Không phải giải pháp căn cốt!
Có thể thấy, giải quyết vấn nạn kẹt xe, tắc đường bằng thu phí đang được cả hai thành phố lớn nhất nước cho là cứu cánh khả thi.
Trong khi Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đề xuất UBND thành phố xin chủ trương xây dựng dự án thu phí ô tô vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông vẫn chưa được thông qua, Sở GTVT Hà Nội cũng đang lên kế hoạch lập trạm thu phí tự động theo giờ cao điểm và phân vùng hạn chế ô tô. Đây là dự án tác động rất lớn tới đời sống – xã hội cũng như hoạt động của người dân đang được dư luận quan tâm. Có thể thấy, giải quyết vấn nạn kẹt xe, tắc đường bằng thu phí đang được cả hai thành phố lớn nhất nước cho là cứu cánh khả thi. Trong khi đó, các chuyên gia giao thông, quy hoạch đô thị lại cho rằng đề xuất xây 34 trạm để thu phí ô tô ở trung tâm Sài Gòn hay kế hoạch thu phí phương tiện ở nhiều quận trung tâm, khoanh vùng khu vực thu phí theo khu vực các đường vành đai của Sở GTVT TP. Hà Nội là cách làm không bài bản, gây nhiều tác hại, không phải giải pháp căn cốt để cải tạo vấn nạn kẹt xe, tắc đường.
Mọi ngả đường đều dẫn đến thu phí
Trong khi Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh (HCM) đề xuất UBND thành phố xin chủ trương xây dựng dự án thu phí ô tô vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông vẫn chưa được thông qua, Sở GTVT Hà Nội cũng đang lên kế hoạch lập trạm thu phí tự động theo giờ cao điểm và phân vùng hạn chế ô tô. Đây là dự án tác động rất lớn tới đời sống – xã hội cũng như hoạt động của người dân đang được dư luận quan tâm. Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội đang cùng với đơn vị tư vấn nghiên cứu kinh nghiệm từ các đô thị lớn của các nước trên thế giới xây dựng đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030”. Điểm nhấn của đề án này đang được nhiều người dân quan tâm chính là việc Hà Nội sẽ thu phí phương tiện vào nội đô, đối tượng chịu thu phí sẽ là ô tô do đối tượng xe máy sẽ tính tới hạn chế dần và tiến tới cấm hẳn trong tương lai gần.
Đặc biệt, Sở GTVT Hà Nội lên kế hoạch thu phí phương tiện ở nhiều quận trung tâm, khoanh vùng khu vực thu phí theo khu vực các đường vành đai, song mở rộng thu phí đến đường vành đai nào sẽ phải tính toán. Hà Nội hiện có đường vành đai 1, 2, vành đai 2,5, vành đai 3 đã triển khai và có nhiều tuyến đường kết nối.
Đến nay, Sở GTVT và đơn vị tư vấn nghiên cứu vẫn chưa chốt phương án chính thức khu vực thu phí, phân vùng thu phí như thế nào cũng như hình thức thu ra sao. Dự kiến, cuối năm 2019, Sở GTVT sẽ chốt phương án để trình HĐND TP. Hà Nội vào kỳ họp HĐND cuối năm nay.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, để có thể thu phí được phương tiện đi vào nội đô, Hà Nội cũng sẽ lập trạm thu phí tự động theo giờ cao điểm và phân vùng hạn chế ô tô. Đồng thời, sẽ thu phí tự động để hạn chế phương tiện vào khu vực nội đô vào giờ cao điểm. Trong 2 năm qua, Sở GTVT đã triển khai các chủ trương về nội dung hạn chế phương tiện vào nội đô. Từ năm 2019, Hà Nội sẽ bắt tay thực hiện các vấn đề cụ thể. Trong đó, có đưa ra các giải pháp hạn chế xe cá nhân ở khu vực nội đô.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, đối với xe máy, theo đề án đã có, lộ trình hạn chế tiến tới dừng hoạt động vào năm 2030. Tuy nhiên, để thực hiện được Sở GTVT Hà Nội và các sở ngành liên quan phải thực hiện các giải pháp phát triển hạ tầng, vận tải công cộng. Trước đó, Sở GTVT TP. HCM cũng có văn bản đề xuất UBND thành phố xin chủ trương xây dựng dự án thu phí ô tô vào nội đô để giảm kẹt xe… Tuy mới chỉ là đề xuất của cấp sở và phải đợi UBND TP. HCM duyệt chủ trương thì mới triển khai nhưng do vấn đề mới, tác động toàn diện đến đời sống người dân nên được dư luận đặc biệt quan tâm.
