

Trường đại học có khuôn viên, cơ sở vật chất, hệ thống thông tin và học liệu đáp ứng yêu cầu chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Số học phần sẵn sàng giảng dạy trực tuyến chiếm ít nhất 10% tổng số học phần giảng dạy trong năm…

Theo TS Trần Lăng, thực hiện Thông tư 01, nhà trường tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học được ban hành. Để đáp ứng nhu cầu của xã hội, chương trình đào tạo của nhà trường được đổi mới bao hàm những kiến thức thực tế để khi sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu công việc.

Hiện nay, trường đã được đầu tư hệ thống giảng đường, lớp học, phòng thực hành… khang trang, hiện đại. Ngoài hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối bài bản, nhà trường tập trung bồi dưỡng cán bộ giảng viên có trình độ chuẩn hoặc trên chuẩn, đáp ứng theo Thông tư 01 của Bộ GD&ĐT.

Nhấn mạnh về vai trò của bộ chuẩn cơ sở giáo dục đại học, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, các tiêu chí của bộ chuẩn mang tính đại diện khá đầy đủ cho các lĩnh vực, kết quả hoạt động cốt yếu của các trường đại học. Các chỉ số mang tính định lượng cao, khá đơn giản trong việc tính toán, giám sát, theo dõi, thực hiện.

Đổi mới giáo dục đại học được nhà trường thực hiện xuyên suốt trong quá trình đào tạo. Đội ngũ giảng viên phải là người đồng hành, hướng dẫn cũng như khuyến khích tinh thần sáng tạo trong sinh viên. Các hoạt động dạy, học và thực hành, thực tập luôn được nhà trường quan tâm từ khâu xây dựng kế hoạch, triển khai, theo dõi và đánh giá kết quả; từng bước chuyển từ quản lý chất lượng đầu vào sang quản lý chặt chẽ chất lượng đầu ra.

TS Trần Lăng, Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên

Với Thông tư 01, Bộ GD&ĐT mong muốn các cơ sở giáo dục sẽ thực hiện việc cải tiến liên tục để đảm bảo các yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng, tạo được sự cạnh tranh lành mạnh cho các cơ sở giáo dục đại học và nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường đối với các bên liên quan, góp phần nâng cao chất lượng và trách nhiệm xã hội đối với hệ thống giáo dục đại học.

NHƯ THANH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/317159/khong-ngung-doi-moi-trong-giao-duc-dai-hoc.html