Không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Người, trong đó, tư tưởng về chăm lo đời sống Nhân dân vẫn giữ nguyên giá trị. Thực hiện Di chúc của Bác, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn tâm niệm đoàn kết, thống nhất, có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân.

Chăm lo đời sống Nhân dân

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Một câu ngắn gọn, nhưng đã khái quát rất rõ mục đích cao nhất của sự nghiệp cách mạng là mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân, đồng thời, đó cũng là lời căn dặn tâm huyết của Người đối với toàn Đảng và cũng là một trong những nội dung quan trọng nhất. Từ lời dạy của Bác, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua luôn hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Những nghị quyết phù hợp với thực tiễn, đúng nguyện vọng người dân đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng và thực hiện. Từ những nghị quyết của Đảng, người dân đã được thụ hưởng thật sự.

Quang cảnh nông thôn mới thôn Thác Nóng, xã Sơn Nam (Sơn Dương).

Quang cảnh nông thôn mới thôn Thác Nóng, xã Sơn Nam (Sơn Dương).

Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn xuất phát từ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015, đến nay là Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh phê duyệt Đề án về bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021-2025. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các cấp các ngành trong tỉnh đã thực hiện tốt công tác dân vận, tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích trong việc xây dựng đường giao thông nông thôn tích cực tham gia thực hiện. Đã có gần 4.000 km đường bê tông nông thôn, bê tông nội đồng, hàng trăm cây cầu được xây dựng. Những con đường, cây cầu mới đã tạo động lực quan trọng để phát triển nông thôn. Nhiều thôn bản vùng cao vốn trước đây gần như biệt lập với bên ngoài thì nay đã đường lớn thênh thang, ô tô vào tận bản.

Nâng cao đời sống cho nông dân, tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương để nông nghiệp nông thôn theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa. Cụ thể hóa nghị quyết, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ, tiêu biểu là Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết đã giúp người dân chuyển đổi từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang tư duy sản xuất theo chuỗi hàng hóa liên kết, đa giá trị, nâng cao sức cạnh tranh trong sản phẩm. Người dân tích cực thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giá trị trên diện tích đất canh tác được nâng lên, tổ chức sản xuất từng bước được đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả. Toàn tỉnh có 69 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 191 sản phẩm OCOP trên địa bàn 94 xã, phường, thị trấn của 134 chủ thể.

Ông Chu Đức Duyên, thôn Nà Chác, xã Năng Khả (Na Hang) chia sẻ: “Nhờ nông thôn mới mà tất cả đường sá, cầu cống rất đẹp, rất tốt, đời sống của đồng bào ngày càng được nâng cao. Người dân ở đây rất phấn khởi. Những thành quả ngày nay thỏa nguyện ước mơ của người dân. Nhân dân biết ơn Đảng, Nhà nước hỗ trợ tiền của, kỹ thuật, hướng dẫn cho bà con làm kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no”.

Quyết tâm giảm nghèo

Thực hiện Di chúc của Bác không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân trong những năm gần đây, tỉnh Tuyên Quang đã trở thành một điển hình trong công tác giảm nghèo ở khu vực miền núi phía Bắc. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xác định nhiệm vụ giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ đa dạng, từ việc hỗ trợ tài chính, cho vay vốn ưu đãi đến đào tạo nghề và chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người dân. Các chính sách linh hoạt này được thiết kế để phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực và từng hộ gia đình.

Nhờ những nỗ lực không ngừng của chính quyền địa phương và sự đồng lòng của người dân, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc nâng cao đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo, và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Những nỗ lực giảm nghèo không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế mà còn bao trùm cả lĩnh vực văn hóa, xã hội. Các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh được bảo tồn và phát huy trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc. An sinh xã hội được đặc biệt quan tâm với nhiều chính sách như: Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho người nghèo, trợ cấp cho người cao tuổi, bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo, vùng dân tộc thiểu số...

Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 14,03%, hộ cận nghèo là 6,51%. Dự kiến năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 10,95%, bình quân giai đoạn 2022 - 2024 giảm 4,17%/năm, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 trước một năm. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 56 triệu đồng/người/năm, tăng 4,4% so với năm 2022, dự kiến năm 2024 đạt trên 60 triệu đồng/người/năm.

Chị Tráng Thị Dện, thôn Pắc Củng, xã Thượng Nông (Na Hang) chia sẻ: “Bản đồng bào Sán Chỉ mình trước đây nghèo lắm, không có đường, không có điện. Cứ đến kỳ giáp hạt thì cả bản phải chịu cảnh thiếu ăn. Bây giờ thì khác rồi, có điện, có đường, có nhà văn hóa, có lớp học cho trẻ, có kênh mương thủy lợi để phát triển sản xuất. Bà con được học kỹ thuật canh tác, làm ăn thuận lợi, không còn nghèo như trước. Không những vậy, bản còn có cây chè Shan tuyết giúp bà con làm giàu. Đời sống bản mình đã thay đổi nhiều”.

Những kết quả đáng khích lệ từ công tác giảm nghèo là minh chứng cho sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân địa phương trong việc cải thiện cuộc sống. Bộ mặt nông thôn ở các huyện miền núi ngày càng khởi sắc. Từ một tỉnh miền núi, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, cơ sở vật chất nghèo nàn, kết cấu hạ tầng lạc hậu, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn..., đến nay Tuyên Quang đang tự tin phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc

Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang thành kính tưởng nhớ và biết ơn những tình cảm sâu nặng, ân tình và công lao trời biển của Bác. Mỗi người dân Tuyên Quang tự hào về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại, nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện tốt mong muốn của Bác Hồ trong Di chúc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/khong-ngung-nang-cao-doi-song-nhan-dan-197669.html