Không nhất thiết phải trường chuyên
Trường chuyên là gì? Theo định nghĩa của wikipedia - một trang web bách khoa toàn thư, trường chuyên là trường trung học, trong đó đào tạo toàn diện và nâng cao một số môn học gọi là môn chuyên. Hầu như trên cả nước tỉnh, thành nào cũng có 1 hoặc 2 trường chuyên như TP. Hồ Chí Minh có Trường THPT chuyên Trần Ðại Nghĩa, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; Hà Nội có Trường THPT chuyên Amsterdam… Ở tỉnh có Trường THPT chuyên Trần Hưng Ðạo.
Không nhất thiết phải trường chu
Vì là nơi có cơ sở vật chất cũng như chất lượng giảng dạy được xếp vào top đầu nên nhiều phụ huynh đều mong muốn con được vào học. Những mong ước ấy là chính đáng bởi học ở môi trường thuận lợi thì tương lai sẽ tốt hơn. Nhưng để con phát triển một cách tự nhiên thì hay hơn là cố và gượng ép. Trong số các kỳ thi vào trường chuyên bao gồm kỳ thi năm nay, chúng tôi thấy không ít phụ huynh đầu tư cho con học với nhiều thầy cô, kỳ vọng con sẽ vào học ở trường chuyên. Tuy nhiên, cũng có những phụ huynh khác xem môi trường trường chuyên như là “sân chơi” để con thử sức. Nếu con thi đậu thì con học, con không đậu thì học ở các trường khác, miễn sao đảm bảo sức khỏe và thi đậu một trong những trường đại học trong tương lai là được.
Quá gây áp lực việc học lên con trẻ là tội lỗi của cha mẹ hoặc là học cho cha mẹ chứ không phải cho con. Đừng cướp đi tuổi thơ của con trẻ bởi khi chúng trưởng thành, ranh giới giàu hoặc nghèo không khác nhau, ai cũng phải đều là công dân tốt. Nói như vậy không phải bài viết khuyến khích các bậc phụ huynh không phát huy hết tiềm năng học hành của con cái mà ở góc độ mong muốn cha mẹ đừng quá dày công kỳ vọng và áp lực lên việc học tập của con cái. Hãy quan tâm nhiều đến sức khỏe, lối sống tốt cũng như kỹ năng sống… và khuyến khích con cái có chí hướng cầu tiến, tự học, tự lập tạo hành trang bước vào đời.
Hình ảnh những em học sinh THCS vùi đầu vào học, thậm chí “ăn cơm” trên lưng cha mẹ khi chở đi học thêm, chuẩn bị thi vượt cấp mà thấy thật thương, nhất là những em thi vào trường chuyên. Anh Nguyễn Lý – một phụ huynh đứng ở cổng Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo chờ đón con về trong kỳ thi niên học 2020-2021 vừa qua chia sẻ: “Thấy tội nghiệp tụi nó quá, học gì mà học cặp kiếng dày cui. Con mình nó đòi thi chuyên Anh, mình cho nó thi để cọ sát môi trường thi, đậu được vào học trường chuyên thì tốt, còn không thì thi trường khác học. Nhiều đứa tôi thấy không biết cha mẹ có bắt nó học hay là nó tự đòi học mà học một môn thi chuyên 2 – 3 thầy cô. Có đứa vừa học toán thầy T. ở Văn Thánh vừa học thầy C. ở phường Phú Trinh, chưa kể học thầy cô ở trường; nói chung những đứa thi chuyên gần như đứa nào cũng học trung bình 2 cô hoặc thầy/1 môn. Ngoài học thêm môn chuyên còn học những môn khác, học gì mà đến 22 giờ đêm mới về nhà. Có đứa học quá mà nhìn mặt nó “khờ” vì thiếu ngủ…”.
Áp lực của thầy cô ở trường lại thêm áp lực cha mẹ trong việc học khiến nhiều trẻ em ngày nay mất đi tuổi thơ. Áp lực là thể hiện quan tâm con cái, nhưng chỉ quan tâm đến việc học không thôi chưa đủ, mà còn phải quan tâm những thứ khác. Ngược lại, không quan tâm thì không hay, bởi trẻ em vốn sinh ra như một tờ giấy trắng cần uốn nắn chỉ bảo dạy dỗ nên người. Những đứa trẻ có chí thông minh thực sự hay còn gọi có chỉ số IQ cao dù học ở môi trường nào thì học cũng tốt, cơ bản là khuyến khích và cần định hướng tốt.
Thực tế học sinh trường chuyên, không phải em nào học xong, thi đại học, tốt nghiệp ra trường cũng tìm được việc làm tốt hoặc thành đạt, nếu có chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều em học xong không xin được việc làm hiện cũng về phụ giúp gia đình và làm những công việc bình thường. Trong khi nhiều em học ở các trường THPT khác thành đạt… Con đường học ngày càng rộng mở, không nhất thiết phải cứ trường điểm, trường chuyên, cơ bản biết cách dung hòa làm sao cho các em học tốt nhưng phải đảm bảo sức khỏe và hành trang bước vào đời tự tin, có ích cho xã hội.