Không phải chỉ Việt Nam mà cả thế giới làm du lịch
Mới đây, trong buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện với Tổng cục Du lịch về tình hình du lịch 6 tháng đầu năm và những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019, thông tin cho thấy 6 tháng đầu năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam là 8.481.000 lượt khách, chỉ tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, tháng 6/2019 lượng khách quốc tế ước đạt 1.185.000 lượt, giảm 10,6% so với tháng 5/2019 và tăng 0,2% so với tháng 6/2018. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp trong năm nay khách quốc tế đến Việt Nam giảm so với tháng trước…
Theo phân tích của lãnh đạo Tổng cục Du lịch, bên cạnh việc lượng khách quốc tế giảm trong tháng 6 đầu năm không phải là điều bất thường vì hiện đang là mùa du lịch cao điểm của thị trường nội địa và là mùa thấp điểm của khách du lịch quốc tế, cũng có những nguyên nhân khác như: việc quản lý điểm đến, quá tải ở các sân bay…
Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, các chương trình du lịch truyền thống đang giảm nhanh vì thế cần sớm đẩy mạnh e-marketing (tiếp thị trực tuyến). Đồng thời, tăng cường quản lý điểm đến, phát triển điểm đến mới, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao…, theo ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch.
Cũng về vấn đề du lịch, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo bán thường niên cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2019. Trong đó, WB dành hẳn chuyên đề đặc biệt về Phát triển du lịch tại Việt Nam để đi sâu phân tích tình hình phát triển của ngành Du lịch Việt Nam, ngành xuất khẩu dịch vụ lớn nhất của quốc gia, đóng góp đến 8% GDP trong năm 2017.
WB nhấn mạnh, Việt Nam đã và đang trải qua giai đoạn bùng phát về du lịch trong suốt thập kỷ qua, trở thành một trong những điểm đến mới nổi hàng đầu ở Đông Nam Á. Số lượt khách nước ngoài đến với Việt Nam năm 2018 đạt trên 15 triệu lượt, so với chỉ tiêu 4 triệu ở thập kỷ trước; 80 triệu lượt khách nội địa, con số tăng gấp 4 lần trong 10 năm qua.
Ở Việt Nam, chi tiêu của du khách đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch, bao gồm cả các địa phương và nhóm dân số tương đối nghèo. Chính vì vậy, duy trì tăng trưởng của ngành này được Chính phủ xem là ưu tiên chiến lược và là yếu tố quan trọng đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Mặc dù vậy, tăng trưởng mạnh mẽ khiến cho ngành này đã chạm đến điểm bùng phát trong phát triển và đang gặp rủi ro bị trượt xuống quỹ đạo dẫn đến khai thác quá mức và gây tổn hại đến những tài sản hấp dẫn du khách ban đầu. Nghĩa là nếu tiếp tục tăng trưởng mà không được quản lý tốt, có thể dẫn đến những tác động bất lợi về kinh tế, xã hội và môi trường.
Từ hai câu chuyện trên có thể thấy, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt để thu hút khách, “bài toán” với ngành Du lịch vẫn là bài toán xưa nay được nói đến nhiều. Đó là tập trung vào các ưu tiên chính như tăng cường phối hợp quy hoạch điểm du lịch và phát triển sản phẩm; đa dạng hóa sản phẩm du lịch và thị trường nguồn khách; phát triển kỹ năng của lực lượng lao động ngành Du lịch; tăng cường kết nối chuỗi giá trị du lịch ở địa phương; cải thiện về quản lý luồng khách; nâng cao chất lượng và năng lực hạ tầng điểm du lịch, bảo vệ các tài sản văn hóa và môi trường.
Bởi Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất tìm cách khai thác lợi thế từ du lịch mà nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng đang ưu tiên cho du lịch trong nghị trình phát triển kinh tế của họ.
Hay nói như Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tại buổi làm việc nói trên rằng không phải chỉ một mình Việt Nam làm du lịch mà cả thế giới làm du lịch. Chúng ta đang trong một cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt, vì thế chỉ có cách là tiến lên phía trước với sự quyết tâm cao hơn. Cần phải liên tục rút ra bài học kinh nghiệm cho mình, tìm ra những giải pháp khả thi, đánh giá thị trường kể cả khi thị trường đó đang tăng trưởng tốt, phát triển ổn định.