Không ngừng nâng cao chất lượng dân số

Cán bộ dân số (phải) tư vấn sức khỏe sinh sản cho người lao động làm việc tại một doanh nghiệp - Ảnh: KIM CHI

Ngày 1/7/1989, tỉnh Phú Yên được tái lập. Cùng với việc thành lập các đơn vị hành chính, sự nghiệp cấp tỉnh, UBND tỉnh có quyết định thành lập Ủy ban DS-KHHGĐ tỉnh vào tháng 12/1989 và sau đó Ủy ban DS-KHHGĐ cấp huyện được thành lập.

Năm 2002, tỉnh sáp nhập hai cơ quan Ủy ban DS-KHHGĐ và Ủy ban Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thành Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em. Tháng 4/2008, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em giải thể, chia tách, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số được chuyển về ngành Y tế. Ngày 23/5/2008, Chi cục DS-KHHGĐ được thành lập; Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện, trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ. Đội ngũ cán bộ DS-KHHGĐ cấp xã và cộng tác viên DS-KHHGĐ cơ sở được thành lập từ năm 1993. Đến nay, toàn tỉnh có 112 cán bộ DS-KHHGĐ xã, phường, thị trấn và 1.650 cộng tác viên dân số.

Bền bỉ, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

30 năm qua, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh dù có thay đổi về cơ cấu tổ chức bộ máy, nhưng với sự kiên trì, bền bỉ và quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với một hệ thống giải pháp cụ thể của các cấp ủy đảng, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác DS-KHHGĐ trong tỉnh đạt được nhiều thành tựu đáng kể: tỉ suất sinh từ 36,9%0 (năm 1989) giảm xuống còn 11,5%0 (năm 2018); tương ứng, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ hơn 4 con xuống còn 2,02 con (năm 2018), thấp hơn mức sinh thay thế. Tỉ suất sinh giảm, tuổi thọ ngày càng tăng làm cho tuổi thọ trung bình tỉnh ta tăng lên rõ rệt.

Cách đây 30 năm, tuổi thọ trung bình của người dân Phú Yên chỉ đạt 60 thì năm 2018 đã tăng lên 73,5 tuổi. Công tác DS-KHHGĐ đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Trong giai đoạn 1989-2011, công tác dân số tập trung vào mục tiêu giảm mức sinh, nhanh chóng đưa mức sinh của tỉnh về mức sinh thay thế. Những khó khăn của công tác dân số không chỉ đơn giản như trong khẩu hiệu vận động: “Mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con”.

Để đạt được mục tiêu ấy, bản thân mỗi người dân phải hiểu biết, có ý thức chấp hành cao, tự đấu tranh với những phong tục tập quán, những suy nghĩ lạc hậu tồn tại trong mỗi cá nhân, từng gia đình, họ tộc, từng cộng đồng. Công tác này càng khó khăn hơn ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi đó tư tưởng phong kiến, lạc hậu, gia trưởng, về “con đàn cháu đống”, “phải sinh con trai để nối dõi tông đường”… còn rất nặng nề.

Sau hơn 20 năm tập trung giảm mức sinh với nhiều giải pháp, mô hình như: vận động người dân thực hiện KHHGĐ, giảm nhanh tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên, chăm sóc sức khỏe (CSSK) sinh sản/KHHGĐ…, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được mục tiêu đề ra: Tỉ suất sinh thô giảm còn 13,52%0 năm 2012 (cả nước là 16,08%0), tổng tỉ suất sinh sau tổng điều tra năm 2009 là 1,96 con (cả nước là 2,05 con).

Trong giai đoạn 2011-2015, công tác dân số cả nước nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng đã dần chuyển trọng tâm từ giảm sinh, thực hiện KHHGĐ sang nâng cao chất lượng dân số. Ngày 18/7/2011, UBND tỉnh có Quyết định 1106/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án “Nâng cao chất lượng giống nòi tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2015”. Dự án này bao gồm 5 đề án: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Nâng cao chất lượng dân số của đồng bào dân tộc thiểu số; Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng.

Trong 5 năm triển khai dự án, Phú Yên đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ: Tỉ suất sinh thô giảm từ 13,52%0 năm 2012 xuống 12,66%0 năm 2015; tỉ suất sinh thô giảm bình quân 0,44%0/năm, đạt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm tỉnh giao. Mức sinh dần ổn định, năm 2015 giữ ở mức sinh thay thế 2,05 con. Chất lượng dân số từng bước được nâng cao: Tuổi thọ bình quân của người dân Phú Yên là 71,6 tuổi (năm 2014), suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em dưới 5 tuổi giảm: tỉ lệ SDD cân nặng/tuổi của trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 19,1% năm 2010 xuống còn 15,6% năm 2014, SDD chiều cao/tuổi còn 28,4% năm 2014.

Thực hiện tốt công tác dân số trong tình hình mới

Để tiếp tục triển khai các hoạt động về công tác dân số một cách hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về “Công tác dân số trong tình hình mới” (Nghị quyết 21). Theo đó, chuyển trọng tâm từ KHHGĐ sang dân số và phát triển; công tác vận động phải được cụ thể hóa trong từng khu vực, từng địa phương chứ không theo một khẩu hiệu chung toàn quốc; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng nên có đủ 2 con”, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt, giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, CSSK sinh sản cho vị thành niên/thanh niên, nâng cao chất lượng dân số người đồng bào dân tộc thiểu số, CSSK người cao tuổi… Đó là những vấn đề trọng tâm được đặt ra theo Nghị quyết 21.

Từ năm 2018 đến nay, công tác dân số Phú Yên đã bước sang trang mới với mục tiêu chính: Triển khai toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội; duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển tỉnh nhà nhanh, bền vững.

30 năm qua, có thể nói công tác dân số Phú Yên đã không ngừng phát triển, từ thực hiện thành công việc giảm mức sinh, đang từng bước nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về quy mô và cơ cấu dân số, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng địa phương.

Những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”

Để đạt được những thành tựu trên, cán bộ DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở đã tận tụy, nỗ lực vượt qua khó khăn, nhất là đội ngũ cộng tác viên dân số, đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động tuyên truyền người dân thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Họ là những con người rất đỗi bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Có thể là một chị cán bộ phụ nữ, những bác nông dân, những người tự nguyện làm công tác này một cách nhiệt tình, bằng cả tâm huyết của mình. Nhiều người không quản đường xa, lặn lội đến từng gia đình, đặc biệt là những gia đình có 2-3 con gái để vận động. Thậm chí có nhà phải đến vận động 2-3 lần mới gặp, hoặc vấp phải tư tưởng cố hữu của người chồng, cha mẹ chồng…

Để vận động người dân thực hiện tốt chính sách dân số là cả một câu chuyện dài, không hề đơn giản. Ngoài sự nhiệt tình, các cộng tác viên dân số phải vận dụng kiến thức, kiên trì và bằng uy tín của mình thuyết phục mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Họ là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, với mức thù lao rất khiêm tốn 50.000 đồng/tháng, rồi đến 80.000 đồng/tháng và hiện nay là 150.000 đồng/tháng - phải gọi là một món quà nhỏ thì đúng hơn.

Đó là những người góp phần làm nên thành quả cho công tác dân số tỉnh ta trong thời gian qua. Trong thời gian đến, đội ngũ làm công tác dân số sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa, khắc phục khó khăn, thực hiện tốt các mục tiêu công tác dân số trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ và CSSK nhân dân.

VŨ NGỌC DỮNG

Chi cục trưởng DS-KHHGĐ tỉnh

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/222681/khong-ngung-nang-cao-chat-luong-dan-so.html