Không ngừng làm mới mình để phục vụ khán giả

Hàng năm, cứ đến ngày 12/8 âm lịch, giới nghệ sĩ có nhiều hoạt động nhằm tưởng nhớ các bậc tiền bối, còn gọi là Giỗ tổ sân khấu. Đây là dịp để các nghệ sĩ tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân sáng tạo nên loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo.

Giỗ tổ sân khấu là dịp để các nghệ sĩ tỏ lòng biết ơn bậc tiền nhân (Trong ảnh: Một tiết mục do Nghệ sĩ ưu tú Hồ Ngọc Trinh biểu diễn trong buổi họp mặt kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam)

Giỗ tổ sân khấu là dịp để các nghệ sĩ tỏ lòng biết ơn bậc tiền nhân (Trong ảnh: Một tiết mục do Nghệ sĩ ưu tú Hồ Ngọc Trinh biểu diễn trong buổi họp mặt kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam)

Gắn bó với nghề

Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An có biết bao thế hệ NS gắn bó với nghề. Những cái tên như Đoàn Dự, Ánh Hồng, Mỹ Thu, Nguyên Tâm, Tuyết Ngân, Hồ Ngọc Trinh,... đã góp phần làm nên sân khấu cải lương tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung một thời huy hoàng.

Nghệ sĩ ưu tú Nguyên Tâm

Nghệ sĩ ưu tú Nguyên Tâm

Gắn bó với nghề 26 năm, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Nguyên Tâm trải qua những bước thăng trầm cùng nghệ thuật cải lương. Anh chia sẻ: “Tôi đã dành trọn tuổi thanh xuân của mình tại Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, trải qua thời hoàng kim của sân khấu, giai đoạn mà chỉ cần sân khấu sáng đèn là khán giả đến xếp hàng mua vé xem chật kín cả rạp và tôi cũng là lớp NS trải qua giai đoạn được xem là thoái trào của sân khấu cải lương nói riêng và nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống nói chung nhưng chưa bao giờ hối hận về sự lựa chọn của mình. Chúng tôi được Tổ nghiệp thương thì phải cống hiến hết mình, đã là “kiếp tằm” thì phải “nhả tơ””.

Để tìm lại “nhịp thở” vốn có của đời sống cải lương, các NS chủ động kết hợp với tác giả, đạo diễn để cải lương đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ. Nhiều năm qua, cải lương Long An được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Hàng năm, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An biểu diễn phục vụ tại vùng sâu, vùng xa, biên giới trong tỉnh, kết nghĩa giao lưu, trao đổi nghệ thuật với các đơn vị nghệ thuật tỉnh bạn,... nhằm mang đến cho khán giả những chương trình đa dạng về màu sắc, phong phú về nội dung.

Đoàn tích cực tham gia hầu hết các đợt Liên hoan Cải lương toàn quốc, Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc,... đoạt nhiều giải thưởng cao và phối hợp đăng cai tổ chức thành công Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018. Ngoài ra, hàng tháng, đoàn còn phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình tổ chức các chương trình truyền hình trực tiếp thu hút đông đảo khán giả.

NS Nguyên Tâm cho biết thêm: “Lứa NS chúng tôi rất phấn khởi vì luôn được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện tốt để NS an tâm làm nghề, cống hiến hết mình vì nghệ thuật. Tuy nhiên, có một điều đau đáu của bao lớp NS là chế độ dành cho NS hiện nay còn quá thấp, với mức lương căn bản cùng với phụ cấp mỗi suất diễn chỉ gần 200.000 đồng thì NS rất khó bám trụ với nghề. Một số NSƯT gắn bó cả đời với sân khấu, nhưng khi về già, thậm chí có người đã mất, vẫn không có được một mái nhà. Tình yêu nghề sẵn có, lòng nhiệt huyết không thiếu nhưng NS trẻ vẫn chưa thật sự an tâm khi gắn bó với nghề”.

Tiết mục biểu diễn của Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết trong buổi họp mặt kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam

Tiết mục biểu diễn của Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết trong buổi họp mặt kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam

Không ngừng làm mới mình

NS trẻ Nguyễn Thị Thu Mỹ (nghệ danh Thu Mỹ) cho hay: “Hiện nay, người dân có thể lựa chọn nhiều chương trình giải trí khác nhau. So với các loại hình giải trí khác, đờn ca tài tử, sân khấu cải lương gặp không ít khó khăn”.

