Không nơi nào là không có tết: Quê nhà luôn ở trong tim...

Những ngày cuối năm, khắp nơi trên dải đất hình chữ S đang vang lên những giai điệu rộn vang, hạnh phúc để đón chào một mùa xuân mới, một năm mới với nhiều niềm vui, tiếng cười và hạnh phúc. Đây cũng là mong ước chung của những người Việt xa xứ không thể trở về quê hương đón tết sum vầy cùng gia đình nhưng lòng vẫn luôn hướng về quê nhà với tình yêu, nỗi nhớ cùng những lời cầu chúc bình an, hạnh phúc, vạn sự như ý...

Không khí đón tết cổ truyền dân tộc của một gia đình người Việt tại Nga.

Không khí đón tết cổ truyền dân tộc của một gia đình người Việt tại Nga.

Tết này là cái tết đầu tiên mà anh Nguyễn Phương Anh quê ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa (du học sinh tại Nhật Bản) phải đón tết xa nhà. Tuy vậy, sinh sống cùng phòng với anh có những bạn đồng trang lứa người Việt đến từ các huyện Thiệu Hóa, Yên Định, Thọ Xuân... Để vơi bớt nỗi nhớ quê nhà, anh và các bạn dự định cùng nhau nấu và góp chung một số món ăn truyền thống Việt Nam, nhất là các món ăn đậm vị xứ Thanh; rồi cùng xem các chương trình đón xuân trên mạng xã hội để vơi bớt nỗi nhớ không khí tết nơi quê nhà.

Đây cũng là cách để những du học sinh Việt Nam lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như dư vị ngọt ngào của cái tết nơi phương xa.

Khác với anh Nguyễn Phương Anh, chị Hà Thị Phương Hoa (quê Thanh Hóa, hiện đang sinh sống và lao động tại Nga) lại có gần 20 năm phải đón tết xa nhà. Chia sẻ với chúng tôi, chị bộc bạch: Bình thường cứ 1 đến 2 năm gia đình mình sẽ đưa các con về Việt Nam thăm người thân và đi du lịch. Song những chuyến đi về thường là vào mùa hè mà không phải là dịp tết nguyên đán. Bởi vậy, để nỗi nhớ quê nhà được nguôi ngoai và cũng mong muốn các thành viên trong gia đình luôn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc, mỗi dịp tết đến, xuân về gia đình mình luôn tự làm và mua sắm đầy đủ các vật phẩm trang trí cũng như thực phẩm đặc trưng ngày tết.

Chị Hoa cũng chia sẻ thêm: Với tâm niệm tết là phải sum vầy, đầm ấm, hạnh phúc bên gia đình, nên những ngày giáp tết cũng là ngày mình bận rộn nấu nướng, nhưng bù lại đến chiều tối, nhất là chiều 30 tết cả gia đình lại được ngồi quây quần, sum vầy bên mâm cơm tất niên thật ấm cúng. Trên mâm cơm tất niên xa xứ cũng có đầy đủ các món truyền thống như nem rán, giò, xôi, gà, canh măng - mọc, bánh chưng xanh.

Với những người con xa xứ, tết luôn là thời điểm buồn nhớ đến rơi nước mắt bởi quanh quẩn trong tâm trí mỗi người Việt đâu đâu cũng thấy bóng dáng quê nhà. Bởi vậy, họ luôn cố gắng lưu giữ văn hóa Việt trên chính đất nước mà họ đang sinh sống. Ở Cộng hòa Séc người Việt rất đông, đã hình thành nên một cộng đồng khá đông đúc. Mỗi dịp đến tết nguyên đán cộng đồng người Việt nơi đây đều cùng nhau tụ hội đón tết. Nhiều người Việt cùng đi sắm sửa, nấu ăn với đầy đủ những món ăn đặc trưng trong ngày tết của người Việt. Thậm chí, nơi xứ người không có hoa đào, hoa mai, mọi người lại dùng một cành cây khác gấp hoa và dán vào. Dù chỉ tượng trưng nhưng cũng góp phần làm cho không khí thêm phần ấm cúng.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh ở TP Thanh Hóa đang sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Séc, chia sẻ: Dù không được đón tết cùng người thân tại quê nhà, nhưng không vì thế mà tết trên đất Séc sẽ bị lãng quên. Đón tết cổ truyền xa quê mình và nhiều người khác vẫn thực hiện đầy đủ những nghi lễ trong chiều tất niên, đêm giao thừa như chuẩn bị mâm ngũ quả, làm mâm cơm cúng tất niên, cúng giao thừa. Đồ tết chủ yếu mua ở các ki ốt của người Việt. Ở đây gần như có đủ các mặt hàng, từ vàng mã, giò, chả, bánh chưng, mứt tết...

Đón tết nơi xứ người, nơi cách xa quê nhà hàng nghìn, hàng chục nghìn cây số, với mỗi người con xa quê chắc hẳn sẽ là một trải nghiệm đặc biệt. Nhưng, dù ở nơi nào trên thế giới, trong dịp tết cổ truyền của dân tộc, những người Việt đều sẽ tìm thấy nhau, tìm đến nhau để cùng đón một cái tết đầm ấm và cùng san sẻ với nhau những khó khăn, vất vả, động viên nhau cùng nỗ lực trong hành trình phát triển, hội nhập.

Xa quê hương, xa người thân, nhưng những người Việt xa xứ không cảm thấy cô đơn, bởi quê nhà luôn trong tim, phong vị tết Việt vẫn hiển hiện trước mắt, khá đủ đầy.

Lê Phượng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khong-noi-nao-la-khong-co-tet-que-nha-luon-o-trong-tim-238001.htm