Không 'nhồi' công trình hai bên sông Hồng
Ngày 11/3, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII tổ chức Hội nghị lần thứ ba. Bên lề hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho rằng, quy hoạch hai bên sông Hồng phải đảm bảo về cảnh quan, không chất tải công trình hai bên sông.
Nhiều giải pháp cải tạo chung cư cũ
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội đã làm việc với Bộ Xây dựng và các bộ khác có liên quan về vấn đề này. Hầu hết ý kiến cho rằng nên làm sớm, tuy nhiên, có vướng mắc liên quan đến nghị định của Chính phủ, quy định của Luật Nhà ở. “Ví dụ, Luật Nhà ở quy định muốn cải tạo chung cư cũ thì phải được 80% người dân ở chung cư đó ủng hộ. Nhưng qua thực tế, các hộ ở tầng 1 có rất nhiều quyền lợi, rất khó đồng thuận”, ông Huệ nêu.
Ông Huệ phân tích, một khu chung cư cũ thường có 5 tòa, mỗi tòa 4 tầng, tổng số 20 tầng. Nếu nhà đầu tư chỉ làm 1 tòa nhà 20 tầng thì dân số không thay đổi, diện tích sử dụng đất khoảng 20%. Diện tích đất còn lại có thể sử dụng làm các thiết chế về văn hóa, y tế, thương mại…
Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu, trước đây có quan điểm trong nội đô không được xây nhà cao tầng, nhưng qua làm việc, Bộ Xây dựng nói không có quy định như vậy. Thẩm quyền là của thành phố nhưng quan trọng là không làm gia tăng áp lực lên hạ tầng. Theo ông Huệ, sẽ có đề án tổng thể để giải quyết tất cả các mặt về quy hoạch, kiến trúc, kết cấu hạ tầng, thiết chế xã hội, các dịch vụ công… Tuy nhiên, ông Huệ cũng cho rằng, đô thị chật chội rồi mà “nhét” 5 - 7 chung cư cao tầng vào thì không ai chấp nhận.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố sẽ chia ra làm 3 nhóm chung cư cũ. Nhóm 1, gồm tập hợp các chung cư cũ trong một khu (khu tập thể) như ở Kim Liên, Trung Tự…Nhóm thứ 2 là chung cư cũ mô hình như tiểu khu nhà ở gồm 5 - 7 chung cư một nhóm (không phải khu tập thể). Nhóm thứ 3 là các chung cư cũ độc lập, đơn lẻ. Với mỗi nhóm sẽ có các chính sách khác nhau.
Quy hoạch sông Hồng: Không nhồi công trình!
Bên lề Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao đổi với phóng viên về dự thảo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Theo ông Huệ, quan điểm của quy hoạch là “bất khả xâm phạm” bờ đê sông Hồng. Đường hai bên đê được coi như một đập tràn, hai đường chạy song song.
Nếu xác suất 500 năm nước lũ vượt quá bờ đê, thì nước chỉ tràn vào khu quy hoạch, không ảnh hưởng đến thành phố. Theo đồ án, các công trình hai bên sông được thiết kế với công năng chống lũ theo hướng nước vào rồi lại ra. “Như vậy, việc quy hoạch thủy lợi tích hợp trong quy hoạch này hoàn toàn tuân thủ Quyết định 257 của Thủ tướng về quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Có nghĩa thoát lũ vẫn là nhiệm vụ ưu tiên số 1. Một điểm nữa là cách tiếp cận khi xây dựng quy hoạch cũng khác. Trước đây khi thì giao cho đơn vị này, đơn vị kia, thì nay Nhà nước làm, không giao cho doanh nghiệp nào”, ông Huệ nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, quy hoạch được thông qua và được triển khai sớm sẽ đảm bảo vấn đề sinh kế cho hàng triệu người dân sống hai bên sông. Đây là một trong những điểm nghẽn lâu nay thành phố vẫn luôn muốn tháo gỡ. Cùng với đó, bộ mặt đô thị sẽ khang trang hơn và tạo được quỹ đất để phát triển. Thành phố có điểm nhấn là dòng sông ở giữa, với hành lang xanh, một đô thị đẹp, văn minh, hiện đại. Trước đây, sông Hồng cận biên là phía Bắc, bây giờ tư duy quy hoạch mới, trục giữa nằm giữa lòng sông Hồng, từ đó phát triển hài hòa 2 bên bờ sông. Từ năm 1954 đến nay có khoảng 7 lần điều chỉnh quy hoạch Thủ đô đều nói đến sông Hồng, nhưng bây giờ mới thành hiện thực.
Có được điều này phải cần sự giúp đỡ của Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng và chuyên gia đầu ngành. Quy hoạch lần này có được cũng là do thay đổi cách tiếp cận, theo nguyên tắc là thuận thiên. Lấy phòng chống lũ và chỉnh trị sông Hồng là mục tiêu hàng đầu và tham khảo cả những đề án nghiên cứu của Hà Lan, Hàn Quốc.
Quy hoạch sông Hồng theo hướng trục vành đai xanh, cảnh quan đô thị, nhấn mạnh văn hóa đặc sắc của sông Hồng, tạo không gian hài hòa để phát triển cho cả 2 bên dòng sông, chứ không phải là nơi chất tải các công trình lên”, ông Huệ nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội cho rằng thành phố đã có quy chế quản lý cao tầng nội đô nhưng trong đó cho sự “linh động” rất lớn. Ví dụ, được phép xây cao tầng, nhưng khu thì xây 9- 10 tầng khu thì 14 tầng, khu thì 16 tầng. “Quy hoạch ghi là được 1 điểm nhấn cao tầng nhưng tại sao không phải là 9 tầng mà phải là hơn 20 tầng?”, ông Nghiêm nói.