Không nói chơi về ý định giành kênh đào Panama và Greenland, ông Trump tính đến cả hành động quân sự
Ngày 7/1, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã từ chối loại trừ khả năng sử dụng hành động quân sự hoặc kinh tế để theo đuổi việc giành quyền kiểm soát kênh đào Panama và đảo Greenland.
Theo CNBC, tại cuộc họp báo ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida, ông Trump nhắc lại tham vọng của mình với kênh đào Panama và đảo Greenland rằng: "Chúng ta cần chúng vì an ninh kinh tế".
Khi được hỏi liệu ông có thể bảo đảm với thế giới sẽ không sử dụng biện pháp cưỡng chế quân sự hoặc kinh tế khi cố gắng giành quyền kiểm soát hai khu vực trên hay không, Tổng thống đắc cử Trump khẳng định: "Không, tôi không thể bảo đảm với các bạn về bất kỳ điều nào trong hai điều đó... Kênh đào Panama được xây dựng cho quân đội của chúng ta. Tôi sẽ không cam kết điều đó".
Chủ nhân thứ 47 của Nhà Trắng nói sẽ áp thuế đối với Đan Mạch nếu nước này từ chối đề nghị mua Greenland của ông.
Trước đó cùng ngày, con trai ông Trump là Don Trump Jr. đã có chuyến thăm riêng đến Greenland.
Kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024, ông Trump đã nhiều lần thể hiện tham vọng về việc sáp nhập các vùng lãnh thổ, đặc biệt là kênh đào Panama và Greenland.
Với kênh đào Panama, hiện do quốc gia cùng tên kiểm soát, ông Trump đã chỉ trích cái mà ông gọi là phí không công bằng đối với tàu Mỹ đi qua tuyến đường thủy quan trọng này, đồng thời ám chỉ ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Tổng thống đắc cử tuyên bố, nếu Panama không thể bảo đảm "hoạt động an toàn, hiệu quả và đáng tin cậy" ở kênh đào "thì Washington sẽ đòi trả lại cho Mỹ quyền quản lý hoàn toàn kênh đào này một cách vô điều kiện".
Tổng thống Panama Jose Raul Mulino đã bác bỏ khả năng giảm phí, phủ nhận Trung Quốc có bất kỳ ảnh hưởng nào đối với tuyến đường biển quan trọng nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương này, đồng thời khẳng định kiên quyết: "Không có khả năng thảo luận bất cứ điều gì nhằm xem xét lại thực tế pháp lý-chính trị của kênh đào bởi không có gì để nói cả. Kênh đào là của Panama, hết".
Đối với hòn đảo Greenland, một vùng đất tự quản của vương quốc Đan Mạch, Thủ tướng quốc gia Bắc Âu Mette Frederiksen ngày 7/1 tuyên bố: "Tôi không nghĩ rằng việc đấu tranh với nhau bằng phương tiện tài chính là một cách hay khi chúng ta là đồng minh và đối tác thân thiết".
Giới chức cả ở Đan Mạch và Greenland đều bác bỏ tuyên bố muốn mua lại hòn đảo lớn nhất thế giới nằm giữa Đại Tây Dương và gần Bắc Cực này.