Nghệ sĩ ưu tú, Trưởng đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An - Hồ Ngọc Trinh

Nghệ sĩ ưu tú, Trưởng đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An - Hồ Ngọc Trinh

NSƯT, Trưởng đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An - Hồ Ngọc Trinh chia sẻ: “Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An là nơi đầu tiên mở “cánh cửa” đón tôi đến với sân khấu cải lương. Tại đây, tôi có những người thầy đầu tiên tận tình hướng dẫn. Tôi nghĩ, NS phải không ngừng học hỏi, biết làm mới mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả. Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An luôn xác định, đời sống nghệ thuật không thể chỉ trông chờ vào những suất diễn được phân bổ hàng năm và câu chuyện bán vé trước mỗi buổi diễn như xưa giờ cũng không còn hiệu quả. Anh em NS chủ động tìm hợp đồng và huy động mọi nguồn lực xã hội để dựng vở mới. Hiện nay, vẫn còn rất nhiều khán giả yêu thích cải lương nhưng nhu cầu thưởng thức của khán giả ở từng địa phương không giống nhau. Nếu chỉ dựng vở theo chỉ tiêu hàng năm rồi mang đi lưu diễn thì khả năng thất bại rất cao. Khán giả đang có rất nhiều lựa chọn khác, ngoài cải lương. Diễn miễn phí mà khán giả không thích, họ cũng không xem và đoàn cũng không còn cơ hội quay lại điểm diễn đó lần sau nữa”.

Có lẽ, điều đặc biệt khiến NSƯT Hồ Ngọc Trinh ngày càng được mọi người yêu mến đó là lâu nay, dù đã là một NS nổi tiếng có mức cát-sê cao, được mời tham gia nhiều chương trình tại TP.HCM nhưng chị vẫn không rời xa Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, “cái nôi” đã nâng đỡ chị trong những bước đi đầu tiên và giúp chị trưởng thành, có được những kết quả như hiện tại. Chị luôn đi về như con thoi giữa Long An - TP.HCM như một cách tri ân khán giả tỉnh nhà và mở rộng những cơ hội làm việc mới.

Trong khi đời sống hiện nay xuất hiện nhiều loại hình giải trí khác nhau, các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống phải cạnh tranh với cái nhanh, cái gấp của thời đại để vừa gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa và những giá trị truyền thống. Chính những người NS gắn bó với nghề, với mảnh đất Long An đã góp một phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị ấy.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thị Thủy cho biết: “Không phải tất cả mọi người đều quay lưng lại với sân khấu cải lương. Hiện sân khấu vẫn còn một lượng khán giả nhất định. Sau một thời gian trầm lắng, sân khấu cải lương đang trên đà hồi phục. Vì vậy, nếu những NS, những người làm nghề luôn tâm huyết đưa sân khấu cải lương đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, tôi tin, khán giả sẵn sàng chung tay cùng những người làm nghề giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của nghệ thuật cải lương”./.

Thắp hương tưởng niệm Tổ nghiệp ngành sân khấu

Thắp hương tưởng niệm Tổ nghiệp ngành sân khấu

Họp mặt kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam

Ngày 09/9/2019, tại Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An diễn ra buổi Họp mặt kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam. Đến dự có Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Trương Văn Nọ; Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Anh Dũng biểu dương thành tích của các đơn vị nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ sân khấu với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ nhu cầu tinh thần và thưởng thức nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân. Đến thời điểm này, Long An có 1 nghệ sĩ nhân dân (NSND), 8 NSƯT và 10 nghệ nhân ưu tú.

Tại lễ kỷ niệm, lãnh đạo tỉnh và các đại biểu được xem nhiều trích đoạn, tiết mục đặc sắc được thể hiện bởi các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An cùng các nghệ sĩ nổi tiếng đến từ TP.HCM gồm Tiến sĩ, NSND Bạch Tuyết; NSND Trọng Hữu; NSƯT Hồ Ngọc Trinh; NS hài Kiều Mai Lý,…

Song Hồng

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/khong-ngung-lam-moi-minh-de-phuc-vu-khan-gia-a81915.html