Không ngừng nâng chất các sản phẩm đạt sao OCOP
Sau khi sản phẩm đạt được sao OCOP, các chủ thể không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và cải tiến bao bì, nhằm đáp ứng ngày càng cao thị hiếu của người tiêu dùng, đưa sản phẩm vươn xa tiếp cận nhiều thị trường.
Dẫn chúng tôi tham quan khu vực sản xuất xá pấu của gia đình, ông Nguyễn Thanh Hòa, xã Trường Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) cho biết: "Tôi sản xuất xá pấu được 10 năm. Nhớ khi đó, trong những lần đi bỏ mối nhu yếu phẩm cho các cửa hàng tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tôi thấy bà con trồng rất nhiều củ cải trắng nhưng đến mùa thu hoạch rộ, đầu ra còn gặp nhiều khó khăn. Thấy nguồn nguyên liệu củ cải trắng dồi dào nên tôi học cách làm củ cải muối (xá pấu). Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm, nên tôi vừa mua củ cải tươi về muối, vừa mua luôn củ cải mà bà con đã muối qua về sơ chế lại bán ra thị trường. Năm 2019, khi hoàn thiện quy trình về cách muối củ cải, tôi tự làm để bán".
Sản phẩm xá pấu đạt 3 sao OCOP của ông Nguyễn Thanh Hòa, xã Trường Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) được đóng gói cẩn thận để xuất bán ra thị trường. Ảnh: THÚY LIỄU
Cũng theo lời ông Hòa, mỗi ngày ông thu mua từ 5 - 10 tấn củ cải tươi đem về sơ chế và ủ muối tầm 5 - 6 tháng sẽ cho ra thành phẩm là xá pấu. "Xá pấu của gia đình tôi sản xuất hoàn toàn theo cách thức truyền thống và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, tôi đã mạnh dạn đem xá pấu đi tham gia Hội thi đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và sản phẩm xá pấu đạt hạng 3 sao OCOP (năm 2021). Sau khi xá pấu đạt 3 sao OCOP thì lượng khách hàng tăng lên 20%. Đối với sản phẩm xá pấu OCOP được đóng gói, nguyên liệu dùng sản xuất là loại củ cải tốt nhất. Khi sản xuất ra thành phẩm sẽ đóng gói 500 gram/hộp được bán cho siêu thị của tỉnh An Giang và các cửa hàng cao cấp. Để nâng thứ hạng sao OCOP cho sản phẩm xá pấu, tôi sẽ đầu tư một số loại trang thiết bị sản xuất hiện đại, thiết kế bao bì sản phẩm, bao tiêu vùng trồng củ cải trắng theo quy trình VietGAP, trồng theo hướng hữu cơ", ông Thanh Hòa chia sẻ.
“Kể từ ngày sản phẩm dưa bồn bồn và bồn bồn chua ngọt của gia đình tôi sản xuất đạt hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh, thì sản phẩm được khách hàng biết đến nhiều hơn. Nếu như trước đây, sản phẩm dưa bồn bồn được bán sỉ cho tiểu thương tại các chợ truyền thống thì đến nay đã mở rộng thêm thị trường bán lẻ và lượng khách hàng bán lẻ tăng lên 50%", chị Bùi Thanh Phương Trân, chủ hộ kinh doanh Hai Cao, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú thông tin. Cũng theo lời chị Phương Trân, gia đình chị làm dưa bồn bồn được gần 30 năm, theo phương thức truyền thống nên dưa bảo quản trong thời gian ngắn. Qua rất nhiều năm cải tiến quy trình sản xuất, dưa bồn bồn đã có chất lượng ngày càng tốt hơn và thời gian bảo quản nhiều tháng hơn. Sau khi sản phẩm đạt sao OCOP, chị Trân vẫn tiếp tục cải tiến bao bì cho sản phẩm bằng cách đầu tư đầy đủ các trang thiết bị phục vụ quá trình sản xuất, để giúp cho sản phẩm đẹp hơn, bắt mắt hơn. Hiện tại, sản phẩm bồn bồn đạt sao OCOP của hộ chị Phương Trân đã cung cấp cho nhiều cửa hàng bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Sản lượng tiêu thụ từ 600 - 1 tấn bồn bồn/tháng.
Đồng chí Lê Văn Đáng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng thông tin, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có tổng số 184 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 11 sản phẩm đạt 4 sao và 172 sản phẩm đạt 3 sao, của 100 chủ thể. Hầu hết các sản phẩm sau khi đạt sao OCOP sản lượng sản xuất tăng lên từ 20 - 30% so với trước. Giá bán sản phẩm tăng và việc kết nối tiêu thụ với đại lý, siêu thị, cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh tăng lên từ 20 - 30%. Nhằm nâng chất lượng và tạo đầu ra tốt hơn nữa cho sản phẩm OCOP, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ đào tạo nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP về quản trị, về tổ chức sản xuất, về xúc tiến thương mại và quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm sản phẩm, kể cả kỹ năng về thiết kế bao bì. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các sản phẩm tiềm năng của địa phương để sản phẩm đạt sao OCOP. Nâng chất lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao. Cùng với đó, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá các sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm. Thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP, gắn với thị trường du lịch trọng điểm và nhân rộng mô hình điểm bán hàng OCOP trên địa bàn toàn tỉnh…