Theo đề xuất của Sở GTVT TP. HCM, sẽ có 34 cổng thu phí ô tô vào khu vực trung tâm được xây dựng để hạn chế ùn tắc với nguồn vốn 250 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Các cổng thu phí được xây bao quanh khu vực quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10 (bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng). Cách thức này được cho là sẽ tạo thành vành đai khép kín khu vực trung tâm thành phố và một số trục giao thông chính bên ngoài đang thường xuyên kẹt xe.
Mới đây, Hội đồng tư vấn về giao thông đô thị của TP. HCM cũng đã tổ chức kỳ họp lần thứ hai vào ngày 14/6 để lấy ý kiến về đề xuất dự án nói trên. Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc Sở GTVT, các thành viên gồm những chuyên gia trong ngành giao thông của thành phố. Trong cuộc họp này có 13/19 thành viên tham dự cơ bản thống nhất nên Sở mới đề xuất.
Chưa giải quyết cái gốc
Theo một số chuyên gia giao thông, phương án thu phí đối với ôtô vào khu vực trung tâm TP. HCM cũng là một giải pháp góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, dự án suốt nhiều năm nghiên cứu đã phải bàn ra tính vào, cho thấy nhiều vấn đề chưa phù hợp và khó khả thi. Những vấn đề đó đã được nêu ra nên phải giải quyết cho được và chứng minh những ảnh hưởng, tác động xã hội, trong đó có những đối tượng bị ảnh hưởng lớn như doanh nghiệp vận tải, xe từ các địa phương khác ra, vào TP...
Bình luận về đề xuất, ông Đồng Văn Khiêm - Thành viên Hội đồng Tư vấn phản biện Ủy ban MTTQ TP. HCM cho rằng dự án chưa giải quyết được cái gốc của tình trạng kẹt xe khu trung tâm mà mới chỉ dừng lại ở chuyện thu phí nộp ngân sách. Theo ông, người dân có công việc ở trung tâm thì họ vẫn phải đi xe vào và chấp nhận nộp phí. Mặt khác, việc người dân ở khu vực bên trong vành đai cũng bị thu phí để về nhà là điều vô lý. “Mục đích của thu phí là hạn chế xe cá nhân nhưng lại chưa có các phương tiện để thay thế. Do vậy, nếu cấm xe hơi mà người dân chuyển qua xe máy thì đâu cũng vào đó”, ông Khiêm lo ngại.
Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia giao thông đô thị, cần phải có giải pháp công nghệ phù hợp và đặc biệt là phải được áp dụng ở phạm vi không chỉ TP. HCM mà còn ở các TP khác trong cả nước để tạo tính minh bạch, đồng bộ… trong quản lý. Còn trước mắt, TP. HCM có thể áp dụng ngay giải pháp tăng phí đậu đỗ xe và thực hiện một cách nghiêm túc. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói: Tôi cho rằng mình đang có giải pháp đơn giản hơn mà mình nên sử dụng trước là tăng phí giữ xe cho khu nội thành, cũng trong vành đai này luôn. Nó hiệu quả và ít tốn kém hơn nhiều. Những đơn vị có cơ sở trong nội thành thì đã có bãi đậu xe miễn phí cho nhân viên và các hãng taxi cũng vậy… Thật sự đây là giải pháp đơn giản và hiệu quả bởi thành phố cũng từng tăng phí giữ xe nhưng mà chưa có kế hoạch thực hiện bài bản.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, để thực sự giải được bài toán ùn tắc tại đô thị, thì cần tính lại việc quản lý đô thị, khi các cao ốc được xây dựng ồ ạt còn quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông thì không được tăng thêm tương xứng. Nếu chặn dòng xe lưu thông giữa trung tâm và khu vực ngoại thành chắc chắn sẽ cản trở rất nhiều tới các hoạt động kinh tế, xã hội của người dân. Do vậy, trước khi triển khai áp dụng, cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và gây xáo trộn cuộc sống người dân.
Phản hồi ý kiến chuyên gia, ông Ngô Hải Đường nói rằng dự án này chỉ là một phần trong đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng và hạn chế xe cá nhân mà Sở đang thực hiện. Do vậy, Sở sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp khác đồng bộ với dự án này, trong đó chú trọng tăng cường vận tải công cộng như xe buýt mini, các tuyến xe buýt kết nối metro số 1, BRT. “Cơ quan chức năng sẽ mở thêm các bãi đậu xe dọc vành đai để người dân gửi xe rồi sử dụng phương tiện công cộng vào trung tâm”, ông Đường thông tin.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khong-phai-giai-phap-can-cot-post65593.html