Không nhân nhượng với công trình sai phạm

Bên cạnh việc tuân thủ quy định của mỗi cá nhân, tổ chức... thì sự sâu sát địa bàn, xử lý khách quan, công tâm của cán bộ thực thi pháp luật về xây dựng đóng vai trò lớn

Sở Xây dựng TP HCM vừa báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 23/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Vi phạm đã giảm

Theo Sở Xây dựng TP HCM, qua thực hiện Chỉ thị 23/2019 và Kế hoạch 3333/2019 cụ thể hóa chỉ thị này, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn chuyển biến tích cực. Trong 5 năm, tổng số công trình vi phạm gần 2.980, bình quân 1,6 vụ/ngày, giảm 6,9 vụ/ngày. Tỉ lệ giảm 81% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành chỉ thị.

Một công trình tại TP Thủ Đức, TP HCM nhoài ra mặt sông từng được Báo Người Lao Động phản ánh vào tháng 5-2024 .Ảnh: ANH VŨ

Một công trình tại TP Thủ Đức, TP HCM nhoài ra mặt sông từng được Báo Người Lao Động phản ánh vào tháng 5-2024 .Ảnh: ANH VŨ

Tính riêng trong 6 tháng, từ ngày 15-12-2023 đến 15-6-2024, số công trình vi phạm là 142, bình quân 0,8 vụ/ngày, giảm 7,7 vụ/ngày. Tỉ lệ giảm 90,8% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành chỉ thị.

Một dấu ấn nữa, công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng và phòng cháy, chữa cháy đối với loại nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân; cơ sở dịch vụ cho thuê trọ mật độ người ở cao được UBND TP HCM, Công an thành phố, Sở Xây dựng, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đặc biệt quan tâm. Từ đó có giải pháp kiểm tra, xử lý cụ thể.

Công trình xây dựng không phép đã có quyết định xử lý nhưng đến nay phía vi phạm vẫn chưa chấp hành .Ảnh: QUỐC ANH

Công trình xây dựng không phép đã có quyết định xử lý nhưng đến nay phía vi phạm vẫn chưa chấp hành .Ảnh: QUỐC ANH

Về hạn chế, Sở Xây dựng đánh giá vẫn còn trường hợp công chức được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng để xảy ra các vi phạm trong công tác kiểm tra, theo dõi, phát hiện, tham mưu, đề xuất lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính.

Công tác tổ chức thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính mặc dù đã được UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện nhưng số công trình vi phạm trật tự xây dựng chưa cưỡng chế phá dỡ tồn đọng nhiều. Do đó, cần tiếp tục tập trung thực hiện thường xuyên, có lộ trình cụ thể nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng.

Tiếp tục xử lý quyết liệt

Theo tìm hiểu, đúng như báo cáo, tình hình vi phạm về xây dựng dù đã giảm nhưng chưa triệt để tại một số nơi.

Sở Xây dựng cho rằng thời gian tới cần những giải pháp mới phù hợp hơn với tình hình thực tế, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và các quy định pháp luật đang có hiệu lực thi hành. Từ đó, phát huy kết quả đạt được trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Trong đó, thời điểm cuối năm 2023, kết luận thanh tra của Thanh tra TP Thủ Đức chỉ ra hàng loạt công trình xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ sông, rạch tại phường Thảo Điền. Đơn cử, qua kiểm tra hiện trạng 8/10 công trình xây dựng không phép, đoàn thanh tra phát hiện nhiều công trình có diện tích khá lớn.

Tháng 3-2024, Thanh tra TP Thủ Đức cũng có kết luận thanh tra công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại phường Long Phước. Cơ quan thanh tra chỉ rõ 36/36 trường hợp vi phạm tại thời điểm kiểm tra chưa tháo dỡ và chủ đầu tư chưa khắc phục hành vi hủy hoại đất.

Từ kết quả thanh tra, Thanh tra TP Thủ Đức kiến nghị chủ tịch UBND TP Thủ Đức chỉ đạo chủ tịch UBND phường Long Phước chấn chỉnh công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng, không để phát sinh sai phạm dẫn đến khó khắc phục. Với phường Thảo Điền, chủ tịch UBND TP Thủ Đức đề nghị Đội Thanh tra địa bàn TP Thủ Đức phối hợp với UBND phường này xử lý dứt điểm các công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế trên địa bàn 2 phường trên, nhiều công trình vi phạm chưa được xử lý, thậm chí nhiều nơi vẫn duy trì kinh doanh dịch vụ ẩm thực, lưu trú, du lịch… bình thường.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Duy Long, Chủ tịch UBND phường Long Phước, thông tin sau khi được bổ nhiệm vào đầu tháng thì đã bắt tay vào việc xử lý các công trình vi phạm. Ông cho hay hiện nhiều công trình vi phạm chưa tháo dỡ và vẫn hoạt động.

"Phường đã bắt đầu rà soát tình hình pháp lý các trường hợp vi phạm xây dựng trên địa bàn theo kết luận thanh tra từ các khâu lập hồ sơ, trình tự thủ tục theo quy định có phù hợp với hiện trạng nơi vi phạm hay chưa. Đồng thời, phường phối hợp với các phòng rà soát kỹ lại trước khi tham mưu cho UBND TP Thủ Đức thực hiện những bước xử lý" - ông Long nói.

Chủ tịch UBND phường Long Phước cũng dự trù tình huống chủ đầu tư không hợp tác, chây ì vì đây là khó khăn thường gặp trong xử lý vi phạm xây dựng. Vì vậy, phường Long Phước vừa củng cố hồ sơ pháp lý vừa vận động các trường hợp vi phạm tự tổ chức tháo dỡ phần vi phạm.

Theo tìm hiểu, người dân thành phố đồng thuận với việc xử lý nghiêm các công trình vi phạm và cho rằng để công tác này hiệu quả, bên cạnh việc tuân thủ quy định của mỗi cá nhân, tổ chức… thì sự sâu sát địa bàn, xử lý khách quan, công tâm của cán bộ thực thi pháp luật về xây dựng đóng vai trò rất quan trọng.

QUỐC ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khong-nhan-nhuong-voi-cong-trinh-sai-pham-196240731205600329.htm