Không phải CO2, khí metan mới là thủ phạm chính khiến Trái Đất nóng lên nhanh
Chúng ta đã trải qua một năm 2024 nóng nhất lịch sử với hàng loạt kỷ lục nắng nóng khiến cuộc sống khắp nơi đảo lộn. Và hóa ra khí metan chứ không phải CO2 mới chính là thủ phạm khiến nhiệt độ tăng cao.
Ai cũng biết hiệu ứng nhà kính khiến Trái Đất ấm lên, tạo ra năm 2024 nóng kỷ lục trong lịch sử và không ai muốn trải qua thêm mùa Hè nóng như vừa qua nữa. Lâu nay, chúng ta vẫn nghĩ nhiệt độ tăng lên nhanh như vậy là do khí CO2 nhưng trên thực tế, khí metan mới là thủ phạm giấu mặt.
Tuy cả khí metan và CO2 đều là khí thải làm Trái Đất nóng lên, nhưng tác động của chúng không giống nhau. Khi mới xâm nhập khí quyển, metan có sức nóng gấp 80 lần so với CO2, chiếm đến 30% nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính. Nhưng thật may là khí metan phân hủy nhanh, sẽ biến mất sau khoảng 20 năm lơ lửng trong không khí. Vì thế, cắt giảm khí metan sẽ là cách nhanh nhất, hữu hiệu nhất để giúp Trái Đất nóng chậm lại.
Khí metan thực ra xuất hiện ở khắp mọi nơi. Chúng có mặt trong các đám cháy, tồn tại ở những nơi yếm khí như ao hồ, đầm lầy, hang động, mỏ than đá. Những bãi rác lộ thiên cũng là nguồn thải metan mà ít ai chú ý đến. Ngay cả trồng lúa nước hoặc nuôi trâu bò hóa ra cũng làm sản sinh một lượng khí metan không nhỏ.
Các nghiên cứu của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng nếu con người muốn giữ mức nhiệt độ tăng lên dưới 1,5 độ C thì phải giảm một nửa lượng khí thải metan vào năm 2050. Và nếu ngay trong thập kỷ này, chúng ta cắt giảm mạnh khí metan thì có thể tránh được hiện tượng Trái Đất nóng thêm 0,3 độ C vào năm 2040. Vì thế mà Chính phủ Việt Nam cũng đang chung tay với thế giới để quyết liệt hạn chế khí metan càng sớm càng tốt.
Bởi nếu không, chúng ta sẽ phải đối mặt với những mùa Hè nóng hơn cả năm 2024, những trận siêu bão nguy hiểm hơn cả bão Yagi.